Liên tiếp 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone đã gửi tin nhắn tới những chủ thuê bao chưa đăng ký đầy đủ thông tin và yêu cầu bổ sung trước ngày 24/4, bao gồm cả ảnh chân dung của chủ thuê bao.
Nếu không thể hoàn thành trách nhiệm này, người dùng di động có thể bị cắt dịch vụ theo quy định của Nghị định 49/2017/NĐCP.
Là một trong những khách hàng nhận được tin nhắn yêu cầu bổ sung thông tin cá nhân, bà T. Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ sự bức xúc khi mua SIM dùng đã 5 năm mà vẫn phải chứng minh chính chủ.
"SIM tôi mua tại đại lý Viettel, dùng đã 5 năm mà giờ lại phải đi hoàn thiện thông tin, cảm giác như mình là đối tượng dùng SIM rác nhắn tin rác", bà Hằng nói.
Không chỉ vậy, bà Hằng còn cho rằng trách nhiệm bổ sung thông tin giờ đổ về cho người dùng thì liệu quyền lợi được hưởng của những khách hàng như bà có tăng thêm không?
Chung câu hỏi với bà Hằng là 34 triệu thuê bao nhận được tin nhắn yêu cầu bổ sung thông tin cá nhân từ các nhà mạng. Nhiều người trong số này cho rằng đây là việc mà cơ quan quản lý, nhà mạng phải làm thống nhất từ đầu, thay vì "mỗi ngày lại đẻ ra một quy định để người dùng chạy theo", nữ khách hàng của Viettel trên cho hay.
Theo anh T. Duy (Hai Bà Trưng, Hà Nội), anh phải dành thời gian cuối tuần vốn để đi xếp hàng bổ sung thông tin SIM. Chủ thuê bao MobiFone này băn khoăn "quy định mới yêu cầu ảnh chân dung để hạn chế SIM rác, tin nhắn rác, vậy giờ tôi hoàn thành trách nhiệm là nộp thông tin CMND và ảnh chân dung cho nhà mạng, liệu có quyền lợi nào đi kèm trách nhiệm trên không. Nhà mạng có khẳng định với tôi là không còn tin nhắn rác gửi tới?".
"Nhà mạng dựa theo quy định có quyền đòi ảnh chân dung, có quyền cắt dịch vụ nếu chúng tôi không hoàn thành cung cấp thông tin theo yêu cầu. Nhưng tôi nghĩ nhà mạng cũng nên có trách nhiệm cam kết đảm bảo không còn tin nhắn rác gửi tới khách hàng", anh Duy nói thêm.
Bên cạnh đó, những khách hàng như anh Duy hay bà Hằng đều lo rằng toàn bộ thông tin cá nhân nằm trong tay nhà mạng, liệu có khả năng xảy ra rò rỉ thông tin.
Lo lắng này không phải là không có cơ sở, khi nhiều khách hàng kiểm tra thông tin thuê bao qua tổng đài 1414 đều tá hỏa nhận ra số CMND của mình được đem đăng ký cho những số thuê bao lạ chưa từng gặp.
Độc giả Nguyễn Ân của Zing.vn chia sẻ hiện tại số CMND của anh đã đăng ký cho tới 3 SIM, trong đó có 2 SIM anh hoàn toàn không biết. Khi anh liên hệ với tổng đài thì nhận được câu trả lời đó là SIM rác.
"Vậy SIM rác lấy thông tin cá nhân của tôi ở đâu ra, và tại sao nhà mạng không kiểm soát được đâu là SIM thật của tôi và đâu là SIM rác", độc giả này bức xúc.
Video: Thuê bao trả trước sẽ không được khuyến mại 50%
Nhà mạng hứa gì?
Về vấn đề đảm bảo an toàn thông tin cá nhân khách hàng, các nhà mạng đều khẳng định sau khi thu thập thông tin chính chủ thuê bao sẽ thực hiện quy trình quản lý thông tin chặt chẽ, tuân thủ quy định của Bộ TT&TT cũng như quy định bảo mật thông tin của nhà nước.
Đại diện các nhà mạng cũng chia sẻ với Zing.vn, rằng quá trình thu thập thông tin cá nhân trước ngày 24/4 là để phục vụ thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP về quản lý viễn thông và mong nhận được sự hợp tác từ người dùng. Nhà mạng sẽ thực hiện hết sức việc giảm thiểu SIM rác và chặn tin nhắn rác.
Tuy nhiên trong tương lai gần không thể đảm bảo 100% không còn tin nhắn rác, do cần thời gian để xử lý vấn đề tận gốc.
Trước đó, lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng khi chủ thuê bao đã có chứng minh nhân dân chính chủ, các nhà mạng có thể linh hoạt lấy ảnh trên chứng minh (còn trong hạn) sử dụng làm ảnh bổ sung thông tin.
Bộ TT&TT cũng cho hay tổng số SIM có dấu hiệu nghi vấn là SIM rác khoảng hơn 28 triệu, sau đó đã có khoảng 4 triệu SIM thuê bao đi đăng ký lại thông tin.
Theo đó, tổng số thuê bao bị khóa tài khoản, thu hồi là hơn 24 triệu, tình trạng SIM có sẵn tài khoản khủng, SIM được khuyến mại vượt mức giảm rõ rệt.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng khi chủ thuê bao đã có chứng minh nhân dân chính chủ, có thể lấy ảnh trên chứng minh (còn trong hạn) sử dụng làm ảnh bổ sung thông tin cho nhà mạng.