Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

PGS.TS Trịnh Hoà Bình: 'Đẻ' thêm chứng chỉ tiền hôn nhân là vô nghĩa

(VTC News) -

PGS.TS Trịnh Hoà Bình cho rằng, nếu để xác nhận năng lực, nhận thức trước khi kết hôn sẽ có cách, không nhất thiết phải thông qua tờ giấy chứng chỉ tiền hôn nhân.

Mới đây, trong hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục, TS. Nguyễn Xuân Thủy (Học viện Cảnh sát nhân dân) đưa ra đề nghị “bổ sung quy định về điều kiện kết hôn trong luật Hôn nhân và gia đình theo hướng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân thì mới được đăng ký kết hôn”.

Theo đó, những người muốn kết hôn phải "trải qua một lớp học về hôn nhân và gia đình, trong đó học cách làm cha, làm mẹ, học cách làm vợ, làm chồng, học cách dạy con trai, dạy con gái…".

Đánh giá về vấn đề này, nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hoà Bình so sánh với cộng đồng châu Âu, nơi kết hôn chỉ là thừa nhận luật pháp, vấn đề giấy tờ, thủ tục được nhìn nhận đơn giản hơn so với ở Việt Nam. Ông cho rằng, người Việt chưa mở cửa, chưa sẵn sàng và “không muốn lằng nhằng câu chuyện kết hôn, giấy tờ nọ giấy tờ kia”.

PGS, TS Trịnh Hòa Bình nhận định ý tưởng của đề xuất này là tốt, là nỗ lực của các nhà quản lý xã hội. Tuy nhiên, xét về đặc trưng, văn hóa, xã hội, người Việt dường như chưa sẵn sàng chấp nhận điều này. Bằng chứng là hôn nhân ngoài việc được nhìn nhận về mặt luật pháp, còn phải được cộng đồng xác nhận qua việc kết hôn và đây mới là việc quan trọng hơn cả.

Nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hoà Bình. 

Theo ông, chứng chỉ tiền hôn nhân sẽ mang lại trải nghiệm, đào tạo cho nhóm đại trà trong xã hội. Còn đối với nhóm ưu trội, không cần qua lớp học này họ vẫn có thể tự trang bị kiến thức. 

“Tại sao không đào tạo, trang bị những kiến thức này trên diện rộng, tuyên truyền vận động theo các hình thức huấn luyện, đào tạo, giáo dục ở ngay các thiết chế xã hội cần thiết thay vì sử dụng chứng chỉ này? Vì xét về mặt bản chất, bằng hay chứng chỉ đó chỉ là sự chi tiết hóa các kiến thức được trang bị, cung cấp mà thôi”, PGS.TS Trịnh Hoà Bình nói.

Bên cạnh đó, ông bày tỏ quan ngại về câu chuyện bằng cấp vốn là vấn đề thường xuyên làm khó người dân, đồng thời cho rằng, đặt ra chứng chỉ tiền hôn nhân chẳng khác nào “tự mua dây buộc mình”.

Thay vì có một tờ giấy chứng chỉ, mỗi người phải tự trang bị những kiến thức về tiền hôn nhân như thành tố của dân trí để bất kỳ ai lứa tuổi cập kê, từ nhóm trội đến nhóm yếu thế đều có kiến thức và sẵn sàng. "Khâu quản lý bao nhiêu bộn bề, tại sao cứ thích ôm thêm một thứ nữa để quản lý, hơn nữa đây là một việc rất riêng tư", nhà xã hội học nói.

Chuyên gia này nhận định rằng, xã hội văn minh đến một mức nào đó sẽ thực thi mọi thứ dựa theo sự tự nguyện, ý nghĩa của pháp luật không cao. Chẳng hạn như cộng đồng châu Âu, họ coi rất nhẹ câu chuyện đăng ký kết hôn mà cộng đồng Việt Nam cũng đang đi theo hướng đó.

"Trong bối cảnh này, việc 'đẻ' thêm chứng chỉ tiền hôn nhân là vô nghĩa. Quan trọng nhất vẫn là mặt bằng dân trí nói chung, tri thức trình độ văn minh của toàn xã hội thay vì có thêm một tờ giấy chứng chỉ, làm khó các cặp hôn nhân đang muốn làm đúng pháp luật. Nhiều cặp đôi không đăng ký kết hôn nhưng vẫn có con, đứa trẻ sinh ra vẫn được đảm bảo 5 nhóm quyền của trẻ em.

Như vậy, nếu để nhằm xác nhận năng lực, nhận thức, sẽ có nhiều hình thức để xác nhận, không nhất thiết phải thông qua tờ giấy chứng chỉ tiền hôn nhân này”, PGS. TS Trịnh Hòa Bình khẳng định quan điểm.

Hạ Vũ

Tin mới