Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

PGS.TS Lê Anh Vinh: Sách của GS Hồ Ngọc Đại không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới

(VTC News) -

Đánh giá cao cách tiếp cận trong sách công nghệ, nhưng PGS.TS Lê Anh Vinh cho rằng giáo sư Hồ Ngọc Đại nên chỉnh sửa sách cho phù hợp với chương trình mới.

Không phù hợp chương trình mới

PGS.TS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đồng thời là tác giả môn Toán của một nhóm viết SGK khác cho biết, lý do lớn nhất khiến bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng thẩm định đầu tiên là bộ sách không phù hợp với chương trình mới.

Chương trình mới quy định các chuẩn đầu ra, học sinh đạt được các mức ấy thì được đánh giá là đạt chuẩn đầu ra. Cuốn sách cũng phải viết dựa trên cái chuẩn đầu ra ấy.

PGS.TS Lê Anh Vinh bày tỏ quan điểm về sách Công nghệ giáo dục.

PGS Vinh ví dụ, việc viết sách giáo khoa giống như xây dựng một ngôi nhà, quy định chung là nhà phải có các phòng cơ bản, phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, phòng vệ sinh,… nhưng chúng ta không quy định tất cả các ngôi nhà phải thiết kế giống nhau. Có người thích xây nhà ống, người xây nhà vườn, người xây nhà kiểu khác… miễn là sao người ở thấy thoải mái khi sống trong ngôi nhà.

"Sách giáo khoa cũng vậy, miễn sao cho học sinh, cho giáo viên thấy bằng lòng, phù hợp và đáp ứng được mục tiêu chương trình mới đặt ra", PGS Vinh nói.

Vị PGS khẳng định chương trình mới ban hành không hề cứng nhắc. Với lớp 1, bản thân ông khi viết sách giáo khoa Toán thấy, so với chương trình hiện hành cũng có những sự điều chỉnh nhưng không quá khác biệt.

"Sách của tôi có tới 200 chi tiết cần sửa nhưng có những cái chúng tôi tiếp thu, có những cái chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm, sau khi trao đổi thì được hội đồng thẩm định chấp nhận", PGS Vinh nói.

"Vì thế, có lẽ chúng ta không bàn về uy tín của thầy Đại, không bàn về nội dung sách Công nghệ giáo dục. Chúng tôi chỉ muốn Bộ GD&ĐT giải quyết dứt điểm một lần về việc nên hay không nên sử dụng sách, này bởi thời gian qua sự việc này bàn tới, bàn lui quá nhiều lần".

Học sinh khó hiểu khi học sách Công nghệ giáo dục

Theo PGS Lê Anh Vinh chia sẻ: “Bản thân tôi, khi mới tiếp cận bộ sách lớp 1 thì thấy hơi khó học với học sinh. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn về cuốn sách thiết kế dành cho giáo viên thì lại nghĩ chưa hẳn như vậy”.

Khi chúng ta bàn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, điều quan trọng nhất vẫn là người thầy, người cô. Chúng ta nói sách giáo khoa hiện hành không giúp cho học sinh trở thành trung tâm, không giúp cho học sinh chủ động, sáng tạo… nhưng thực ra vai trò của đó phụ thuộc rất lớn vào thầy cô.

Thành công lớn của sách Công nghệ giáo dục là ở phần viết tài liệu cho giáo viên, sách hướng dẫn khiến giáo viên có thể thực hiện tốt phương pháp dạy học.

Nếu chúng ta nói cuốn sách khó dạy, khó dùng thì chưa đúng. Vì bản thân nó đang được dạy ở những vùng khó khăn nhất như Hà Giang, Lào Cai, vùng Tây Nam Bộ…Các thầy cô cũng nói cuốn sách này có thể giúp cho học sinh học xong đọc thông thạo, không tái mù. Điều này báo cáo đánh giá của Viện cũng đã khẳng định. Đó là đánh giá về mặt khoa học.

Nếu sách Công nghệ giáo dục muốn tiếp tục tồn tại buộc phải chỉnh sửa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

PGS Anh Vinh nhận xét: "Điểm mạnh của bộ sách là giúp cho việc thiết kế dạy theo hướng chủ động, tích cực của người học. Chúng ta hay nói sách công nghệ rất gò bó nhưng thực tế là ngược lại. Những triết lý giáo dục chúng ta hay nhắc tới như 'mỗi ngày đến trường là một ngày vui'; 'thầy thiết kế, trò thi công'… thì sách công nghệ làm lâu nay".

"Cá nhân tôi là người làm toán, tôi thích cách tiếp cận của thầy Đại trong sách công nghệ. Tôi nghĩ rằng thầy hoàn toàn vẫn có thể giữ cách tiếp cận đó nhưng phải điều chỉnh cho phù hợp với quy định mới".

Điều mà PGS Vinh mong GS Đại điều chỉnh, đó là để sách trực quan hơn với học trò, sinh động hơn về hình thức.

Ngoài ra, ông cho rằng: "Xu hướng là chúng ta phải để cho học sinh tự học nhiều hơn. Đọc sách của thầy Đại thì học sinh lớp 1 không thể hiểu được nếu không có sự hướng dẫn của giáo viên".

Một là sửa, hai là bỏ

Bàn về vấn đề sách Công nghệ giáo dục, GS.TS Trần Đình Sử, Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt từng cho rằng, dù còn nhiều ý kiến băn khoăn về Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một điều: “Để hoàn thiện được công việc này thì lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các chuyên gia ngành Giáo dục phải làm việc cật lực trong nhiều năm trời”.

Một khi Chương trình tổng thể, Chương trình môn học được thông qua thì đó đã là pháp lệnh. Bộ GD&ĐT thực hiện đúng theo chủ trương của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra. Xét về lý thì Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời GS Sử cho rằng, các bước đi, lộ trình thực hiện đều được Quốc hội thông qua và đến giờ này thì Bộ GD&ĐT cơ bản hoàn thành những vấn đề lớn nhất cho lần thay đổi chương trình, và sách giáo khoa mới năm học tới.

Cho dù giáo sư Hồ Ngọc Đại và những cộng sự khẳng định sách Công nghệ giáo dục có nhiều ưu điểm như giúp học sinh không nói ngọng, không tái mù và đang dạy với số lượng học sinh tương đối lớn trên hàng chục tỉnh thành của cả nước.

"Sách có tốt thật thì cũng bộc lộ ra quá nhiều điểm yếu cần chỉnh sửa để phù hợp với chương trình phổ thông mới. Tuy nhiên GS Đại nhất quyết không điều chỉnh, một mực giữ ý kiến cá nhân.

Vậy thì Bộ GD&ĐT không thể để sách Công nghệ giáo dục đứng riêng một chương trình giáo dục được. Một là sửa, hai là bỏ, nếu không phải bây giờ thì bao giờ số phận sách Công nghệ giáo dục mới chính danh là sách giáo khoa?, GS Sử nói.

 

Minh Khôi

Tin mới