Nhân dịp Việt Nam ký kết tham gia EVFTA, nâng tổng số Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia lên đến con số 16, PGS-TS Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (ĐHQG Singapore), Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng chia sẻ với VTC News.
- Liệu Việt Nam có tham gia quá nhiều FTA không, thưa ông?
Theo tôi, gia tăng sự hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế thế giới là một hướng đi đúng. Về nguyên lý, nó không chỉ giúp Việt Nam tăng khả năng khai thác nguồn lực và cơ hội toàn cầu để đẩy nhanh công cuộc phát triển mà còn gia cường năng lực thích ứng với đổi thay của đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia trong một thế giới đầy biến động của thể kỷ 21 này.
PGS-TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore).
- Chắc cũng có mặt hạn chế, thưa ông?
Điều hạn chế hiện nay của Việt Nam trong nỗ lực hội nhập là thiếu một chiến lược có tầm ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài. Trong ký kết các FTA, chúng ta hiện bị thiên lệch chủ yếu về các lợi ích ngắn hạn như thu hút đầu tư và tăng xuất khẩu.
Trong khi đó, ta lại xem nhẹ các phương cách khai thác các FTA này để nâng cấp nền tảng phát triển lâu dài và giải quyết các thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải vượt qua trong hành trình đi đến phồn vinh. Đó là năng suất lao động thấp, năng lực đổi mới sáng tạo còn nhỏ bé, và thiếu tính bền vững trong các dự án đầu tư phát triển.
- Nhiều người nói Việt Nam chỉ nên tham gia một số FTA theo kiểu “quý hồ tinh bất quý hồ đa” để có thể tận dụng hiệu quả nhất cơ hội mà các hiệp định tự do mang lại. Ông nghĩ sao?
Vấn đề không nằm ở “quý hồ tinh bất quý hồ đa” mà ở năng lực chiến lược trong khai thác thời cơ chúng ta. Người ta nói, người Việt Nam ta thấy có mưa thì ai cũng nhanh chóng hứng cho đủ dùng và sau đó mong chờ lần mưa tiếp, trong khi không có phương cách khai thác nước mưa triệt để và lâu dài. Hiện nay, chúng ta cũng theo tư duy này trong khai thác các cơ hội từ hội nhập.
- Đại diện các doanh nghiệp trong nước khi được hỏi đa số cho rằng dù tham gia số lượng sân chơi FTA rất lớn, nhưng họ chưa cảm thấy được hưởng lợi rõ ràng từ các Hiệp định thương mại tự do…
Đây là một vấn đề nổi cộm trong nhiều nỗ lực cải cách hiện nay. Chúng ta có những bước đi đúng hướng và khá mạnh nhưng việc thiết kế và triển khai cụ thể để các bước đi này mang lại hiệu quả cao nhất còn rất hạn chế. Chẳng hạn, khi muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chúng ta thường ưu tiên ngay cho việc xây dựng trung tâm khởi nghiệp hay đô thị sáng tạo mà không suy xét xem chúng ta có thể dùng nguồn lực này cho một tầm nhìn lớn hơn.
Trong hội nhập quốc tế ở thế kỷ 21 này, chúng ta cần chuyển ưu tiên trọng tâm từ “công nghiệp hóa” sang “thông tuệ hóa”. Nghĩa là từ chú trọng đơn thuần đầu tư và xuất khẩu sang ưu tiên nắm bắt cơ hội thị trường và công nghệ để để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn từ mỗi đơn vị nguồn lực.
- Chuyển trọng tâm từ “công nghiệp hoá” sang “thông tuệ hoá” chắc chắn phải cần đến vai trò rất lớn của Chính phủ, thưa ông?
Chính phủ cần đồng hành với doanh nghiệp trong nỗ lực khai thác và phát huy thế mạnh hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam theo ba hướng.
Chúng ta cần chuyển ưu tiên trọng tâm từ “công nghiệp hóa” sang “thông tuệ hóa”. Nghĩa là từ chú trọng đơn thuần đầu tư và xuất khẩu sang ưu tiên nắm bắt cơ hội thị trường và công nghệ.
PGS-TS Vũ Minh Khương
Thứ nhất, tăng cường về chất trong nỗ lực hội nhập. Ví dụ, tỷ lệ thương mại trên GDP của ta đã ở mức rất cao (200%) và thặng dư thương mại với các nền kinh tế trọng điểm là Hoa Kỳ và EU đã rất lớn. Trong tình thế này, nếu chỉ thúc đẩy tăng xuất khẩu đơn thuần, chúng ta sẽ sớm gặp nhiều hệ lụy ngày càng lớn. Vì vậy, chúng ta cần đặc biệt ưu tiên tăng mạnh giá trị gia tăng trong mỗi đô la xuất khẩu. Hỗ trợ của chính phủ cần tập trung cho ưu tiên chiến lược này.
Thứ hai, giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nỗ lực nâng cao độ thông tuệ của mình. Chẳng hạn dùng chỉ số SMART để giúp mỗi doanh nghiệp tự đánh giá xem họ đang ở đâu trong cạnh tranh phát triển. S=Strategic thinking (tư duy chiến lược, đặc biệt về hội nhập, chuyển đổi số, và đầu tư vào con người); M=Management capability (Năng lực quản lý); A=Acquisition of knowledge (khai thác và thu nhập kiến thức, công nghệ); R=Rethinking (tư duy lại để thích ứng với đổi thay); và T=Trust (lòng tin của cán bộ công nhân viên và khách hàng).
Thứ ba, tạo ra các nền phối tác (platforms) để các doanh nghiệp, hiệp hội, và chuyên gia trao đổi, chia sẻ, và hợp tác trong nỗ lực nắm bắt cơ hội từ FTA và tiến bộ công nghệ.
- Việc ký các FTA mới chỉ là điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng thị trường. Cốt lõi của tăng trưởng bền vững vẫn là thay đổi môi trường kinh doanh và thể chế pháp lý. Theo ông các doanh nghiệp đang gặp những lực cản gì trong hành trình “vươn ra biển lớn”?
Doanh nghiệp Việt Nam đang bị cản trở bởi ba lực cản lớn trong nỗ lực vươn ra biển lớn. Thứ nhất là tính yểm trợ của thể chế và khả năng phối hợp kiến tạo của các cơ quan công quyền nhằm hỗ trợ doanh nghiệp không ngừng học hỏi, đầu tư, và vươn lên trong hội nhập toàn cầu còn rất yếu.
Thứ hai, bản thân doanh nghiệp còn thiếu tư duy chiến lược trong phát triển lâu dài. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn, biến thuận lợi thành ảo tưởng, biến thành công thành điểm mù chiến lược, biến thế mạnh thành khó khăn.
Thứ ba, sự hợp tác, hiệp đồng giữa các doanh nghiệp chưa thực sự được coi trọng. Chúng ta có nhiều hội nghị hội thảo nhưng thiếu vắng các chương trình hành động với sự giám sát minh bạch và chặt chẽ của công chúng và cộng đồng doanh nghiệp.
- Singapore là quốc gia có nhiều FTA với các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới. Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi gì từ nước này?
Điều Việt Nam có thể học được nhiều nhất từ Singapore là áp dụng triết lý ba điểm về kiến tạo giá trị. Đó là, mọi nỗ lực đều phải nêu rõ giá trị được tạo ra là gì (tính mục tiêu). Tiếp theo là phương cách gì để khai thác triệt để giá trị này (tính thực dụng) và cuối cùng phải có cá nhân và cơ quan chịu trách nhiệm về tiến bộ đạt được và kết quả thực thi (tính chịu trách nhiệm).
Với việc ký kết tham gia EVFTA, tính đến tháng 7/2019, Việt Nam trở thành một trong những nước tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất thế giới với 16 FTA. Trong đó, 10 FTA đang có hiệu lực, 2 FTA đã ký kết, chưa có hiệu lực, 1 FTA đã kết thúc đàm phán và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán.
Tổng số đối tác đang có FTA với Việt Nam là 21 (nền kinh tế). Khi tất cả 16 FTA này có hiệu lực với Việt Nam thì số đối tác mở cửa cho Việt Nam thông qua FTA sẽ là 57 (nền kinh tế).