Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hà Nội giãn cách thêm 15 ngày hoàn toàn đúng đắn

(VTC News) -

"Việc Hà Nội quyết định tiếp tục giãn cách thêm 15 ngày nữa là hoàn toàn đúng đắn để bảo vệ thành quả đã đạt được”.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam đưa ra nhận định về việc Hà Nội quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 15 ngày.

Bảo vệ thành quả chống dịch

Theo ông Phu, thời gian vừa qua, tình hình dịch ở Hà Nội có nhiều khả quan. Phần lớn ổ dịch đều không bùng lên mạnh, trong đó có ổ dịch tại quận Hai Bà Trưng, trong 30.000 mẫu xét nghiệm chỉ phát hiện 4 mẫu dương tính. Ngoài ra, các ca bệnh cũng nằm trong tầm kiểm soát, không bị quá tải.

Qua 15 ngày giãn cách vừa rồi, những kết quả đạt được cho thấy Hà Nội đã đi đúng hướng, làm nghiêm, quyết liệt, nhanh chóng và chặt chẽ. Qua đó, thành phố khống chế được ổ dịch ngay khi mới phát hiện ca bệnh đầu tiên. Song song với đó, Hà Nội cũng làm tốt trong công tác bảo vệ các vùng xanh, xóm nhỏ, ngõ nhỏ nhờ những tổ tự quản.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Phu cho biết, hiện tại thành phố vẫn đang còn những ổ dịch rải rác tại nhiều quận huyện. Nguy hiểm hơn, những trường hợp này không được phát hiện qua nguồn lây mà thông qua giám sát qua sàng lọc, ho sốt tại cộng đồng, trong khi đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

“Không chỉ vậy, dịch ở Hà Nội cũng đã lây lan vào một số nơi như siêu thị, chợ, thậm chí là cả bệnh viện. Cá nhân tôi đánh giá đây là điều hết sức phức tạp. Do vậy, tôi cho rằng, Hà Nội tiếp tục giãn cách thêm 15 ngày nữa là hoàn toàn đúng đắn. Bởi việc này sẽ giúp bảo vệ được thành qua mà vừa qua chúng ta đã đạt được”, ông Phu nói.

Trước đó, trong cuộc họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 6/8, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội ông Nguyễn Văn Phong cho biết, nếu dừng việc giãn cách thì những thành quả đạt được trong thời gian giãn cách vừa qua khó mà đảm bảo được.

Theo ông Phong, từ ngày 24/7 đến nay, sau gần 2 tuần, Chỉ thị 17 đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu nhưng cũng có những khó khăn, phức tạp, đặc biệt là diễn biến dịch bệnh có nguy cơ rất cao, bởi Hà Nội là trung tâm cả nước, đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia nên thực tế Hà Nội không thể “đóng cứng” mà vẫn có giao thương, vận chuyển hàng hóa.

Hiện tại, các ca bệnh Hà Nội nằm rải rác ở khắp 30 quận, huyện, trong đó nhiều quận huyện có số ca mắc lớn như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh.

Đặc biệt, dịch bệnh đã xâm nhập vào những nơi rất phức tạp như khu công nghiệp, chợ, siêu thị, bệnh viện, các khu dân cư đông người... Tiếp nữa, còn nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây.

Theo Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, việc giãn cách là cần thiết để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch. Trong giai đoạn này cũng là cần thiết để củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện, trên tất cả các mặt công tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

“Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình như vậy, qua báo cáo của các ngành, tư vấn của chuyên gia, Thành phố quyết định thực hiện Chỉ thị 17 thêm 15 ngày”, ông Phong nhấn mạnh.

Hà Nội quyết tâm bảo vệ thành quả chống dịch COVID-19.

Cần làm gì trong đợt giãn cách thứ 2?

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, thời gian giãn cách xã hội 15 ngày tới, Hà Nội cần phải tiếp tục giám sát diện rộng tại Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa để đánh giá chính xác hơn.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm những việc đã làm, ông Phu cho rằng, Hà Nội tới đây vẫn phải tiếp tục thực hiện thật nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tưởng và Chỉ thị 17 của UBND thành phố.

Song song với đó, thành phố cũng cần xây dựng phương án trong trường hợp nếu thời gian tới hết giãn cách sẽ thế nào, tiếp tục công tác phòng chống dịch bệnh ra sao.

“Thành phố nên chú ý sao để khi hết giãn cách vẫn tạo được cho người dân một nếp sống văn minh, một mô hình sống chung với dịch như mô hình xanh, chợ đầu mối, trong các cơ sở y tế, công trường xây dựng hay các chuỗi siêu thị cung ứng hàng hoá”, ông Phu nói.

Chuyên gia về dịch tễ cũng nhận định, vừa qua dù giãn cách nhưng người dân Hà Nội ra đường vẫn  nhiều. Do đó, ông mong muốn ngoài các biện pháp phòng dịch của cơ quan chức năng đang thực hiện rất tốt thì người dân cũng cần nâng cao ý thức, gác lại những việc chưa thực sự cần thiết để cùng thành phố chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong 15 ngày tới, Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nhưng quyết liệt, thực chất hơn, tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn có thể thực hiện các giải pháp cao hơn mức Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Ông Phong cho biết, với quan điểm luôn luôn chủ động, không lơ là, mất cảnh giác và chuẩn bị cao hơn một bước so với diễn biến tình hình dịch bệnh, thành phố đã có nhiều chủ trương, biện pháp để chuẩn bị cho việc này như chủ động mua sắm trang thiết bị y tế; xây dựng bệnh viện, nơi thu dung để điều trị các ca COVID-19;  bổ sung năng lực cho hệ thống y tế; hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc diện chính sách và tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm từ giảm hội họp, đi công tác.

Thành phố cũng quyết định tạm dừng mua sắm trang thiết bị từ nguồn chi thường xuyên, trừ các nội dung liên quan đến mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch.

“Xác định đây là một việc mới, khó, chưa có tiền lệ, nên thành phố đã nhanh chóng tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, như việc giảm ùn tắc ở cửa ngõ, hoạt động vận chuyển hàng hóa, cấp phép cho các công trình xây dựng cấp thiết, đảm bảo an toàn...và sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Trên tinh thần là chủ động, bám sát thực tiễn, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhất là các quận, huyện, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch”, ông Phong nói.

Phạm Quý

Tin mới