Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Khẩu phần ăn bị thiếu hơn 50% canxi khiến trẻ bị thấp còi

(VTC News) -

Một trong những nguyên nhân gây nên vấn đề về sức khỏe là do chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn của người Việt chưa đồng đều, thiếu nhiều nhóm chất dinh dưỡng.

Việt nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đánh giá là quốc gia duy nhất trong khu vực đạt giảm suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em là 1,8%/năm, gần mức giảm của mục tiêu thiên niên kỷ là giảm 2%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ dinh dưỡng thấp còi còn cao và có sự chênh lệch giữa các vùng miền, thậm chí có nơi lên đến 30%.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề lớn đó là tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ngày một gia tăng, khi con số thống kê tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM có nơi lên đến hơn 40% trẻ em béo phì.

Bên cạnh đó, theo bản đồ chiều cao người dân các nước trên thế giới, Việt Nam nằm trong số các nước có chiều cao trung bình thấp nhất.

Đây là một thực trạng đáng lo ngại bởi nó ảnh hưởng không chỉ đến thể lực, trí lực, mà còn liên quan đến hình ảnh của cả một quốc gia.

Tọa đàm trực tuyến: Cân bằng dinh dưỡng cho gia đình Việt.

1. Tình trạng SDD ở trẻ em Việt Nam

Số liệu thống kê đến năm 2020, tỷ lệ SDD nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 12,8% và SDD thấp còi là 19,6%. Tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) là 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%).

Bàn về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ, tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam đã được cải thiện và có cân đối về chất bột đường, chất đạm, chất béo, mức đáp ứng về vitamin và khoáng chất cũng nhiều hơn.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia.

"Thực tế, các điều tra chúng ta vẫn thấy các vấn đề về SDD thấp còi, các vấn đề về thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu máu, thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu vitamin A, vitamin D còn phổ biến, hay khẩu phần ăn còn thiếu hụt khoảng 50-60% nhu cầu canxi", bà Lâm nói.

Về tình trạng SDD trẻ em, TS.BS Trương Hồng Sơn cho rằng, có 3 nguyên nhân chính bao gồm: Thứ nhất, khẩu phẩn ăn (khẩu phần ăn không đủ sẽ gây SDD); thứ hai, liên quan đến bệnh tật và thứ ba là SDD bào thai (tức là ngay từ trong bụng mẹ đã có vấn đề về SDD).

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến SDD là do khẩu phần. Trong khẩu phần phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Ví dụ, thiếu đói dẫn đến thiếu khẩu phần. Hoặc một số gia đình không thiếu đói nhưng hiểu biết của cha mẹ còn hạn chế nên không có phương pháp giúp cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn hằng ngày dẫn đến tình trạng SDD ở trẻ.

"Từ năm 2000, cách đây khoảng 20 năm, tỷ lệ SDD rất cao, lúc đó chúng ta là gần 40% trẻ em SDD về cân nặng và trên 50% SDD về chiều cao. SDD không thể giảm ngay một lúc, một năm hay hai năm được. Trong quá trình 20 năm, tốc độ của chúng ta là nhanh nhất so với các nước, đặc biệt là các nước có cùng thu nhập với chúng ta", ông Sơn phấn khởi nói.

Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang phải chịu gánh nặng kép của dinh dưỡng. Bên cạnh SDD thiếu vi chất thì thừa cân, béo phì đang là vấn đề đáng lo ngại.

2. Tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em

Thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ ngày một gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố và khu đô thị lớn. Cụ thể, theo số liệu thống kê, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng từ 8,5% (2010) lên 19% (2020). Trong đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Hậu quả của thừa cân, béo phì là rất nghiêm trọng. "Thừa cân béo phì chính là nguyên nhân của các bệnh mãn tính không lây như tim mạch, ung thư hay tiểu đường, gút cũng gia tăng do chế độ ăn dư thừa năng lượng", bà Lâm nhấn mạnh.

TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, ông Sơn chia sẻ: "Trong khoảng 10 năm qua, béo phì đã tăng lên khoảng gấp đôi. Cái này chúng ta đã nhìn thấy trước đây 10 năm. Lúc đó, chương trình phòng chống SDD đã xây dựng ngay mục tiêu phòng chống thừa cân béo phì ở thời điểm năm 2010".

Tuy nhiên, rất khó để xây dựng một chương trình giáo dục truyền thông tốt mà áp dụng cho tất cả các vùng miền.

Chẳng hạn, người miền núi nuôi con theo phương án truyền thống, họ không ăn những thức ăn của chúng ta. Hoặc việc truyền thông bằng hình ảnh hay bằng tiếng, ngay cả tiếng ở một dân tộc có khi lại có các nhánh khác nhau rất là phức tạp.

Như vậy, vấn đề này đòi hỏi thời gian cũng như sự nỗ lực và sáng tạo nữa, không chỉ ở Trung ương mà tất cả địa phương thì mới có thể giải quyết bài toán này một cách triệt để và đem lại hiệu quả bền vững.

3. Giải pháp giúp cân bằng dinh dưỡng cho gia đình Việt

Hiện nay, hầu hết khẩu phần ăn của người Việt đang thiếu chất xơ. Nếu thiếu chất xơ, đường tiêu hóa sẽ không khỏe mạnh. Trong khi đó, 70% miễn dịch của cơ thể là nhờ đường tiêu hóa khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa một số bênh ung thư như ung thư trực đại tràng và ngăn ngừa táo bón.

Bà Lâm cho rằng, để cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn của người Việt thì nguyên tắc đầu tiên của dinh dưỡng là đa dạng thực phẩm (có sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm trong một bữa ăn).

"Một ngày các bạn có thể cho 12-15 loại thực phẩm khác nhau, mỗi thứ 1 chút thôi nhưng bữa ăn của chúng ta sẽ đủ chất dinh dưỡng; cân đối đủ các nhóm chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất béo, đường bột, vitamin và khoáng chất", bà Lâm chia sẻ thêm.

Bên cạnh thực hiện đa dạng thực phẩm thì các bà nội trợ cần tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn. Điều quan trọng là chúng ta phải có kiến thức dinh dưỡng để có thể đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất trong mỗi bữa ăn.

Đồng thời, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục dinh dưỡng phù hợp với đặc thù của vùng miền, có các tài liệu truyền thông bằng tiếng dân tộc ít người, phát triển nguồn thực phẩm gia đình, tận dụng chế biến thức ăn từ nguồn thực phẩm sạch địa phương và tăng cường thêm vi chất dinh dưỡng mà trẻ em Việt Nam thường thiếu như sắt, kẽm, vitamin A, D...

Hiện nay, những thông tin về kiến thức dinh dưỡng rất nhiều trên Internet, nhưng đôi khi, nếu chúng ta không biết chọn lọc, xác định thông tin chính thống sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Nhật Lệ

Tin mới