Ngày 4/11, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã chủ trì buổi giao ban điều hành sản xuất, kinh doanh thường kỳ lần thứ 11 năm 2021 trực tuyến với thủ trưởng các đơn vị trong toàn Tập đoàn.
Với nỗ lực khai thác tối đa trong điều kiện an toàn kỹ thuật cho phép để tận dụng cơ hội thị trường trong thời điểm giá dầu cao, Petrovietnam đóng góp quan trọng vào nguồn thu NSNN trong 10 tháng đầu năm.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì giao ban.
Trong tháng 10, việc kiểm soát dịch COVID-19 trên cả nước có nhiều khởi sắc, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới, chuyển hướng từ chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài, tình hình tiêu thụ các sản phẩm dầu khí hết sức khó khăn, đặc biệt sản lượng huy động khí, điện giảm sút mạnh. Rủi ro áp lực lạm phát ngày một gia tăng.
Sau làn sóng dịch bệnh, các tổ chức trong nước và quốc tế đều lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, dao động ở mức 2-2,9%. Riêng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra kịch bản xấu khi dự báo tăng trưởng GDP cả năm sẽ chỉ 1,0 - 1,5%.
Trước tình hình đó, với nỗ lực cao của cả hệ thống cùng với phát huy kinh nghiệm, hiệu quả công tác quản trị, linh hoạt trong điều hành, có sự chuẩn bị và bắt nhịp tốt với thị trường, trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021, Petrovietnam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và công tác đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, việc duy trì và hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác là thách thức rất lớn với Petrovietnam.
Mặc dù vậy, Tập đoàn đã tập trung nỗ lực ứng dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, áp dụng nhiều giải pháp nâng cao thu hồi dầu; kết quả khai thác dầu thô tháng 10 vượt 6,6% kế hoạch tháng 10, tính chung 10 tháng đạt 9,09 triệu tấn, vượt 12,4% kế hoạch 10 tháng.
Từ đó, Petrovietnam đã đóng góp quan trọng vào nguồn thu NSNN 10 tháng đầu năm là 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, thua lỗ dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, những đóng góp quan trọng của Petrovietnam thể hiện nỗ lực rất lớn của Tập đoàn, các đơn vị thành viên và gần 60.000 người lao động Dầu khí.
Công tác quản trị đầu tư trong toàn Tập đoàn cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các dự án phát triển mỏ như BK-18A, BK-19 đã và đang được triển khai tích cực, vượt tiến độ đề ra. Dự kiến hai công trình này sẽ về đích đồng thời và sẽ đón dòng dầu đầu tiên trong vài ngày tới.
Petrovietnam cũng tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để sớm đưa vào vận hành các dự án NMNĐ Sông Hậu 1, Thái Bình 2, trong đó dự kiến đưa vào vận hành thương mại Tổ máy số 1 dự án NMNĐ Sông Hậu 1 trong tháng 11/2021.
Công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí 10 tháng đầu năm 2021 đạt gần 2.390 tỷ đồng, bằng 88% kế hoạch tiết giảm năm 2021. Đây là cơ sở để Petrovietnam tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, toàn Tập đoàn đã tham gia Quỹ phòng chống COVID-19 là 784,8 tỷ đồng, trong đó đóng góp quỹ vaccine 554,9 tỷ đồng. Ngày 3/11, Tập đoàn đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các công tác khác như: chuyển đổi số; an ninh, an toàn; truyền thông và văn hóa doanh nghiệp; đào tạo;… đều được triển khai đồng bộ, tích cực, đạt hiệu quả cao.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả hoạt động SXKD tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021, Ban Tổng giám đốc và lãnh đạo các Ban theo từng lĩnh vực phụ trách đã trao đổi xử lý, giải quyết các khó khăn và đưa ra các giải pháp hỗ trợ các đơn vị thành viên trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Hoàng Quốc Vượng cho biết, vừa qua, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương đã đồng ý đưa 4/5 dự án của Tập đoàn ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương.
Các điểm cầu trực tuyến.
Trong thời gian tới, với những điều kiện mới, các đơn vị cần chủ động có kế hoạch và phương án tối ưu nhất để xử lý khó khăn, sớm đưa các dự án vào khai thác. Trong giai đoạn “bình thường mới”, các đơn vị không được chủ quan với công tác phòng chống dịch COVID-19, cần tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp kiểm soát dịch, tuân thủ 5K, tiêm chủng...
Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng chỉ đạo Tập đoàn và các đơn vị cần tiếp tục đánh giá rủi ro trong hoạt động SXKD 2 tháng còn lại, có giải pháp kiểm soát tốt, nỗ lực hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2021.
Trong đó, tập trung các giải pháp quản trị, an toàn kỹ thuật để gia tăng sản lượng khai thác, tăng công suất sản xuất các sản phẩm dầu khí để giảm sức ép đối với hàng nhập khẩu và phối hợp tốt với các đơn vị phân phối để giữ vững thị trường, bảo vệ nguồn thu nhằm đóng góp cao nhất cho NSNN; qua đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm với đất nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.