Ông Nguyễn Quang Lâm - Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: “Việc ngành Điện tiếp nhận quản lý bán điện trực tiếp tới hộ dân và đầu tư phát triển điện nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện nông thôn, từ chỗ chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ở mức cơ bản như phục vụ ánh sáng sinh hoạt và một phần sản xuất nhỏ, tiến đến đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sinh hoạt và phát triển sản xuất với chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, du lịch, nâng cao thu nhập đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực nông thôn”.
Việc đưa điện lưới về vùng khó khăn góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, cải thiện đời sống người dân, đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Cách đây 5 năm, điện còn là niềm mơ ước của đồng bào ở khu Hồ, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn.
Nhờ có chương trình đưa điện về nông thôn, người dân nơi đây đã vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đằng sau một khu Hồ với diện mạo mới là nỗ lực không ngừng nghỉ của những người thợ điện.
Sinh hoạt của gia đình anh Đặng Văn Nguyên - một người dân khu Hồ cũng có nhiều thay đổi. Có điện lưới quốc gia nên anh cũng đã sắm được nhiều đồ dùng phục vụ cho đời sống sinh hoạt, mở mang kiến thức. Không chỉ tiện lợi cho sinh hoạt mà điện lưới còn giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế.
Nguồn điện ổn định nên người dân đã sắm sửa nhiều đồ dùng phục vụ cho sinh hoạt và đời sống.
Anh Nguyên hồ hởi bày tỏ: “Trước đây chưa có điện, chúng tôi không thể sử dụng máy móc mà phải làm hoàn toàn thủ công, giờ có điện thì như có ánh sáng của văn minh vậy. Chúng tôi có thể tiếp cận với khoa học kỹ thuật qua các thiết bị nghe nhìn; sử dụng điện trong sản xuất”.
Ở huyện miền núi Thanh Sơn, do địa bàn chia cắt, hiểm trở, đi lại rất khó khăn nên việc phủ lưới điện quốc gia đến các khu dân cư vùng sâu vùng xa đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của ngành điện. Dự án "Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, giai đoạn 2016 - 2020" do Tổng công ty Điện lực miền Bắc và tỉnh Phú Thọ triển khai đã góp phần đáng kể vào việc mang ánh sáng về với bản làng.
Từ ngày có điện lưới quốc gia, thầy và trò ở điểm lẻ trường mầm non và tiểu học khu Hồ cũng đã có thể học tập qua internet nhờ hệ thống máy tính. Mùa đông cũng trở nên ấm áp và mùa hè cũng mát mẻ hơn từ khi có điện. Nhờ đó, việc dạy và học ở đây cũng được nâng lên, chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ hơn.
Có điện, thầy trò ở vùng cao đã có thể học tập qua Internet nhờ hệ thống máy tính.
Thầy giáo Đặng Quyết Chí - một giáo viên đã gắn bó với điểm lẻ khu Hồ chia sẻ: “Nhờ có điện mà công việc giảng dạy được thuận lợi hơn, trường học đảm bảo ánh sáng, mùa hè các em học sinh có quạt mát. Những kiến thức trước đây ít được thấy, giờ đây các cháu có thể tìm hiểu nhiều hơn qua Internet”.
Từ chỗ là tỉnh có tỷ lệ số hộ nông thôn sử dụng điện thấp, tính đến nay, 100% số khu dân cư có điện và hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia là kết quả từ chương trình Điện khí hóa nông thôn được Công ty Điện lực Phú Thọ triển khai trong nhiều năm nay.
Đặc biệt, với các huyện có dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc, việc phát triển hệ thống điện nông thôn không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn gắn kết giữa các dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn thông tin thêm: "Đến năm 2018 thì 100% các khu dân cư trong xã đã có điện lưới quốc gia. Người dân sắm sửa tivi, tủ lạnh, mua sắm các phương tiện thông tin đại chúng để tìm hiểu, mở mang thêm kiến thức, học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh từ những địa phương khác. Đây là một trong những động lực để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội”.
Bên cạnh đó, để các hộ dân được hưởng giá điện của Chính phủ, Công ty Điện lực Phú Thọ cũng thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến từng hộ dân. Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp của các xã, Điện lực Phú Thọ và các đơn vị đều có kế hoạch sửa chữa cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện để vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định, liên tục tới các hộ dân với chi phí cải tạo tối thiểu bình quân 1,2 - 1,5 tỷ đồng/xã.
6 năm trước đây, tại xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, ở nhiều khu dân cư, hệ thống lưới điện là chưa được phát triển. Sau khi được ngành điện tiếp nhận và đầu tư cải tạo nâng cấp, số trạm biến áp được nâng từ 8 trạm lên 13 trạm, lưới điện ở khu vực đã được chỉnh trang, các hộ dân được cung cấp điện ổn định và an toàn.
Anh Đinh Công Thuận - nhân viên xưởng sửa chữa ô tô thấy rõ sự thay đổi này. Anh Thuận chia sẻ: "Trước đây chúng tôi làm nghề chỉ làm được những lúc thấp điểm thôi, lúc cao điểm là không làm được. Khách phải chờ đợi rất lâu. Nhưng giờ thì là thỏa mái rồi, điện rất ổn định”.
Ông Hà Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn cho biết: "Từ năm 2017, khi ngành Điện tiếp nhận lưới điện từ hợp tác xã dịch vụ điện năng, nhiều trạm biến áp, các thiết chế hạ tầng ngành Điện cũng được đầu tư. Nhờ đó, có tác động rất lớn trong phát triển kinh tế tại khu vực này”.
"Lúa đầy đồng, thóc đầy nhà", những mô hình kinh tế mới, cho hiệu quả cao ở các vùng quê có được cũng là nhờ một phần từ dòng điện quốc gia. Điện về, người dân sống được ngay chính trên nơi cha sinh mẹ đẻ mà không phải đi làm ăn xa.
Thời gian tới, Công ty Điện lực Phú Thọ sẽ tiếp tục đưa điện đến các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có nguồn điện ổn định, cùng với đó sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cung cấp và đảm bảo chất lượng điện phục vụ chuyển đổi, phát triển các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện chương trình nông thôn mới của Đảng và Chính phủ bằng việc đầu tư nâng cấp và cải tạo lưới điện trung, hạ áp, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm tổn thất điện năng.