Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Pate Minh Chay: Còn quản lý kiểu này, dân còn bị đầu độc chết

(VTC News) -

Trong khi nhiều người suýt mất mạng vì pate Minh Chay, các cơ quan chức năng vẫn “đá bóng” cho nhau về trách nhiệm quản lý, cứ thế này thì dân còn bị đầu độc chết.

Sau nhiều ngày điều trị, đến nay vẫn còn những bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay phải thở máy. Các bác sĩ cho biết Việt Nam hiện chưa có thuốc kháng botulinum, một trong những chất độc mạnh nhất từng được biết đến, do vi khuẩn Clostridium Botulinum tiết ra, 1kg có thể giết hàng tỷ người. Việc chất độc giết người này được tìm thấy trong pate Minh Chay - sản phẩm được cấp phép, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng – là điều khiến người tiêu dùng kinh hãi.

Đáng hoang mang hơn nữa là đến lúc này, người dân vẫn không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc để những sản phẩm độc hại, nguy hiểm như vậy xuất hiện trên thị trường. Sở Công Thương Hà Nội cho rằng trách nhiệm rà soát, kiểm định về đảm bảo quy định an toàn thực phẩm của Công ty Lối sống mới, chủ thương hiệu pate Minh Chay, thuộc Chi cục Quản lý Nông lâm Thủy sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Trong khi đó, Sở NN&PTNT Hà Nội lại cho rằng cơ quan chủ trì các vấn đề về an toàn, vệ sinh thực phẩm là Sở Y tế.

Pate Minh Chay khiến nhiều người bị ngộ độc nặng, phải thở máy.

Còn đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (thuộc Sở Y tế) lại cho biết, do việc sản xuất pate Minh Chay sử dụng nguyên liệu từ các sản phẩm nông nghiệp nên Sở NN&PTNT là nơi cấp giấy chứng nhận và tiếp nhận các công bố sản phẩm.

“Quả bóng” trách nhiệm cứ bị đá vòng quanh khiến người dân chóng cả mặt mà vẫn không rõ, rốt cục cơ quan nào là đầu mối để bảo vệ họ trước sự tấn công của thực phẩm độc.

Thật ra bao năm nay, khi câu hỏi “Cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm về tình trạng thực phẩm bẩn hoành hành” được nêu, dù là tại các hội nghị, hội thảo hay khi có vụ ngộ độc lớn xảy ra, câu trả lời vẫn y như vậy. Vẫn là chuyện mỗi ngành chỉ quản một khâu trong quá trình thức ăn được sản xuất, chế biến và phân phối đến mâm cơm người tiêu dùng. Đến lúc xảy ra chuyện thực phẩm bẩn giết người, dân “níu áo” cơ quan nào để hỏi cũng chỉ nhận được cái nhún vai phân bua và chỉ sang chỗ khác.

Một sản phẩm để ra được thị trường phải chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của bao nhiêu cơ quan, nhưng khi sản phẩm đó hại người thì cơ quan nào cũng lắc đầu “không phải tôi”, khiến nhiều người dân không khỏi nghĩ rằng mua gì, ăn gì cho an toàn bây giờ chỉ là chuyện may rủi.

Hành lang pháp lý, quy định không rõ ràng đã làm nảy sinh tình trạng sống chết mặc bay, cha chung không ai khóc. Hậu quả là kẻ bất lương trong ngành chế biến, kinh doanh thực phẩm ngày càng nhiều. Những kẻ coi lợi nhuận là trên hết này mặc sức đầu độc đồng bào mình, bao nhiêu vụ ngộ độc xảy ra nhưng chẳng thấy kẻ nào bị xử lý hình sự.

Sẽ còn nhiều vụ Minh Chay xảy ra, sẽ còn nhiều người bị đầu độc chết nếu vẫn duy trì cách quản lý lúng túng như hiện nay. Và trong vụ pate Minh Chay hại người này, vấn đề cấp bách không chỉ là tìm ra thủ phạm để xử lý (dù đây đương nhiên là điều cần khẩn cấp thực hiện) mà là rà soát lại toàn bộ quy trình pháp lý của việc quản lý sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm, tìm ra lỗ hổng để lập tức bít lại.

Có như vậy, người dân mới có thể tin rằng, sản phẩm nào được Nhà nước cấp phép lưu hành nghĩa là sản phẩm đó an toàn, có thể an tâm sử dụng; và nếu sự cố xảy ra thì họ lập tức biết ngay cần gõ cửa cơ quan nào để đòi lại công bằng.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận phía dưới.

Nguyễn Trực

Tin mới