Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu, Mỹ đối mặt với lựa chọn khó khăn

(VTC News) -

Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt lựa chọn khó khăn sau quyết định cắt giảm sản lượng của các ông trùm dầu mỏ thế giới.

Tuyên bố của OPEC+ (OPEC mở rộng) do Ả Rập Xê-út dẫn đầu, cho hay, họ sẽ giảm sản lượng dầu hơn 2 triệu thùng mỗi ngày. Việc này được nhiều người ở Washington xem như cú “đâm sau lưng” ông Biden. Mới chỉ 3 tháng trước, Tổng thống Mỹ huỷ bỏ ý định đưa Ả Rập Xê-út trở thành "pariah" (quốc gia bị cô lập) và đến nước này để nói chuyện với Thái tử Mohammed bin Salman.

Câu hỏi đặt ra cho ông Biden là nên kiên định chính sách "lôi kéo" Ả Rập Xê-út hay thực hiện những biện pháp trả đũa động thái “quay lưng” với đồng minh Mỹ của nước này?

Việc OPEC+ giảm sản lượng khiến nước Mỹ thất vọng. (Ảnh minh họa)

Một tay vỗ không thành tiếng

Sau thông tin của OPEC+, Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên rằng, ông “thất vọng” và đang cân nhắc “những lựa chọn thay thế”, nhưng không nói rõ đó là lựa chọn nào. Nhưng các thành viên đảng Dân chủ không hài lòng với những gì họ coi là sự tôn trọng quá mức của Tổng thống Mỹ đối với đồng minh Trung Đông. Các nghị sĩ muốn Nhà Trắng thể hiện sự cứng rắn đối với Ả Rập Xê-út trước cử tri khi cuộc bầu cử giữa kỳ đến gần. Mong muốn này đã gia tăng áp lực buộc phải trừng phạt Riyadh lên ông Biden.

Tom Malinowski, đảng viên Dân chủ bang New Jersey, đề cập sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Ả Rập Xê-út. “Ông ấy nên bắt đầu rút mọi thứ về. Điều đó sẽ gây chú ý. Hành động đáp trả hành động. Phải thách thức sự lừa dối của họ”.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer bang New York, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, cho biết, quyết định của Ả Rập Xê-út liên minh với Nga để tăng giá dầu là sai lầm nghiêm trọng.

Tổng thống Biden chưa cho thấy dấu hiệu ông có thể đi bao xa để phản ứng lại quyết định của khối xuất khẩu dầu mỏ. Chính quyền của ông cũng đang khá thận trọng, với hy vọng rằng cuối cùng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ trên thực tế có thể chỉ đạt một nửa của mục tiêu 2 triệu thùng. Thay vì trừng phạt Ả Rập Xê-út, các trợ lý của ông Biden dường như tập trung nhiều hơn vào việc phản ứng với tình hình bằng cách giải phóng nhiều dầu dự trữ hơn, và có thể tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với Venezuela.

Chính quyền cũng đang xem xét những động thái nhằm gây áp lực buộc các công ty năng lượng trong nước giảm giá bán lẻ, có thể bao gồm việc hạn chế xuất khẩu sản phẩm xăng dầu. Ông Brian Deese, cố vấn kinh tế quốc gia của Tổng thống Mỹ, nói với các phóng viên: “Chúng tôi chưa công bố bất kỳ bước đi nào trên mặt trận này và sẽ tiếp tục đánh giá các biện pháp”.

Quyết định của OPEC+ không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn về mặt chính trị đối với ông Biden, người đưa ra lập luận cho chiến dịch giữa nhiệm kỳ một phần dựa vào giá khí đốt giảm.

Nhưng giá khí đốt bắt đầu nhích trở lại ngay cả trước khi có động thái của OPEC+, một phần do những vấn đề liên quan nhà máy lọc dầu ở bờ Tây và Trung Tây Mỹ. Mức giá trung bình quốc gia đã tăng lên 3,86 USD kể từ ngày 3/10 khi nhu cầu tăng và dự trữ giảm, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh là 5 USD/gallon hồi tháng 6.

Người Ả Rập Xê-út cho rằng, việc cắt giảm sản lượng không phải sự công kích nhắm vào ông Biden. Họ đã gửi các giấy tờ và biểu đồ cho quan chức chính quyền Mỹ để giải thích điều này. Với giá dầu giảm xuống dưới 80 USD/thùng những ngày gần đây, Ả Rập Xê-út nói với các quan chức Mỹ rằng, họ lo ngại giá dầu sẽ trượt sâu hơn nữa xuống mức 70 USD và có thể là 60 USD, khiến ngân sách phụ thuộc năng lượng của họ không bền vững.

Các quan chức chính quyền Biden lo ngại cuộc khủng hoảng thực sự có thể xảy ra vào tháng 12, khi giới hạn giá do Mỹ tổ chức để hạn chế lợi nhuận từ dầu mỏ của Nga có hiệu lực, và lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với việc mua dầu thô của Nga bắt đầu.

Ông Biden và thái tử Ả Rập Xê-út Salman (Ảnh: Reuters).

Lựa chọn của Mỹ?

Các lựa chọn của ông Biden chống lại việc cắt giảm sản lượng bị hạn chế và đều phải đánh đổi. Ông đã ra lệnh tiết kiệm thêm dầu từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, nhưng vì dự trữ hiện ở mức thấp nhất trong 4 thập kỷ, nên kho vẫn nguy cơ thiếu hụt trong trường hợp chiến tranh hoặc thảm họa thiên nhiên.

Ông cũng có thể thúc đẩy hạn chế xuất khẩu nhiên liệu chế biến như xăng và dầu diesel, điều sẽ mở rộng nguồn cung và hạ giá trong nước. Nhưng điều đó sẽ gây hại cho các đối tác thương mại, đặc biệt là đồng minh châu Âu đang cố gắng loại bỏ năng lượng Nga và làm giảm áp lực lạm phát toàn cầu.

Ngoài ra, chính quyền có thể khai thác thêm dầu bằng cách giảm nhẹ quy định về khoan, thăm dò và đặt đường ống để tăng sản lượng dầu khí, mặc dù điều đó có thể gây ra phản ứng dữ dội giữa các nhà môi trường.

Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela cũng có thể giải phóng hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, giúp hạ giá và có khả năng thay thế nguồn cung của Nga (đã bán cho các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ). Nhưng các cuộc đàm phán hạt nhân của Mỹ với Iran đã bị đình trệ với rất ít hy vọng đột phá, trong khi đó triển vọng thỏa thuận với Venezuela khá mờ mịt.

Tờ Wall Street Journal báo cáo rằng, chính quyền của ông Biden đang chuẩn bị giảm quy mô trừng phạt để cho phép Chevron tiếp tục bơm năng lượng, trước thềm cuộc bầu cử vào năm 2024. Nhưng Nhà Trắng nhấn mạnh “không có kế hoạch thay đổi chính sách trừng phạt mà không có các bước đi mang tính xây dựng từ chế độ Maduro”.

Dù vậy trong các bình luận ngắn gọn với phóng viên hôm 6/10, ông Biden không phủ nhận một sự thay đổi có thể xảy ra đối với Venezuela. “Có rất nhiều lựa chọn thay thế, chúng tôi vẫn chưa quyết định”, ông nói. Khi được hỏi Venezuela sẽ phải làm gì để thuyết phục Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt, ông Biden trả lời “rất nhiều”.

Tổng thống bảo vệ quyết định đến Ả Rập Xê-út vào tháng 7, bất chấp chiến dịch cam kết cô lập vương quốc vì vụ giết nhà báo Mỹ gốc Ả Rập Xê-út Jamal Khashoggi.

Mặc dù không được công bố chính thức, các quan chức Mỹ khi đó hiểu rằng Ả Rập Xê-út và các cường quốc năng lượng khác sẽ tăng cường sản xuất vào mùa thu. Nhưng ông Biden nhấn mạnh, ông có những mục tiêu khác khi tới Ả Rập Xê-út, chẳng hạn như khuyến khích quan hệ ngoại giao với Israel.

Tổng thống nói: “Chuyến đi về cơ bản không phải để chở dầu. Chuyến đi là về Trung Đông, về Israel và hợp lý hóa các chủ trương".

“Nhưng đó là một sự thất vọng”, ông nói thêm về sự cắt giảm sản xuất, "và nó cho thấy ở đây có vấn đề”.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: WSJ).

Ông Malinowski và các thành viên đảng Dân chủ khác cho rằng, Tổng thống nên đi xa hơn là chỉ bày tỏ sự thất vọng. Ông đưa ra dự luật yêu cầu loại bỏ quân đội Mỹ và các hệ thống phòng thủ khỏi Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Dự luật mới chỉ là một tuyên bố vì quốc hội Mỹ không họp cho đến khi bầu cử, nhưng ông Malinowski nói đã đưa ra nó sau khi một biện pháp tương tự được đảng Cộng hòa giới thiệu vào năm 2020, và được cựu Tổng thống Donald Trump sử dụng để gây áp lực nhằm khiến Ả Rập Xê-út giảm sản xuất vào thời điểm giá dầu thấp.

Ông Malinowski nói, ông Biden cũng nên sử dụng luật pháp để thúc đẩy Ả Rập Xê-út. “Ông ấy đã mạo hiểm. Ông ấy trực tiếp ra mặt cho mối quan hệ này và đây không phải cách một người bạn nên đáp lại. Vì vậy, có lẽ họ nên tìm một vài người bạn mới”.

Phương Anh

Tin mới