Hôm 15/9, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì lễ ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với hai quốc gia thuộc thế giới Ả-rập là UAE và Bahrain. Đây được xem là thỏa thuận lịch sử giữa Israel với hai quốc gia Ả-rập.
Trước đám đông tại Nhà Trắng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ký thỏa thuận với Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahyan và Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif Al Zayani.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Trump chúc mừng Israel, UAE và Bahrain vì “thành tựu vượt trội” trong việc nhất trí bình thường hóa quan hệ, bày tỏ vinh dự được đón tiếp các nhà lãnh đạo từ ba nước tới Nhà Trắng để ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì lễ ký thỏa thuận lịch sử về bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain. (Ảnh: Reuters)
“Chúng tôi ở đây trong buổi chiều này để thay đổi tiến trình lịch sử. Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đã ghi dấu buổi bình minh của một Trung Đông mới”, người đứng đầu Nhà Trắng cho hay.
Tham gia lễ ký kết, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảm ơn Tổng thống Trump vì đã kiên định đứng về phía Israel kể từ khi nhậm chức. Trong khi đó, quan chức đối ngoại cấp cao của chính quyền UAE Anwar Gargash cho biết quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel của nước này đã "phá vỡ rào cản tâm lý", mở ra "con đường hướng về phía trước" cho khu vực.
Với thỏa thuận vừa ký kết, UAE và Bahrain trở thành quốc gia Ả-rập thứ ba và thứ tư ở thực hiện bình thường hóa quan hệ với Israel. Trước đó Ai Cập bình thường hóa quan hệ với Israel năm 1979 và Jordan năm 1994.
Ông Trump gọi các thỏa thuận là "một bước tiến lớn, trong đó mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc cùng nhau sống trong hòa bình và thịnh vượng", tuyên bố rằng 3 nước Trung Đông "sẽ làm việc cùng nhau, họ là bạn".
Việc đưa Israel, UAE và Bahrain xích lại gần nhau phản ánh mối quan tâm chung của các nước này về ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực và sự phát triển của tên lửa đạn đạo của Tehran.
Các thỏa thuận hòa bình này đánh dấu một chiến thắng ngoại giao, tạo ưu thế cho ông Trump trước thềm bầu cử.