Cựu tổng thống Mỹ đưa ra bình luận khi đang vận động bầu cử ở New Hampshire. Ông cam kết tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công chiến lược của Mỹ nếu trở lại Nhà Trắng vào năm tới.
Ông Trump nói Nga lấy trộm kế hoạch 'siêu siêu tên lửa' của Mỹ. (Ảnh: Getty)
“Dưới sự lãnh đạo của tôi, chúng ta sẽ một lần nữa bảo vệ người dân bằng hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình, có khả năng bắn hạ tên lửa của Trung Quốc, Nga và Iran trên bầu trời. Ngoài ra, chúng ta sẽ có những loại vũ khí tấn công không ai sánh kịp”, ông nói.
“Nga đã ăn trộm siêu phẩm, chúng ta gọi là siêu siêu tên lửa phải không? Những tên lửa siêu nhanh. Họ đã đánh cắp được các kế hoạch dưới thời chính quyền Obama”, ông Trump nói thêm.
Khi được hỏi về phát ngôn của ông Trump, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga có khả năng tự phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến và có một số hệ thống mà không quốc gia nào khác có thể sao chép. Ông nói thêm rằng ông không thể bình luận những vũ khí của Nga có thể gọi là "siêu siêu tên lửa" theo cách nói của ông Trump hay không.
Cựu Tổng thống Trump từng đưa ra tuyên bố tương tự vào năm 2021, khi ông nói về vụ thử vũ khí lượn siêu thanh (hypersonic glider) của Trung Quốc - một loại vũ khí có thể di chuyển với tốc độ rất cao trong bầu khí quyển trước khi bắn trúng mục tiêu.
Theo các quan chức Mỹ, hai cuộc thử nghiệm của Bắc Kinh trong năm đó nổi bật vì phương tiện lượn được phóng từ phương tiện vũ trụ di chuyển ở quỹ đạo thấp của Trái đất, thay vì từ tên lửa dưới quỹ đạo. Truyền thông phương Tây đưa tin rằng diễn biến này đã gây ngạc nhiên cho Washington.
“Chắc là ai đó đã đưa cho họ mọi thứ chúng tôi có về siêu thanh dưới thời chính quyền Obama. Điều đã xảy ra là Nga đã nhận được những thứ đó và Trung Quốc có lẽ nhận từ Nga”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn.
Moskva có trong kho vũ khí phương tiện lượn siêu thanh có tên Avangard, được cho là có thể phóng từ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Theo Điện Kremlin, loại vũ khí này được phát triển để đáp trả khi Mỹ xây dựng hệ thống chống tên lửa đạn đạo quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Washington đã rút khỏi hiệp ước với Moskva để theo đuổi những kế hoạch này. Theo RT, đây được cho là bước đầu tiên trong nhiều bước trên con đường phá bỏ cấu trúc an ninh thời Chiến tranh Lạnh, vốn được thiết kế để giảm căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô, đồng thời giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân.