Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, một nguồn tin thân cận với cuộc trò chuyện nói với Reuters ngày 10/11 (giờ địa phương).
Nguồn tin cho biết, ông Trump khuyên ông Putin không nên leo thang xung đột ở Ukraine và nhắc nhở nhà lãnh đạo Nga về "sự hiện diện quân sự đáng kể của Washington ở châu Âu".
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và ông Donald Trump gặp nhau tại Helsinki, Phần Lan, năm 2018. (Ảnh: Getty Images )
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine “trong vòng 24 giờ”, nhưng không nêu rõ kế hoạch thực hiện.
Ngày 9/11, điện Kremlin cho biết ông Putin sẵn sàng thảo luận về Ukraine với ông Trump nhưng điều đó không có nghĩa Tổng thống Nga sẵn sàng thay đổi các yêu cầu của Moskva.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ ra những tín hiệu "tích cực" xung quanh ông Trump, dù Tổng thống đắc cử thứ 47 của Mỹ được cho là "khó đoán hơn" so với Tổng thống Joe Biden.
“Ông Trump tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận dẫn đến hòa bình”, ông Peskov nói trên đài Rossiya 1. “Ít nhất, ông ấy đề cập tới hòa bình chứ không nói về sự đối đầu hoặc về muốn gây ra một thất bại chiến lược cho Nga”.
Hồi tháng 6, ông Putin đưa ra các điều khoản để chấm dứt chiến tranh: Ukraine sẽ phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút toàn bộ quân đội khỏi toàn bộ lãnh thổ của bốn khu vực mà Nga tuyên bố chủ quyền.
Ukraine bác bỏ những điều khoản này, nói điều đó tương đương với sự đầu hàng. Ông Zelensky cũng đưa ra "kế hoạch chiến thắng" bao gồm những yêu cầu về hỗ trợ quân sự bổ sung từ phương Tây.
Hôm 7/11, ông Trump cũng điện đàm với với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Zelensky không rõ bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch chấm dứt xung đột nhanh chóng của ông Trump, nhưng nhà lãnh đạo Ukraine tin rằng một kết thúc nhanh chóng sẽ đòi hỏi Kiev phải nhượng bộ lớn.
Bộ trưởng ngoại giao Ukraine cho biết công tác chuẩn bị đang được tiến hành để sắp xếp cuộc gặp giữa ông Zelensky và ông Trump, thời gian cụ thể vẫn chưa rõ ràng.
Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến nhậm chức vào ngày 20/1/2025, sau khi đánh bại Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11. Ông Biden mời ông Trump đến Phòng Bầu dục vào ngày 13/11, Nhà Trắng thông báo.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết thông điệp quan trọng nhất của ông Biden là đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Ông Biden cũng sẽ trao đổi với ông Trump về những gì đang diễn ra ở châu Âu, châu Á và Trung Đông.
"Trong 70 ngày tới, Tổng thống Biden sẽ trình bày với Quốc hội và chính quyền mới rằng Mỹ không nên rời xa Ukraine, nhấn mạnh việc rời xa Ukraine sẽ gây ra nhiều bất ổn hơn ở châu Âu", ông Sullivan nói với CBS News.
Khi được hỏi liệu chính quyền ông Biden có yêu cầu Quốc hội thông qua luật cho phép cấp thêm viện trợ cho Ukraine hay không, ông Sullivan cho biết: "Tôi không ở đây để đưa ra một đề xuất lập pháp cụ thể. Tổng thống Biden sẽ chứng minh chúng ta thực sự cần duy trì các nguồn lực cho Ukraine sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc".
Theo Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ Mỹ, Quốc hội đã phân bổ hơn 174 tỷ USD cho Ukraine dưới thời Tổng thống Biden. Tốc độ viện trợ gần như chắc chắn sẽ giảm dưới thời ông Donald Trump khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ với đa số 52 ghế.
Quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ trong Quốc hội tiếp theo vẫn chưa rõ ràng khi một số phiếu vẫn đang được kiểm. Đảng Cộng hòa hiện giành được 213 ghế, chỉ cần thêm 5 ghế để giành đa số.
Nếu đảng Cộng hòa giành được cả hai viện, điều đó có nghĩa Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ dễ dàng theo đuổi các chính sách của mình.