Sáng 14/10, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Tuyên Quang đạt được nhiều kết quả quan trọng.
“Phương thức lãnh đạo có nhiều đổi mới, quyết liệt, sáng tạo, gắn liền với kiểm tra, giám sát, giao việc khó, việc mới để thử thách, đào tạo đội ngũ cán bộ. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và chính quyền các cấp có nhiều đổi mới”, Thường trực Ban Bí thư nói.
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Đại hội.
Ông Trần Quốc Vượng nhận định, trong 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất, sáng tạo; nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tuyên Quang cơ bản trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
"Tuyên Quang đã là điểm sáng về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững, giá trị lớn về môi trường, với diện tích rừng trồng và sản lượng khai thác đứng đầu cả nước; là một trong 3 tỉnh có tỷ lệ cao về che phủ rừng, với trên 65%.
Kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và vững chắc; hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến và người trồng rừng; tăng lợi nhuận, nâng cao giá trị thương hiệu, người nông dân có thu nhập cao hơn, phấn khởi, tin tưởng và yên tâm trồng và bảo vệ rừng", ông Trần Quốc Vượng khẳng định.
Trong nhiệm kỳ tới, ông Trần Quốc Vượng đề ra yêu cầu Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cần nhận thức sâu sắc về miền quê cách mạng có lịch sử vẻ vang, đó cũng là lợi thế, tiềm năng, sức mạnh của tỉnh nhà trên con đường phát triển.
Trên cơ sở đánh giá, xem xét tác động của tình hình trong nước và quốc tế đối với Tuyên Quang, Đại hội cần phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn riêng có của tỉnh nhà, để quyết định phương hướng phát triển, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn, “đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”.
Tuyên Quang cần tiếp tục đổi mới với phương châm “phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững” huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung phát triển toàn diện nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường.
Ông Vượng cũng lưu ý tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục thu hút đầu tư đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và khoáng sản; Chú trọng xây dựng nông thôn mới, huy động nguồn lực để có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ; Chú ý kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản tài nguyên thiên nhiên với các hoạt động du lịch; Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Tăng cường vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân.