Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ông Tô Lâm: Bộ Công an chưa từng thoái thác trách nhiệm cho lực lượng khác

(VTC News) -

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an không có ý xây dựng ra lực lượng an ninh trật tự cơ sở để thoái thác nhiệm vụ của lực lượng công an.

Ngày 17/11, Quốc hội thảo luận hội trường về dự Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định lực lượng công an chưa bao giờ và cũng chưa từng từ chối hoặc đổ trách nhiệm, thoái thác trách nhiệm cho lực lượng khác trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

"Chúng tôi không có ý xây dựng ra lực lượng này để rồi thoái thác nhiệm vụ, phân cấp cho các lực lượng này làm để lực lượng công an trốn tránh, từ chối trách nhiệm của mình. Chúng tôi không có ý đó", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Trước đó, góp ý về dự luật, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) phân tích, từ tính toán của cơ quan soạn thảo luật này, việc cơ cấu 1,5 triệu người tham gia lực lượng trị an cơ sở có vẻ như đang áp dụng trong tình trạng khẩn cấp thời chiến, gấp nhiều lần quân thường trực.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

"Điều này có cần thiết hay không?", ông Nhưỡng đặt câu hỏi. 

Vị đại biểu bày tỏ lo ngại khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ra đời, công an xã sẽ lười biếng, dồn hết công việc cho lực lượng bán chuyên làm.

"Có một vấn đề là đã phình ở cơ sở rồi nay lại tiếp tục phình. Chúng ta thấy phình cả động mạch, phình cả tĩnh mạch thế này thì tính sao? Tôi cho rằng rất là khó thuyết phục", ông Nhưỡng bày tỏ quan điểm. 

Một vấn đề khác mà đại biểu Nhưỡng rất quan tâm là ngân sách. 

"Nhà nước sẽ phải bảo đảm một phần ngân sách rất lớn, nay vẫn chưa thể hình dung đầy đủ sau này sẽ phát sinh hệ lụy về mặt chính trị, kinh tế - xã hội thì ai chịu trách nhiệm hay là lại đổ trách nhiệm cho Nhà nước. Tôi đọc từ dự luật quả thật là rất nao núng về chế độ, chính sách và ngân sách. Trong khi chúng ta đang oằn mình để thắt lưng buộc bụng phục hồi kinh tế, hầu hết các tỉnh đều khó khăn về ngân sách, đến nay lại thêm nỗi lo này thì khó có thể lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương", vị đại biểu Bến Tre nhấn mạnh.

Cũng góp ý trong phiên thảo luận, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khẳng định hiện tại lực lượng công an quá đông. 

"Một tỉnh ít nhất cũng phải từ 3.000 đến 3.500 người, thậm chí có những tỉnh lớn là 4.000, hơn 4.000 công an chính quy, rất đông mà bây giờ lại thêm lực lượng nữa, thì không lẽ lực lượng chính quy này không có đủ khả năng để nắm và xử lý tình hình. Cái tài của người chiến sĩ công an là xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật để giúp nắm tình hình, nắm từ trong trứng nước không để phát sinh, bùng nổ. Đông nhưng không mạnh thì đúng là tốn kém", ông Cò khẳng định. 

Đại biểu Sùng Thìn Cò. 

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò đặt câu hỏi nếu xác định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là một lực lượng quan trọng thì vì sao không xây dựng ngay từ đầu để lực lượng đủ sức làm nhiệm vụ ở cơ sở, mà phải đưa lực lượng công an chính quy xuống.

Vì vậy, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho rằng các đại biểu Quốc hội cần cân nhắc rất kỹ trước khi ấn nút biểu quyết.

Song Hy

Tin mới