Trợ lý của Tổng thống Nga, Yury Ushakov hôm 2/7 tuyên bố rằng hai nhà lãnh đạo Nga - Trung sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức tại quốc gia Trung Á Kazakhstan.
Theo truyền thông, Nga có thể sẽ tái xác nhận sự hợp tác với Trung Quốc trong sự kiện này, trong bối cảnh xung đột đang diễn ra với châu Âu và Mỹ về tình hình ở Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: NHK)
Cuộc gặp dự kiến giữa ông Putin và ông Tập diễn ra sau cuộc hội đàm vào tháng 5. Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và mở rộng quy mô các cuộc tập trận quân sự chung.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng ca ngợi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva là “mô hình quan hệ giữa các cường quốc và các quốc gia láng giềng, được đặc trưng bởi sự tôn trọng, tin cậy, hữu nghị và cùng có lợi lẫn nhau”, đồng thời cho biết thêm rằng sự hợp tác này là vì lợi ích tốt nhất của thế giới. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Putin tuyên thệ nhậm chức.
Tháng trước, ông Putin đã đến thăm Triều Tiên và gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Họ đã ký một hiệp ước mới quy định cụ thể về hỗ trợ quân sự giữa hai nước trong trường hợp khẩn cấp.
Các nhà quan sát đang chờ xem Nga sẽ đưa ra những chương trình nào cho Trung Quốc, quốc gia từ lâu đã ủng hộ Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, các nhà quan sát cũng đang theo dõi xem các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ có những cuộc thảo luận nào về lập trường của họ đối với các khuôn khổ do châu Âu và Mỹ dẫn đầu.
Hiện tại, SCO chiếm khoảng 20% GDP toàn cầu và được thành lập vào năm 2001 bởi Trung Quốc, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. Iran trở thành thành viên mới nhất của tổ chức này vào năm ngoái sau khi Ấn Độ và Pakistan gia nhập vào năm 2017.
SCO đang có 14 quốc gia thành viên, trong đó Ai Cập là quốc gia châu Phi duy nhất giữ tư cách đối tác đối thoại của SCO, được phép tham gia sự kiện chuyên môn của tổ chức theo lời mời của các nước thành viên. Belarus đã nộp đơn xin gia nhập.
Tổng thư ký SCO nhấn mạnh thêm trải qua hơn 20 năm phát triển, SCO đã chuyển đổi từ cơ chế hội nghị nguyên thủ quốc gia khu vực thành tổ chức quốc tế lớn, toàn diện.