Trong bài phát biểu tại diễn đàn các chuyên gia chính sách đối ngoại, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã hoàn thành một cách hiệu quả quá trình phát triển tên lửa hành trình Burevestnik và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng Sarmat, nhấn mạnh sẽ nỗ lực đưa những tên lửa này vào sản xuất.
“Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm thành công lần cuối đối với tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik”, ông Putin nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)
Tuyên bố của ông Putin là thông báo đầu tiên về cuộc thử nghiệm thành công Burevestnik. Tên lửa này được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, đồng thời có khả năng bay cao trong thời gian dài hơn nhiều so với các tên lửa khác và bay với khoảng cách xa nhờ lực đẩy hạt nhân.
Năm 2018, ông Putin lần đầu tiên đề cập đến việc Nga đang nghiên cứu loại vũ khí này, tuyên bố tên lửa sẽ có tầm bắn không giới hạn, cho phép bay vòng quanh Trái đất mà không bị hệ thống phòng thủ tên lửa phát hiện.
Mỹ và Liên Xô đã nghiên cứu động cơ tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh, song cuối cùng đã gác lại các dự án vì cho rằng chúng quá nguy hiểm.
Trong bài phát biểu hôm 5/10, ông Putin lưu ý Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn hiếp ước cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996, trong khi Nga đã ký và phê chuẩn. Ông cho rằng Nga có thể sẽ làm theo Mỹ. “Về mặt lý thuyết, chúng tôi có thể thu hồi việc phê chuẩn", ông nói.
Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng Nga có thể tiến tới nối lại các vụ thử hạt nhân nhằm ngăn cản phương Tây tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Tổng thống Putin cho biết mặc dù một số chuyên gia đã nói về sự cần thiết phải tiến hành các vụ thử hạt nhân nhưng ông vẫn chưa đưa ra quan điểm về vấn đề này. “Tôi chưa sẵn sàng để nói liệu chúng tôi có cần tiến hành thử nghiệm hay không", ông Putin cho hay.
Học thuyết phòng thủ của Nga nhấn mạnh nước này sẽ có phản ứng hạt nhân trước một cuộc tấn công nguyên tử hoặc thậm chí là một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường “đe dọa đến sự tồn vong của nước Nga”.
Sergei Karaganov, chuyên gia đối ngoại hàng đầu của Nga, cố vấn Hội đồng An ninh Nga, lập luận Moskva nên tăng cường các mối đe dọa hạt nhân để “phá vỡ ý chí của phương Tây” hoặc thậm chí tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế vào các đồng minh NATO ở châu Âu nếu phương Tây không ngừng hỗ trợ Ukraine.