Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ông Putin muốn duy trì quyền lực và nước Nga cần Putin!

(VTC News) -

San sẻ quyền lực cho Quốc hội, cho Chính phủ vừa là cách để tăng cường dân chủ, vừa là bước chuẩn bị cho bản thân khi ông Putin không còn là Tổng thống sau năm 2024.

Ngày 15/1, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, thay mặt Chính phủ, trình lên Tổng thống Vladimir Putin đơn từ chức ngay sau khi nhà lãnh đạo đất nước thông báo cải cách Hiến pháp. Giải thích cho quyết định của mình, ông Medvedev nói rằng, Chính phủ của ông từ chức vì Tổng thống quyết định tiến hành những thay đổi cơ bản trong Hiến pháp, nhằm thay đổi cân bằng quyền lực giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Trong cuộc họp với Tổng thống Putin, ông Medvedev khẳng định, Chính phủ phải giúp Tổng thống có tất cả các phương tiện để đưa ra các biện pháp cần thiết, do đó, toàn bộ Chính phủ hiện nay xin từ chức. Ông Putin cảm ơn ông Medvedev, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục xử lý thường vụ cho đến khi Chính phủ mới được thành lập.

Tăng cường dân chủ hay duy trì quyền lực?

Trong thông điệp liên bang thường niên cùng ngày 15/1, Tổng thống Putin đặt lộ trình rời điện Kremlin, bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực. Ông sẽ phục vụ đến hết nhiệm kỳ hiện tại. Ông có ý định xóa bỏ hệ thống Tổng thống nắm quyền – điều đã cho phép ông nắm nhiều quyền lực ở vị trí này.

vu duong huan.jpg

San sẻ quyền lực cho Quốc hội, cho Chính phủ vừa là cách để tăng cường dân chủ đồng thời là bước duy trì quyền lực cho ông Putin sau năm 2024

GS. TS. VŨ DƯƠNG HUÂN

Ông Putin muốn gia tăng quyền lực cho Quốc hội, đặc biệt là Thủ tướng trong việc điều hành đất nước. Ông cũng muốn tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước.

 

Đúng là có luồng ý kiến cho rằng, ông Putin làm như thế để tăng cường tiềm lực Quốc hội, tiềm lực Chính phủ để đến năm 2024, khi ông không ra ứng cử Tổng thống nữa, mà làm Thủ tướng, thì ông vẫn sẽ có nhiều quyền lực hơn. Mục đích cuối cùng là để ông có thể duy trì quyền lực cho dù có làm cấp thấp hơn.

Nhưng trước mắt, ông Putin làm như thế là để có nhiều dân chủ hơn, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước tốt hơn – tăng cường vai trò của Quốc hội, vai trò của Chính phủ. Tổng thống Nga trước giờ phải nắm quá nhiều vấn đề.

Rõ ràng, một trong những lựa chọn của ông Putin sau năm 2024 là quay trở lại làm Thủ tướng. Tuyên bố của ông trong thông điệp liên bang cho thấy, cách sắp xếp mới mà ông đang tìm kiếm sẽ khiến vị trí Thủ tướng trở nên quan trọng hơn, được toàn quyền bổ nhiệm Nội các (trước khi được Quốc hội phê chuẩn. Quốc hội vốn đang do đảng “Nước Nga Thống nhất” của ông kiểm soát), thay vì để Tổng thống lựa chọn các vị trí này. Với sự chuẩn bị như thế, dù có quay trở lại làm Thủ tướng, ông Putin vẫn sẽ có nhiều quyền lực trong tay.

Một lựa chọn khác đó là ông Putin sẽ tìm cách duy trì quyền lực của mình bằng vị trí đứng đầu một cơ quan quyền lực được gọi là Hội đồng Nhà nước. Cơ quan mà ông Putin cũng nói trong thông điệp liên bang là nên được trao thêm nhiều quyền lực trong lần cải tổ này.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga đề xuất chức vụ mới là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, và đề cử ông Medvedev – nhân vật thân cận trong suốt những năm qua - vào vị trí đó.

Bộ đôi quyền lực Putin-Medvedev sẽ tiếp tục song hành sau năm 2024?

 

Theo Hiến pháp Nga, chức vụ Chủ tịch Hội đồng An ninh sẽ do Tổng thống đảm nhận. Vậy là khi ông Putin không còn làm Tổng thống nữa, dù có sửa đổi Hiến pháp để trở thành Chủ tịch Hội đồng An ninh hay không, thì ông đã có cấp phó thân cận của mình điều hành trong đó, giám sát Tổng thống thay cho mình.

Từ năm 1991 tới năm 1996, ông Medvedev làm việc với tư cách chuyên gia pháp luật tại Ủy ban Quan hệ Quốc tế (IRC) tại Hội đồng thành phố St. Petersburg, dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin. Thời gian làm việc tại St. Petersburg đã tạo dựng nền tảng cho mối quan hệ giữa cặp đôi Putin – Medvedev kéo dài 3 thập kỷ sau đó.

Khi bắt đầu nổi lên trên chính trường Nga và được Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin trọng dụng, ông Putin đã kéo ông Medvedev từ St. Peterburg về Matxcơva. Năm 1999, sau khi trở thành Thủ tướng Nga dưới thời Yeltsin, ông Putin bổ nhiệm ông Medvedev làm Phó Chánh văn phòng Thủ tướng.

Năm 2008, dưới sự ủng hộ của ông Putin, Dmitry Medvedev chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và trở thành tổng thống thứ 3 của nước Nga, trong khi cựu Tổng thống Putin giữ chức Thủ tướng. Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia nhận định việc hoán đổi vị trí này là bước đi của ông Putin nhằm sửa đổi hiến pháp, tạo điều kiện cho ông Putin trở lại nắm quyền 4 năm sau đó.

Khi Thủ tướng Medvedev tuyên bố từ chức, Tổng thống Putin cảm ơn ông về thành tựu đạt được của Chính phủ, nhưng cũng nói thêm: “Không phải cái gì cũng hoàn thành nhưng chúng ta không bao giờ đòi hỏi để mọi thứ đều làm xong trọn vẹn”. Chính phủ, trong bối cảnh đất nước khó khăn, để làm tốt mọi việc không phải là dễ, nhưng nói như thế không có nghĩa là độ tin cậy của ông Medvedev đối với ông Putin đã thay đổi.

Nước Nga cần có Putin!

Trong bối cảnh nước Nga đặc biệt khó khăn như hiện nay, ông Putin vẫn là người uy tín nhất. Người dân Nga vẫn cần một nhà lãnh đạo có tài, có đức, có bản lĩnh để khắc phục được những khó khăn cả về đối nội, đối ngoại ấy. Rõ ràng làm được điều đó chỉ có Putin. Hiện nay chưa nổi lên một nhân vật nào có thể đương đầu với thách thức cả. Ông Putin cũng biết được rằng, nhân dân Nga, dù mức độ tín nhiệm trong các cuộc thăm dò có giảm, vẫn tin tưởng ông ấy. Người dân cho rằng chỉ có ông Putin mới có thể đương đầu được với thách thức đó, nhất là thách thức đối ngoại. Dù sau năm 2024, ông Putin có đảm nhiệm vị trí nào đi nữa, dư luận sẽ vẫn ủng hộ ông. Có Putin người dân Nga chắc chắn vẫn sẽ cảm thấy tin tưởng hơn.

Ông Mikhail Mishustin được Hạ viện phê chuẩn làm Thủ tướng Nga. (Ảnh: Kommersant)

Theo thăm dò dư luận xã hội, mức tín nhiệm của ông Putin giảm rất nhiều, có lúc trên 70% nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 40%. Ông Putin hiểu điều đó nên ông phải tăng cường cải cách, tăng cường dân chủ hơn.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 15/1 đã gặp trực tiếp lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Nga Mikhail Mishustin và đề nghị ông giữ chức Thủ tướng – chiếc ghế đang trống sau khi ông Dmitry Medvedev cùng toàn bộ Nội các từ chức trong cùng ngày. Hạ viện Nga ngày 16/1 phê chuẩn ông Mishustin làm Thủ tướng. Hiện ông Mishustin cũng đã được Tổng thống Putin ký bổ nhiệm và bắt đầu tiến trình thành lập Nội các mới.

Ông Mishustin tuy ở cấp thấp, chưa phải cấp Bộ trưởng, nhưng trong quá trình công tác tại Cơ quan Thuế Liên bang, ông đã đưa ra một hệ thống thuế và thu thuế mới rất hiệu quả. Với chức trách là nhà quản lý thì ông ấy đã làm rất tốt, cho nên đấy là điểm cộng để ông được đề bạt.

Nguyên tắc đề bạt của ông Putin đó là, trước hết, con người phải có độ tin cậy, thứ hai là phải có chiến công, khiến người khác tâm phục khẩu phục. Trong quá trình làm ở Cơ quan Thuế Liên bang ông Mishustin làm rất tốt, rất nhiều sáng kiến. Mặc dù chưa có tên tuổi, cũng giống như ông Putin năm 1999. Ông Putin đề bạt là vì nhìn thấy triển vọng của ông Mishustin: có năng lực, tài năng, mà tuổi đời còn tương đối trẻ, mới hơn 50, và trong quá trình làm việc đã thể hiện được tài năng của mình rồi. Đặc biệt, đối với ông Putin, ông Mishustin chắc chắn là con người đáng tin tưởng. Do đó, việc đề bạt là rất nhanh.

Lịch sử đã chứng minh có rất ít nhà lãnh đạo muốn tự nguyện từ chức, mà chỉ là do luật lệ khống chế. Nếu thực sự ông Putin muốn tiếp tục duy trì quyền lực thì cách làm của ông cũng là tương đối khéo. Cái khéo nhưng đồng thời có hiệu quả ở chỗ là mở rộng quyền lực, mở rộng vai trò của Chính phủ, Quốc hội – đó chính là tăng cường dân chủ, và chắc chắn sẽ được lòng dân.

___

GS. TS. Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nguyên Tổng lãnh sự tại Viễn Đông, Liên bang Nga

 

 

GS. TS. Vũ Dương Huân

Tin mới