Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ông Phạm Thế Duyệt từng 50 lần liên tục đi về 'điểm nóng' Thái Bình

Ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ bài học gần dân, hiểu dân trong việc xử lý "điểm nóng" Thái Bình 20 năm về trước.

20 năm trước, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trực tiếp về Thái Bình giải quyết sự việc hàng trăm người dân ở Thái Bình tụ tập, kéo lên tỉnh phản đối chính quyền.

Trong thời gian đó, ông đã liên tục đi về Thái Bình khoảng 50 lần, xuống tận nơi và trực tiếp nói chuyện với người dân.

Trả lời VTC, ông Phạm Thế Duyệt nhắc lại sự kiện đó để rút ra bài học không bao giờ cũ là phải gần dân, hiểu dân.

Ông Phạm Thế Duyệt liên tục đi về 50 lần để xử lý 'điểm nóng' Thái Bình 20 năm trước.

- Thưa ông, cách đây đúng 20 năm, người dân Thái Bình bức xúc trước những sai trái của cán bộ ở huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng… và bùng lên thành “điểm nóng”. Ông là cán bộ cấp cao được TƯ cử về để ổn định tình hình. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm giải quyết tình hình vào thời điểm đó?

Nói về chuyện Thái Bình 20 năm trước, đối với chúng tôi là người trực tiếp giải quyết cũng là 1 kỉ niệm sâu sắc.

6 tháng cuối năm 1997, tình hình Thái Bình rất phức tạp, nhiều cái không ổn định, nhiều khiếu kiện tập thể, nhiều cái mang tính biểu tình ở xã này xã kia mà nổ ra sớm nhất là ở Quỳnh Hồng (Quynh Phụ). Nhưng mà nóng nhất, khó khăn nhất, phức tạp nhất là ở Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ).

Lúc đầu không có ai phân công, mà tôi tự thấy trách nhiệm của mình, công tác dân vận thì phải đến những chỗ khó khăn. Nhưng làm thế nào để nắm được tình hình, hiểu đúng, làm thế nào để giải quyết được thì đấy mới là vấn đề quan trọng.

Tôi rút ra mấy ý thế này:

Trước hết phải dựa vào Đảng bộ, Đảng bộ ở đây là Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, hệ thống chính trị là các tổ chức hội đồng nhân dân, mặt trận, đoàn thể.

Sau đó, điều quan trọng là phải hiểu tình hình của nhân dân, xem nhân dân suy nghĩ như thế nào, vì sao có chuyện đó, và tìm hiểu cho rõ nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề nảy sinh. Họ đều là dân cả, dù họ có sai cũng là trách nhiệm ở chúng ta, vì sao lãnh đạo lại để người dân sai? Cho nên đánh giá được vấn đề là rất quan trọng.

Đồng bào công giáo cũng là người gắn bó với đất nước, đồng hành cùng dân tộc nên không thể hiểu sai được. Nhưng mà nếu người dân không chú ý dễ bị lực lượng xấu, lực lượng bên ngoài kích động. Nhưng ta phải coi ta là chính, đừng bao giờ ngộ nhận đổ cho người khách, đổ cho khách quan.

Video: Ông Phạm Thế Duyệt nhắc lại bài học gần dân, hiểu dân

- Được biết, trong gần 2 năm xử lý vụ việc ở Thái Bình, ông đã phải xuống không dưới 50 lần. Rõ ràng là khi tiếp cận thường xuyên, gần gũi nhân dân thì việc giải quyết sẽ được triển khai thuận lợi, đảm bảo thành công?

 

Tôi không bao giờ tránh né, những chỗ khó khăn cần phải xuất hiện, nhất định phải xuất hiện.

Ông Phạm Thế Duyệt

Tôi không bao giờ tránh né, những chỗ khó khăn cần phải xuất hiện, nhất định phải xuất hiện. Có xuất hiện thì mới hiểu được dân. Với địch còn có lúc cần phải xuất hiện để chỉ đạo đánh địch huống hồ đây là dân.

Họ có sai cũng là dân của mình, phải gần thì mới biết người ta nghĩ sai cái gì thì mới uốn nắn được. Tuy nhiên, người ta nói đúng cái gì mình cũng phải nghe, phải tiếp thu chứ tránh né sao được. Lãnh đạo chung chung, xa rời thì không được.

Với tôi, ở Thái Thụy cũng vậy. Tôi gọi anh em bị bắt, bỏ vào tù ngồi lên đây, có gì nói trước đi. Nhiều ông cảm động lắm.

Cho nên tôi có kinh nghiệm, kể cả ở Hà Nội, kể cả dưới mỏ, kể cả trong công đoàn, chỗ nào khó khăn, cần xuất hiện tôi có mặt ngay.

- Trong những ngày vừa qua, câu chuyện ở Mỹ đức đã thu hút dư luận vì sự phức tạp của nó. Quan điểm của ông về vụ việc này như thế nào? Từng là người đứng đầu Đảng bộ thành phố, giữ vị trí quan trọng trong Đảng, ông mong mỏi điều gì sau vụ việc ở Mỹ Đức?

Tôi hiểu người dân Mỹ Đức là dân cách mạng chứ không thể có suy nghĩ gì khác. Nếu tiếp cận được dân thì chắc chắn sẽ hiểu được kĩ hơn, sâu hơn. Mình nên thông cảm với dân, dù người ta có sai đi nữa, trái pháp luật đi nữa thì cũng chẳng có mục đích gì khác ngoài việc mưu sinh, kiếm sống. Vậy thì nguyên nhân đó phải dược giải quyết thỏa đáng.

Tôi mong bà con, anh em sớm nhận thức đúng, khắc phục, phối hơp với chính quyền thành phố, Đảng bộ thành phố, phối hợp với TƯ, quân đội giải quyết cho thỏa đáng.

Không có hữu khuynh, cứ có lợi ích cho dân sinh, cho đất nước là chắc dân không bao giờ dân phản đối. Còn cái gì mà dưới danh nghĩa này, danh nghĩa khác, để thiệt thòi cho Nhà nước, thiệt hại cho dân sinh thì dân không bao giờ đồng tình. Mình phải hiểu cái đó.

Còn người dân có thái độ chống đối, bắt người chắc chắn là không được phép. Nhưng mà nếu nói cho rõ thì người ta cũng sẽ tự giác thả ra hết. Cho nên tôi thấy, việc tiếp xúc với dân để nói cho rõ là cần thiết.

VTC1

Tin mới