Chiều 31/8, ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM xác nhận năm 2018, ông Phạm Phú Quốc từng có đơn xin thôi nhiệm vụ.
Tại thời điểm ấy, ông Phan Nguyễn Như Khuê là Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn (chuyên trách) Đoàn ĐBQH TP.HCM (ông Khuê được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM điều động và phân công giữ chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy từ ngày 24/6/2019).
“Đơn xin thôi nhiệm vụ của anh Quốc là về việc khác chứ không phải việc anh ấy có hai quốc tịch”, ông Khuê nói và cho biết đang chờ ý kiến chỉ đạo để xử lý những vấn đề liên quan đến thông tin ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cộng hòa Síp.
Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê tiếp xúc với cử tri quận 2 sau kỳ họp thứ 9 vừa qua.
Mới đây, hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) tung ra một tài liệu mật cho thấy chương trình hộ chiếu của Cộng hoà Síp (Cyprus), một quốc gia châu Âu, cho phép các chính trị gia “dễ tham nhũng” mua hộ chiếu châu Âu. Đại biểu Quốc hội của TP.HCM Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera cáo buộc có tên trong danh sách này.
Hãng tin này đưa ra một loạt bài viết của nhóm điều tra Al Jareeza dựa trên cái gọi là “The Cyprus Paper” (Hồ sơ Cyprus), cho biết chương trình hộ chiếu của Cyprus cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa với việc cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
Theo Al Jareeza, hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua “hộ chiếu vàng” (golden passport) từ thời điểm cuối 2017 đến cuối 2019 (thời điểm mà Al Jazeera thu thập được hồ sơ, còn chương trình này của Cộng hoà Síp đã được thực hiện từ 2013).
Các hồ sơ “mua” hộ chiếu đến từ 70 quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều nhất là từ Nga (1.000 trường hợp), Trung Quốc (500 trường hợp) và Ukraina (100 trường hợp). Bên cạnh đó, cũng có các công dân của Anh, Mỹ, Mali và Morocco, Israel, Palestine, Nam Phi, Hàn Quốc và Saudi Arabia.
Đại biểu Phạm Phú Quốc phát biểu trên nghị trường kỳ họp Quốc hội.
Tối 25/8, trả lời trên báo Tuổi trẻ, ĐBQH Phạm Phú Quốc đã xác nhận có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, ông Quốc nói quốc tịch thứ hai của ông do gia đình bảo lãnh. Các thông tin về việc ông mua quốc tịch thứ hai với giá 2,5 triệu USD là không chính xác.
Trên tờ báo này, ĐBQH Phạm Phú Quốc giải bày: "Thời điểm ứng cử ĐBQH (tháng 5-2016), tôi chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Sau đó, do một số thay đổi về công việc và hoàn cảnh cá nhân nên năm 2018 tôi đã hai lần làm đơn trình bày nguyện vọng xin thôi nhiệm vụ công tác (khi đang là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - PV), chuyển đến Thành ủy, UBND TP.HCM".
Ông Quốc cho biết khi biết ông làm đơn xin thôi nhiệm vụ, giữa năm 2018 gia đình ông (vợ và con ông đã có quốc tịch Cyprus trước đó) đã đề nghị và thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Cyprus cho ông để trong tương lai khi được giải quyết cho nghỉ sẽ thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình.
Theo ông Quốc, vợ và con trai ông đều là những doanh nhân. Con trai ông đã học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài tại đây. Đến năm 2017, vợ và con gái ông có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam.
Đến giữa năm 2018, gia đình ông đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho ông tại Cyprus. Hiện nay, ông đang thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang (Khánh Hòa), có học vị Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, cao cấp lý luận chính trị.
Trước khi về Tổng Công ty Bến Thành (Bến Thành Group), ông Quốc đã có 3 năm làm việc bên ngành du lịch từ năm 1994 - 1997. Ông từng là trưởng Phòng Tiếp thị điều hành du lịch tại Công ty Phát triển Đầu tư và trưởng Phòng Điều hành tour Công ty Thương mại dịch vụ Du lịch Tân Định Fiditourist thuộc Công ty xuất nhập khẩu và dịch vụ Quận 1.
Từ năm 1998, ông làm trưởng Phòng Điều hành tour Công ty Thương mại dịch vụ Du lịch Tân Định Fiditourist thuộc Tổng công ty Bến Thành.
Sau 2 năm, ông được thăng lên vị trí Thư ký Hội đồng quản trị kiêm Thư ký Tổng giám đốc Tổng công ty Bến Thành. Năm 2001, ông làm phó trưởng Phòng Kế hoạch đầu tư của Tổng Công ty. 3 năm sau thuyên chuyển làm Tổng giám đốc đơn vị thành viên là Công ty Cổ phần Dịch vụ Bến Thành.
Ông Phạm Phú Quốc (trái) nhận quyết định bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc IPC từ Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cuối năm 2019.
Năm 2008, ông quay lại Tổng Công ty, đảm nhiệm chức trưởng Phòng Quản lý dự án rồi lên chức Phó Tổng giám đốc 1 năm sau đó. Tháng 2/2014, sau 5 năm ngồi ghế Phó Tổng Giám đốc, ông chính thức trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bến Thành TNHH MTV.
Tháng 9/2015, UBND TP.HCM đã có quyết định bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc giữ nhiệm vụ thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) với thời hạn 5 năm.
Môt năm sau đó, khi đang là Tổng Giám đốc HFIC, ông Phạm Phú Quốc trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở đơn vị bầu cử số 4 TP.HCM, gồm Quận 5, Quận 10 và Quận 11 với tỷ lệ 53,94%.
Ngày 18/1/2018, ông Quốc tiếp tục được điều chuyển công tác, giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS). Cũng trong năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã quyết định thi hành kỷ luật ông bằng hình thức khiển trách.
Cuối năm 2019, ông Phạm Phú Quốc được điều động, bổ nhiệm giữ chức thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Quyết định được UBND TP.HCM ban hành sau hơn nửa năm ông Tề Trí Dũng, cựu Tổng Giám đốc Công ty IPC, bị khởi tổ, bắt tạm giam về tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.