Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ông Olaf Scholz – người sẽ kế nhiệm bà Merkel là ai?

(VTC News) -

Theo giới phân tích, ông Olaf Scholz đã thành công trong chiến dịch tranh cử nhờ việc thuyết phục cử tri rằng ông sẽ lãnh đạo nước Đức giống như cách của bà Merkel.

Đức vừa công bố thỏa thuận thành lập liên minh giữa đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh, chấm dứt 2 tháng đàm phán căng thẳng sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 vừa qua.

Với việc giải quyết được một số bất đồng liên quan đến chính sách tài chính, khí hậu và các vị trí trong chính phủ, Đức sẽ có một chính phủ liên minh mới trước Giáng sinh. Liên minh này được gọi là “liên minh đèn giao thông” theo màu sắc truyền thống của các bên. Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, 63 tuổi, ứng viên của SPD sẽ là thủ tướng tiếp theo của Đức.

Theo đuổi đường lối giống với bà Angela Merkel

Theo giới phân tích, ông Olaf Scholz đã thành công trong chiến dịch tranh cử nhờ việc thuyết phục cử tri rằng ông sẽ giống với nhà lãnh đạo lâu năm và uy tín của nước Đức: bà Angela Merkel - người cầm quyền suốt 16 năm qua.

Lãnh đạo đảng SPD Olaf Scholz. (Ảnh: AFP)

Sử dụng ngôn ngữ súc tích, ngắn gọn và tránh xa bất cứ cử chỉ nào thể hiện sự đắc thắng, ông Scholz không chỉ xây dựng được hình ảnh có phần giống với thủ tướng sắp mãn nhiệm, mà còn thể hiện được khí chất và sự bình tĩnh trong mọi tình huống. Robin Alexander – một nhà quan sát chính trị lâu năm của Đức cho biết: “Ông ấy giống như một cầu thủ bóng đá đã nghiên cứu video của đối thủ và thay đổi cuộc chơi của chính mình, từ phong cách chính trị đến mọi biểu hiện trên gương mặt”.

Khi ông Scholz công bố thành lập chính phủ trung tả mới vào hôm nay (25/11) và chuẩn bị nhậm chức vào tháng 12 tới, một câu hỏi đặt ra cho Đức, cũng như toàn bộ châu Âu và thế giới là: Liệu ông có thể “đi vừa chiếc giày” của bà Merkel hay không?

Hiếm có một nhà lãnh đạo Đức nào khi lên nắm quyền lại phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng nhức nhối như vậy. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng vào đầu tháng 12/2021, ông Scholz sẽ phải đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, căng thẳng biên giới Ba Lan-Belarus gia tăng, việc Nga tăng cường triển khai quân đội ở khu vực gần sườn phía Đông Ukraine, một Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn và một đồng minh Mỹ ngày càng xa cách.  

Nhà quan sát Jana Puglierin, giám đốc Hội đồng Đối ngoại châu Âu tại Berlin nhận xét rằng: “Áp lực hiện giờ rất lớn. Chính phủ sẽ nhậm chức trong bối cảnh sức nóng gia tăng trên nhiều mặt trận. Và khi nói đến chính sách đối ngoại, ông Olaf Scholz vẫn còn là một bí ẩn”.

Từng bước gây dựng tầm ảnh hưởng

Việc ông Olaf Scholz sẽ xuất hiện như thế nào trên cương vị thủ tướng sau 2 tuần nữa vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Là thành viên lâu năm của đảng SPD, đồng thời phục vụ trong 2 chính phủ do đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel lãnh đạo, ông Olaf Scholz đã trở thành gương mặt khá quen thuộc trên chính trường Đức trong hơn 2 thập kỷ qua. Tuy vậy, ông cũng được cho là một chính trị gia thực dụng và khó đoán.

Sinh ra tại Osnabrück, miền Bắc nước Đức, nhưng Olaf Scholz lớn lên ở thành phố Hamburg – nơi ông từng giữ chức thị trưởng. Ông nội Olaf Scholz là công nhân đường sắt trong khi bố mẹ ông làm trong ngành dệt. Olaf Scholz và các anh trai là những người đầu tiên trong gia đình được theo học lên đại học.

Olaf Scholz gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội khi đang học trung học. Là một thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết, Olaf Scholz đã dành một thập kỷ làm luật sư bào chữa cho những công nhân vị đe dọa mất việc làm do việc đóng cửa các nhà máy. Sau này, khi nắm vai trò là tổng thư ký đảng SPD, ông đã lên tiếng ủng hộ việc cải cách thị trường lao động. Lần đầu được bầu vào Quốc hội Đức, ông Olaf Scholz đứng về phe cánh hữu. Nhưng hiện giờ ông được coi là người ủng hộ cánh tả.

Scholz từng thua trong chiến dịch tranh cử vị trí lãnh đạo của SPD vào năm 2019, nhưng sau đó ông đã gây bất ngờ và tạo dựng được ấn tượng tốt với những người phê bình mạnh mẽ nhất trong đảng này khi thúc đẩy gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ euro để giúp đỡ người lao động và các doanh nghiệp khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

Theo một số nhân vật thân cận, Olaf Scholz đã ôm ấp tham vọng trở thành thủ tướng từ năm 2011. Bản năng chính trị, khả năng đương đầu với thử thách và niềm tin thầm lặng của ông đã khiến nhiều đối thủ chính trị thán phục. Cách đây 3 năm, khi tỷ lệ ủng hộ SPD ở mức thấp kỷ lục, Olaf Scholz từng nói với New York Times rằng đảng này sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Giống như bà Merkel, ông được cho là một người đáng tin cậy, có thể đảm đương những trọng trách lớn lao. Tác giả Alexander, người đã viết một cuốn sách bán chạy nhất về thời kỳ cuối của  kỷ nguyên Merkel cho biết: “Bà Merkel đã vượt ra ngoài những toan tính chính trị mang tính đảng phải, bà là tiếng nói của lý trí. Trở thành nhân vật trung tâm trong nền chính trị nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng, đó là điều bà Merkel đã thực hiện rất thành công và là những gì ông Scholz đang hướng tới”.

Những thách thức đối với ông Scholz

Giới phân tích cho rằng, sự linh hoạt về chính trị sẽ giúp ông Scholz trở thành một nhà lãnh đạo phù hợp có thể giải quyết những thách thức mà ông sẽ thường xuyên phải đối mặt trên cương vị thủ tướng, cũng như giữ hòa khí trong một liên minh ba bên và kết nối Đảng Xanh với Đảng Dân chủ Tự do vốn có nhiều sự khác biệt về quan điểm. Nhưng Scholz cũng có khả năng sẽ không làm hài lòng bất cứ bên nào.

Theo các nhà quan sát, những yêu cầu khác biệt giữa 3 đảng phái có thể ảnh hưởng đến khả năng thông qua chương trình nghị sự đầy tham vọng của chính phủ để chuẩn bị cho một nước Đức trong tương lai với nền kinh tế không carbon và vững bước trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Điều đó cũng tác động đến vai trò và vị thế của Đức trên trường quốc tế.

Giới phân tích dự đoán, nếu như ông Scholz bị phân tâm quá nhiều bởi những căng thẳng nội bộ thì châu Âu và thế giới chắc chắn sẽ cảm nhận được sự chấm dứt hoàn toàn của kỷ nguyên Merkel. Nhưng nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, nước Đức dưới thời Scholz có thể trở thành một cường quốc giữ vai trò nòng cốt để gắn kết châu Âu, thống nhất liên minh xuyên Đại Tây Dương trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cũng như đối đầu với các đối thủ cạnh tranh chiến lược như Trung Quốc và Nga.

Chính sách đối ngoại hầu như không được thảo luận trong chiến dịch bầu cử Đức vừa qua nhưng chính sách này cùng với việc ứng phó đại dịch Covid-19 có thể trở thành ưu tiên của chính quyền mới trong những tháng đầu tiên nắm quyền. Đức sẽ đảm nhận chức chủ tịch Nhóm G7 vào tháng 1/2022 và khi đó, ông Scholz sẽ phải hướng sự chú ý vào một loạt vấn đề quốc tế cấp bách.

Đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz luôn giữ lập trường ôn hòa với Nga và ủng hộ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức thông qua biển Baltic. Nhưng trong trường hợp Moscow tăng cường gây sức ép với Ukraine thì đây sẽ là một phép thử vông cùng quan trọng.

Với Trung Quốc, chính sách có vẻ phức tạp hơn. SPD đã gửi đi tín hiệu rằng, trước mắt, ông Scholz có thể không theo đuổi chính sách đối đầu Trung Quốc cũng như đứng cùng hàng ngũ với Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh trở nên cứng rắn hơn, và các ngành công nghiệp của Đức giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Berlin có thể thay đổi chủ nghĩa trọng thương có từ thời Merkel.

Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Berenberg nhận xét rằng: “Scholz đã gây dựng được vị thế tốt và ông ấy sẽ còn có ảnh hưởng lớn hơn trong chính quyền. Ông ấy có tiềm năng trở thành một lãnh đạo mạnh mẽ trên trường quốc tế một khi giữ được các đảng phái trong liên minh gắn kết với nhau”.

Hồng Anh (VOV.VN)

Tin mới