Clip: Khung cảnh tan hoang sau mưa đá tại bản Hoàng Liên Sơn 2
Viên mưa đá to như bát cơm
Chiều 25/4, anh Tẩn Phủ Thiên (26 tuổi, dân tộc Dao, trú tại bản Hoàng Liên Sơn 2) đến ủy ban xã nhận hỗ trợ thực phẩm cho biết, đã hai ngày nay, mọi người trong gia đình anh phải ăn cháo trắng để sống qua ngày.
“Tôi cho một bát gạo nấu nồi cháo loãng thì vợ chồng tôi và hai đứa con ăn được 2 bữa, còn đứa bé hơn một tháng tuổi thì vẫn dùng sữa mẹ. Nay có mỳ tôm, gia đình tôi cầm cự được thêm ít ngày rồi”, anh Thiên nói và chia sẻ, do trời vẫn không ngớt mưa nên anh chưa thể đưa được chỗ thóc ướt đi xát gạo.
Anh Tẩn Phủ Thiên trong căn nhà bị mưa đá tàn phá.
Anh Thiên cũng chưa chuyển được đồ đạc lên trường tiểu học của bản để ở tạm, nên gia đình 5 người vẫn ở trong căn nhà bị mưa đá phá hỏng.
Hai đêm nay, giường ngủ của gia đình anh Thiên là chỗ sàn để kê thóc, phía trên là giá để ngô, trên cùng là mái nhà fibro ximăng vỡ toác lộ rõ cả khoảng trời. Anh Thiên căng tạm tấm bạt, khi ngủ mọi người khoác áo ấm, đắp áo mưa, nhưng giấc đêm nào giấc ngủ cũng chập chờn.
Nhớ lại buổi tối xảy ra trận mưa đá kinh hoàng, anh Thiên cho biết, vào lúc 16h30, trời bỗng tối sầm lại, sau đó sấm chớp liên hồi. Đến khoảng 19h, gió và mây đen lại xuất hiện rồi từng cơn mưa đá lộp độp trút xuống khu bản nhỏ.
“Tôi đang chuẩn bị chặt con gà vừa luộc xong thì bỗng có tiếng leng keng ở đằng sau nhà. Tôi chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì những hòn đá lạnh buốt từ trên trời trút xuống mái nhà. Tôi chỉ kịp ôm con và bảo vợ chui vào chỗ sàn để thóc tránh cơn thịnh nộ của ông trời.
Những viên đá to như bát ăn cơm dội xuống nhà tôi, mái ngói fibro ximăng bị vỡ tung tóe, đồ đạc trong nhà thủng lỗ chỗ. Để cứu cái chậu nhôm để ngoài trời, tôi chạy ra lấy thì bị viên đá rơi trúng, khiến vai tôi tê buốt, đến giờ vẫn còn đau”, anh Thiên sợ hãi kể lại.
Khung cảnh đổ nát sau trận mưa đá khủng khiếp.
Trận mưa đá khủng khiếp chấm dứt sau khoảng 10-15 phút. Chờ thêm một lúc cho an toàn, anh Thiên mới đưa vợ và con ra khỏi sàn để thóc. Trước mắt anh lúc này là một khung cảnh tan hoang. Tất cả như vừa bị một trận bom dội. Toàn bộ mái ngói fibro ximăng nhà anh bị vỡ rụng hết, chỉ trơ trọi lại cái cột chống mái, tivi, bát, đũa… bị đá bắn vỡ tung tóe.
Chuồng gà nhà anh mái ngói cũng bị vỡ tan tành, 7 con gà bị chết, 2 con vịt bị thương.
Đêm đó, cả gia đình anh ôm nhau ngủ dưới sàn để thóc. Ký ức từ trận mưa đá ban chiều cùng những cơn gió thốc từ sườn đồi len qua mái nhà bị vỡ khiến anh không ngủ được.
“Ông nội tôi bảo từ đời ông đến nay cũng chưa từng chứng kiến cơn mưa đá nào khủng khiếp đến vậy”, anh Thiên nói.
Lực lượng chức năng xã Nậm Xe lên bản Hoàng Liên Sơn 2 để hỗ trợ thực phẩm cho bà con trong bản. Đường đi đầy bùn đất, khiến nhiều người không ít lần bị trượt ngã.
Sáng hôm sau, anh Thiên mới có thể nhìn thấy hết những căn nhà gần cũng bị phá hủy hoàn toàn. Những hàng cây lanh, cây ngứa, cây gỗ duổi đá…bị đá đánh gãy các cành, chỉ còn thân cây xơ xác.
Từ đầu năm đến nay, ở bản của anh Thiên cũng có 3 trận mưa đá nhưng trận mưa lần này với anh là khủng khiếp nhất.
Cứu được vợ nhưng mất con
Xã Mù Sang (Phong Thổ, Lai Châu) có 6 người bị thương và 3 người thiệt mạng. Hai người đã tìm thấy xác, còn nạn nhân mất tích suốt 2 hôm nay mới tìm thấy là con của anh Phàn Văn Hiếu (SN 1993, trú bản Lùng Than, xã Mù Sang).
Đá, bùn đất cùng nước lũ cuốn vào nhà anh Hiếu.
Chiều 25/4, tại bản Lùng Than, xã Mù Sang vẫn còn mưa, gia đình anh Phàn Văn Hiếu cùng lực lượng chức năng đến cửa khẩu biên giới để nhận thi thể cô con gái 7 tuổi xấu số bị trôi dạt sau cơn lũ dữ.
Thời khắc trận mưa đá ở bản của anh Hiếu diễn ra cùng thời điểm nơi bản của anh Thiên. Buổi tối định mệnh hôm đó anh Hiếu không thể nào quên.
Khi đó anh đang nấu cơm cùng vợ và 2 con nhỏ trong nhà thì nghe thấy tiếng lộp độp của mưa đá. Sau khoảng 10 phút, anh Hiếu ra mở cửa chính hướng về mặt đường thì cơn lũ lớn đột ngột ập đến.
“Tôi vội vàng cùng vợ và con chạy ra cửa sau bếp để thoát ra bờ ruộng. Nhưng trận lũ đến nhanh quá khiến vợ tôi cùng con gái bị nước cuốn trôi theo dòng suối. Tôi nắm lấy được tay vợ đưa lên bờ, còn con gái, tôi không thể cứu được...”, anh Hiếu kể lại trong nước mắt.
Sau đó, anh Hiếu và người thân tức tốc đi tìm kiếm con gái nhưng không thấy. Đến khoảng 21h cùng ngày, anh Hiếu nhận được cuộc gọi có người tìm thấy thi thể cháu bé trôi dạt sang bên kia biên giới Trung Quốc.
Cả gia đình anh chết lặng khi nhận hung tin và cầu nguyện một phép màu xảy ra, nạn nhân đó không phải là con mình.
Do cơn lũ còn lớn nên đến chiều 25/4 anh Hiếu mới có thể cùng người thân đến cửa khẩu. Trước mắt anh Hiếu là thi thể cô con gái bé bỏng xấu số. Mọi hy vọng của gia đình anh Hiếu tiêu tan, mọi người đều gục ngã.
Anh Hiếu cho biết, hiện gia đình anh phải đi trú tạm ở trường tiểu học của bản, bởi căn nhà của anh vẫn bị đá lớn chặn ở cửa, bên trong nhà ngập tràn bùn đất.
Vợ và con gái anh bị nước lũ cuốn trôi ra suối, anh Hiếu chỉ cứu được người vợ còn con gái 7 tuổi bị cuốn trôi.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Công an xã Nậm Xe cho chúng tôi biết, qua vận động từ các cán bộ, công viên chức, lực lượng chức năng xã Nậm Xe đến trao mỳ tôm hỗ trợ động viên người dân bản Hoàng Liên Sơn 2 vượt qua khó khăn. Nơi đây giáp ngọn núi Hoàng Liên Sơn và là nơi có địa hình hiểm trở, khó khăn nhất.
“Chúng tôi đi xe máy từ đường tỉnh lộ leo lên núi đi qua 2 bản San Gì, Hoàng Liên Sơn 1 rồi mới đến bản Hoàng Liên Sơn 2. Sau 3 tiếng đồng hồ với 16km đường toàn đất đá trơn trượt mới có thể đến nơi.
Lần thứ hai đến đây sau ngày thiên tai 23/4, chứng kiến những ngôi nhà fibro xi măng bị thủng tan tành, người dân phải đi sống nhờ nhà có mái tôn hoặc phải đến trường tiểu học của bản để trú tạm, chúng tôi không cầm được nước mắt. Đau xót quá...”, anh Sơn xúc động nói.
Còn đối với những người dân ở đây, niềm hạnh phúc lớn nhất của họ lúc này là được cầm trên tay thùng mỳ tôm do các cán bộ xã trao tặng, bởi những ngày qua họ đã phải cầm cự trong cái rét, cái đói sau trận mưa đá và lũ quét kinh hoàng.
Thiên tai đã lấy đi của họ tất cả tài sản, nỗi đau mất người thân mãi mãi sẽ không thể quên...
Trận mưa đá như dội bom xảy ra vào chiều tối 23/4 khiến hàng nghìn ngôi nhà tại huyện Phong Thổ, Lai Châu bị vỡ mái, 3 người thiệt mạng.
Sau thiên tai, nhiều người có nhà nhưng không ở được và phải sống vạ vật ở các điểm trường hoặc nương nhờ nhà người thân, bữa cơm trắng với rau giờ cũng là mơ ước đối với họ.
Xã Nậm Xe (Phong Thổ) là một trong những xã của huyện Phong Thổ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nơi đây có 65/149 hộ bị vỡ mái (47 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn), trong đó bản Hoàng Liên Sơn 2 là bản bị mưa đá tàn phá tan hoang.
Cảnh tượng tan hoang sau cơn mưa đá, giông lốc ở Lai Châu