Báo điện tử VTC News trò chuyện với ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, về sự dấn thân của nhà báo trong kỷ nguyên số.
- Để có được những tác phẩm báo chí hay, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống, đòi hỏi những người làm báo phải có đam mê, khát vọng, sự dấn thân và trách nhiệm. Vậy dấn thân trong nghề báo cần được hiểu thế nào, thưa ông?
Chúng ta không nên bó hẹp ngữ nghĩa của sự dấn thân. Không phải cứ lao vào những chỗ hiểm nguy là dấn thân. Mà dấn thân ở đây là tính chuyên nghiệp, là tác phong làm việc, là ham muốn đi đến tận cùng của sự việc và nói lên những vấn đề của xã hội. Báo chí hiện đại không chỉ dừng ở mức độ phản ánh, mà phải đề xuất được những giải pháp. Đó là cách làm của báo chí hiện đại để có thể cạnh tranh được với rất nhiều thông tin trên internet và mạng xã hội.
Dấn thân là vấn đề hết sức kinh điển trong báo chí. Chúng ta dễ hình dung hình ảnh những nhà báo bất chấp hiểm nguy, quên mình trong thời chiến tranh, trong bão lũ, thiên tai; đổ mồ hôi, thậm chí đổ cả máu, tạo ra những tác phẩm lay động lòng người.
Dấn thân cũng thể hiện ở những nhà báo có nhiệt huyết. Khi viết về bất kỳ vấn đề gì cũng nghiên cứu thấu đáo, đa chiều, tìm kiếm mọi góc cạnh, chứ không phải là “nhà báo salon”, viết bài một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, những hình ảnh này dường như gắn liền với báo chí cách đây vài chục năm. Giờ đây, khi việc làm báo có sự hỗ trợ rất nhiều từ các công cụ và công nghệ, sự dấn thân bị mai một ít nhiều. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dùng cũng tác động rất lớn đến cách thức làm báo của nhiều cơ quan báo chí.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân trả lời phóng viên Báo điện tử VTC News. (Ảnh: Đắc Huy)
Trước kia, uy tín của một cơ quan báo chí thể hiện bằng những bài viết chuyên sâu, bài phân tích, bài bình luận, phóng sự, phóng sự điều tra. Nhưng bây giờ, nội dung đầu tư công sức của phóng viên, biên tập viên, tòa soạn chưa chắc đã thu hút được sự quan tâm của công chúng, trong khi rất nhiều nội dung dễ dãi khác lại được nhiều người đọc.
Vô hình trung, nhiều cơ quan báo chí, kể cả Việt Nam và trên thế giới đã giảm bớt sự quan tâm đối với những bài chuyên sâu. Những phóng sự, phóng sự điều tra ít dần, thậm chí mất hẳn tại một số cơ quan báo chí, bởi họ cảm thấy đầu tư không xứng đáng với lượng độc giả tiếp cận.
- Ông vừa nhắc đến sự phát triển về công nghệ. Mạng xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục là mối đe dọa của các cơ quan báo chí, thậm chí nhiều người e ngại trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế nhà báo…
Khi chúng tôi bắt đầu đề cập đến trí tuệ nhân tạo, nhiều người cho rằng đó là câu chuyện rất xa vời và còn lâu mới thành hiện thực trên thế giới chứ chưa nói là Việt Nam. Thời điểm đó, họ tư duy rằng, những gì xảy ra với báo chí thế giới phải khoảng 5 năm sau mới đến với báo chí Việt Nam. Nhưng đại dịch COVID-19 cho thấy, khoảng cách giữa báo chí thế giới và Việt Nam đã thu hẹp theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực.
Những gì báo chí thế giới phải đương đầu trong COVID-19, như suy giảm nguồn thu, thì ngay lập tức báo chí Việt Nam chịu ảnh hưởng tương tự. Rồi những sáng tạo, đổi mới của báo chí thế giới như thế nào thì Việt Nam cũng có ngay lập tức.
Hãng tin AP bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo từ năm 2015 với những bản tin thể thao, kinh tế, và chúng ta cảm thấy đó là thứ không bao giờ làm được. Nhưng giờ đây, những công cụ giúp chúng ta làm điều đó ngay sẵn trước mắt, nằm trong tay. ChatGPT và nhiều công cụ khác miễn phí, hoặc là bản cao cấp với chi phí rất vừa phải. Những gì có trên thế giới về trí tuệ nhân tạo thì cơ quan báo chí nào ở Việt Nam cũng có thể sử dụng được.
Đơn cử như, sau khi phóng viên viết một bài báo, trí tuệ nhân tạo có thể gợi ý tiêu đề mà đưa lên mạng xã hội khả năng sẽ có sức thu hút cao hơn tiêu đề do con người đặt. Trong số 10 bức hình minh họa cho bài báo, trí tuệ nhân tạo có thể chỉ ra bức hình nào sẽ thu hút người dùng. Một tài liệu dày mấy chục trang, thậm chí mấy trăm trang, công cụ trí tuệ nhân tạo có thể tóm gọn trong một trang giấy… Chúng ta có thấy trí tuệ nhân tạo đe dọa môi trường của mình không?
Cho đến giờ phút này, tôi khẳng định trí tuệ nhân tạo hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của cơ quan báo chí và các nhà báo, chưa đe dọa nhà báo đến mức mất việc, nhưng chưa chứ không phải không. Ở nước ta đang thuần túy tập trung vào câu chuyện trí tuệ nhân tạo viết thay bài báo cho mình. Điều này không đúng. Trí tuệ nhân tạo có thể dựa trên những dữ liệu đầu vào mà chúng ta đưa ra, chứ chưa thể tạo ra nội dung phỏng vấn.
- Dù có trí tuệ nhân tạo, nhưng không một công nghệ nào có thể thay thế được tinh thần dấn thân, sự sáng tạo của nhà báo, thưa ông?
Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người đi phỏng vấn các lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay những nhân vật ở chỗ này, chỗ kia. Trí tuệ nhân tạo cũng không thể tự ra quay một vụ cháy hay bão lũ, mưa ngập, không thể thực hiện các phóng sự chuyên sâu, phóng sự điều tra…, mà vẫn cần sự dấn thân, sự sáng tạo của nhà báo. Trong lĩnh vực báo chí, sự sáng tạo của cá nhân rất quan trọng.
Ra lệnh cho máy viết bài về một chủ đề chung chung, nó có thể dựa trên những nội dung có sẵn, bài cũng hay ho. Song, cái hay ho đó không phải là sáng tạo nội dung gốc, không mang bản sắc riêng của cơ quan báo chí, không mang bản sắc riêng của cá nhân nhà báo.
Hay ra câu lệnh cho trí tuệ nhân tạo vẽ hình, với công nghệ hiện đại, hình sẽ không còn “dại” như xưa mà rất cân đối, đẹp, dựa trên hàng triệu, hàng tỉ chi tiết từ các hình ảnh khác, nhưng không phải là hình gốc bản thể. Liệu đó có phải là thứ chúng ta mong muốn?
Chưa kể, trí tuệ nhân tạo cũng do con người tạo ra nên có những sai sót, định kiến. Nếu sử dụng trí tuệ nhân tạo dẫn đến những nội dung mang tính định kiến, sai sót, ai sẽ chịu trách nhiệm? Phóng viên, nhà báo viết nội dung sai thì quy trách nhiệm cho cá nhân đó, nhưng nếu do trí tuệ nhân tạo, do máy viết thì quy cho ai, cho tòa soạn hay người lập trình ra hệ thống trí tuệ nhân tạo?
Rồi những bài viết do con người và trí tuệ nhân tạo hợp sức làm thì ký tên tác giả là ai? Thực tế cho thấy có những bài báo ghi rõ là do trí tuệ nhân tạo viết thì độc giả không tin tưởng, vô hình trung làm giảm niềm tin của độc giả với cơ quan báo chí đó.
- Vẫn là câu chuyện về sự dấn thân, nhưng chúng ta hãy thử làm một phép so sánh: dấn thân trong nghề báo hiện nay và cách đây vài chục năm khác nhau thế nào, thưa ông?
30 năm trước, chúng ta chỉ có báo in, phát thanh và truyền hình. Bài báo, bản tin được nhiều người xem, nghe, đọc thì được đánh giá là nội dung chất lượng. Tờ báo nào có số phát hành lớn là tờ báo có khả năng tạo được doanh thu lớn. Với internet, câu chuyện hoàn toàn khác. Những tin bài được đọc nhiều chưa chắc đã có chất lượng, những tờ báo nhiều người đọc chưa chắc là tờ báo uy tín.
Cùng là câu chuyện thu hút sự quan tâm của độc giả nhưng ở hai thời kỳ lại khác nhau. Với internet, người ta nói rằng nền kinh tế dựa vào sự chú ý của người dùng (Attention economy) thì không thể phù hợp với bối cảnh hiện nay. Thay vào đó, phải tăng cường sự tương tác với người dùng và giữ chân được người dùng, để họ trở thành những độc giả, khán thính giả trung thành, giống như họ từng trung thành với một tờ báo, với kênh truyền hình, kênh phát thanh trước đây.
Nếu các tòa soạn lấy thước đo là pageviews thì còn đâu những người muốn làm nội dung chuyên sâu và mất nhiều công về các chủ đề rất phức tạp nhưng ít người quan tâm.
- Khi báo điện tử ra đời, báo in mất dần chỗ đứng. Ông có nghĩ, một lúc nào đó báo chí sẽ phải nhường chỗ cho mạng xã hội?
Khi phát thanh và truyền hình ra đời, báo in có giảm sút, co hẹp, nhưng vẫn tồn tại. Báo điện tử ra đời càng đe dọa hơn nữa báo in, nhưng bây giờ báo in vẫn tồn tại. Chúng ta cũng nói đến câu chuyện báo điện tử đe dọa phát thanh và truyền hình, bây giờ phát thanh và truyền hình vẫn tồn tại.
Vấn đề là qua mỗi giai đoạn, những sản phẩm mới, nền tảng mới, thách thức mới giống như sự thanh lọc. Ai còn khả năng thì người đó mới sống sót. Ai không đủ nguồn lực và không tạo ra được bản sắc riêng thì sẽ phải co hẹp, thậm chí đóng cửa.
Thách thức là có, nhưng ở đây không phải là dấu chấm hết cho một loại hình. Có thể thấy ở một số quốc gia như Brazil và Ấn Độ, số lượng phát hành báo in thậm chí lại tăng lên, trong khi ở các nơi khác lại giảm đi, hoặc những tờ báo in có uy tín lớn trên thế giới vẫn tồn tại, và họ kết hợp nhuần nhuyễn với nền tảng điện tử để hỗ trợ nhau. Báo in có thể giảm đi chỗ nọ, chỗ kia nhưng báo điện tử phần nào đó bù đắp được phần mất đi của báo in.
Nhưng cũng rất nhiều tờ báo không làm được điều đó. Báo in giảm 10 thì báo điện tử kiếm được 1, không bù đắp lại được. Thực tế này cho thấy, nếu biết thích nghi thì vẫn hoạt động được, vẫn tồn tại được, và thậm chí tồn tại tốt, phát triển tốt.
Có một câu nói rất quen thuộc của nhà tự nhiên học Charles Darwin: “Trong tự nhiên, không phải loài mạnh nhất sẽ tồn tại sau cùng, cũng không phải là loài thông minh nhất, mà chính là loài có khả năng ứng biến tốt nhất”. Cho nên, biết thích nghi, ứng biến trong các hoàn cảnh, có sự thay đổi phù hợp, uyển chuyển, biết tiến lên chỗ nọ, lùi xuống chỗ kia, điều hòa hệ thống của mình và tìm ra những cái ngách của mình, tạo sự khác biệt thì vẫn duy trì được đối tượng độc giả, khán thính giả trung thành để tạo được nguồn thu, hoạt động hiệu quả.
Ông Lê Quốc Minh chụp hình lưu niệm cùng cô, trò lớp 4G và 4E Trường tiểu học Tràng An khi đến tham quan triển lãm tranh panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
- Các toà soạn phải thay đổi thế nào trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ, thưa ông?
Người ta nói rằng, trong thời buổi hiện nay, chỉ có 2 keyword với các cơ quan báo chí là “phải rất lớn” hoặc “phải theo thị trường ngách”. Rất lớn thì không nhiều cơ quan báo chí làm được, vì phải có nguồn lực, mạng lưới, nhân sự, công nghệ, tài chính…
Nhưng đi theo thị trường ngách thì phải tìm ra ngách của mình là gì. Nếu chúng ta tiếp tục làm báo theo kiểu “đồng phục” - một cái tin báo nào cũng đưa như vậy, thì đừng đòi hỏi độc giả đến với chúng ta, đừng đòi hỏi độc giả phải trả tiền mua tờ báo của chúng ta.
Từ rất lâu, Hội Nhà báo Việt Nam đã khuyến nghị cơ quan báo chí không nên lấy sự truy cập là thước đo đánh giá hiệu quả của một bài viết hay năng lực của một phóng viên, biên tập viên. Nhưng tình trạng này vẫn kéo dài cho đến gần đây, khi một bài viết được nhiều người xem, nhiều người đọc thì ngay lập tức có thưởng, trả nhuận bút cho bài viết thông qua pageviews.
Điều này hoàn toàn sai, và thực tế bây giờ chúng ta mới nhận ra điều đó là sai. Một tờ báo điện tử có lượng đọc cao chưa chắc đã tỷ lệ thuận với số tiền quảng cáo kiếm được. Một bài viết có hàng chục, hàng trăm nghìn, hàng triệu lượt đọc chưa chắc là một bài báo có giá trị.
Giờ đây chúng ta hiểu ra thì cũng đã quá muộn, nên nhiều cơ quan báo chí dần phải tạo nên sự khác biệt so với các kênh thông tin khác bằng cách tạo ra bản sắc riêng. Chúng tôi thấy một số tờ báo đang đi sâu vào phóng sự điều tra, vốn họ không phải mạnh về phóng sự điều tra, nhưng khi họ đi theo hướng đó thì đã tạo được sự khác biệt, gây tiếng vang.
Có một số tờ báo chuyên về tin tức nhưng đi theo hướng là nhanh, nhiều, chính xác và thậm chí không cần bình luận. Có những tờ báo tạo ra những nội dung dài, chuyên sâu thay vì đi theo xu thế chung hiện nay là thông tin ngắn và video.
Có những tờ báo đã đi khác với cách làm truyền thống, khác hẳn với xu hướng. Ai cũng nói là giờ đây độc giả không thích đọc dài, người ta thích xem video nhưng nhiều tờ báo vẫn làm nội dung dài để nhắm vào nhóm độc giả trung thành của họ và những người này đến với tờ báo là vì họ muốn cái đó.
Một mặt nữa là các tờ báo cũng đang cố gắng để tạo ra thị trường ngách riêng cho mình. Nếu tờ báo nào cũng mong muốn đăng tải hết tất cả mọi thứ thì không chắc đã có nguồn lực để chạy theo. Cho nên phải tìm ra cái ngách của mình để độc giả, khán thính giả biết lý do tại sao họ đến với kênh truyền hình, phát thanh đó, tờ báo đó.
Do những thay đổi của thói quen người dùng, do hiệu quả kinh doanh không còn được như kỳ vọng, do bắt buộc phải cạnh tranh, nhiều tờ báo thay đổi cách làm và trong một chừng mực nào đó giúp chúng ta nhận ra được rằng, sự dấn thân thật sự quan trọng.
- Xin cảm ơn ông!