Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ông Huỳnh Đức Thơ: Cán bộ quá 'gần gũi' với chủ nhà hàng, khách sạn nên dễ dãi, né tránh

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu thực trạng cán bộ quá “gần gũi” với các chủ nhà hàng, khách sạn nên dễ dãi, né tránh việc xử lý.

Báo cáo tình hình tháo dỡ nhà hàng, quán nhậu trái phép ven biển tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 17 ngày 3/7, ông Cao Xuân Thắng, Bí thư Quận ủy Sơn Trà cho biết, trên địa bàn quận có 55 nhà hàng, quán tạm, khách sạn không có giấy phép xây dựng, giấy phép hết hạn, nhà chuyển đổi công năng hoặc vi phạm xây dựng về quy định khoảng lùi với vỉa hè.

Bình luận về việc này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu thực trạng khó xử lý vấn đề này là vì cán bộ quá “gần gũi” với các chủ nhà hàng, khách sạn nên lúng túng, dễ dãi hoặc né tránh.

“Mỗi ngày có hàng trăm tấn phế phẩm, nước thải từ các nhà hàng, quán tạm, khách sạn đổ xuống hệ thống cống. Sau mỗi trận mưa là rác thải tràn hết ra bãi biển, gây ô nhiễm môi trường. Thành phố không chấp nhận kinh doanh theo kiểu gây ô nhiễm về môi trường, không đóng phí môi trường”, ông Thơ nói.

Ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các địa phương cương quyết xử lý, lập lại trật tự xây dựng nhà hàng một cách quy củ.

Lực lượng chức năng quận Sơn Trà tháo dỡ nhà hàng, quán nhậu trái phép. 

Bên cạnh đó, ông Cao Xuân Thắng, Bí thư Quận ủy Sơn Trà còn nêu ra có 34 cơ sở vi phạm quy định về môi trường, chủ yếu nằm ở các đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền và thuộc thẩm quyền cấp phép của cơ quan chức năng thành phố; 17 trường hợp xây dựng không phép thuộc thẩm quyền quản lý của quận và UBND phường.

Hiện tại, quận Sơn Trà đã tháo dỡ 14 trường hợp vi phạm. Với trường hợp giấy phép kinh doanh hết thời hạn, vi phạm về chuyển đổi công năng và khoảng lùi 4m với vỉa hè, UBND quận ra thông báo, yêu cầu đến giữa tháng 7 buộc phải tự tháo dỡ, nếu không sẽ cưỡng chế. 

“Hầu hết các nhà hàng, quán tạm đã tồn tại cả chục năm nay. Các chủ nhà hàng này đều thuê lại đất của người khác, nhiều nơi xây dựng kiên cố, quy mô 2 tầng và trả tiền thuê mặt bằng lâu năm. Bây giờ yêu cầu tháo dỡ là hết sức áp lực cho quận vì cưỡng chế tháo dỡ sẽ gây thiệt hại khá lớn”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, việc tháo dỡ còn liên quan đến vấn đề việc làm, dân sinh. Nhiều nhà hàng, quán tạm không phải là đất công nên sau khi tháo dỡ không thể sử dụng làm bãi đỗ xe như chỉ đạo của UBND thành phố.

Lực lượng công an giữ gìn trật tự trong quá trình tháo dỡ hàng quán vi phạm. 

Trả lời ý kiến của ông Thắng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất đến đầu tháng 9/2019, cơ sở nào không đảm bảo về môi trường phải dừng hoạt động.

Ông Nghĩa yêu cầu chính quyền địa phương phải làm quyết liệt vì đảm bảo môi trường là vấn đề sống còn của Đà Nẵng.

“Chúng ta phải làm cương quyết. Tiêu cực, câu chuyện bảo kê là phải xem xét. Có khi các nhà hàng đang làm kinh tế cho mấy ông quản lý, cho nên rất khó. Đề nghị cương quyết làm, rõ ràng, mình bạch từ cấp phép xây dựng cho đến nghiệm thu công trình”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng nêu thực tế cán bộ địa phương nhiều khi không nắm được nhà hàng, khách sạn mọc lên đã đủ điều kiện hay chưa.

“Cứ khai trương là cán bộ rất tích cực đến nhưng không hiểu được nhà hàng, khách sạn ấy đã đủ điều kiện chưa”, ông Nghĩa nói.

XUÂN TIẾN

Tin mới