Vượt qua đại dịch để trưởng thành hơn
Năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến toàn thế giới chao đảo. Đặc biệt, ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Hoạt động của hầu hết doanh nghiệp bị “đóng băng”, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải ngậm ngùi tuyên bố phá sản.
Thế nhưng, dù tình hình dịch bệnh vô cùng phức tạp, trung bình mỗi ngày, Vietnam Waste Solutions (VWS) vẫn phải tiếp nhận và xử lý hơn 6.000 tấn rác thải cho hơn 10 triệu dân của TP.HCM. Con số này gấp đôi định mức 3.000 tấn rác mà VWS và thành phố đã ký kết trong hợp đồng. Nhất là trong khoảng thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh COVID-19, lượng rác thải sinh hoạt tăng cao.
Không đổ lỗi cho hoàn cảnh, Vietnam Waste Solutions (VWS) đã chọn cách thích nghi để hoàn thành tốt nhất công việc của mình.
Đầu tiên phải nói đến việc điều hành công ty. Vì “mắc kẹt” tại Mỹ nên ông David Dương buộc phải thực hiện công tác điều hành bằng hình thức trực tuyến. Chính vì tác động của đại dịch, từ quản lý nhân sự, điều phối công việc và triển khai các kế hoạch, dự án đều bị chậm nhịp so với trước đây. Việc thương thảo với đối tác không thuận tiện. Việc mở rộng thêm những mối quan hệ làm ăn hay các sự kiện kết nối doanh nghiệp cũng bị trì hoãn.
Vào “đỉnh điểm” của dịch bệnh, ông David Dương cho biết, công ty phải tính toán rất nhiều phương án để bảo vệ sức khoẻ mà vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập cho công nhân viên. “Ở những vị trí có thể linh động, nhân viên được phép làm việc tại nhà. Đến khi Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, công ty vẫn thường xuyên phun khử trùng trong và ngoài công ty, đo thân nhiệt, bắt buộc nhân viên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và khuyến khích mỗi người nên kiểm tra sức khoẻ khi có dấu hiệu bất thường”, ông David Dương chia sẻ.
Phối cảnh 3D - Công nghệ xử lý rác mới tại KLHXLCTĐP
Dù dịch bệnh khiến hoạt động của công ty có nhiều biến động, nhưng nhờ chiến lược “vượt dịch” hiệu quả của ban lãnh đạo và sự đồng lòng của nhân viên, VWS đã trưởng thành, sẵn sàng cho những “bước nhảy” trong năm tới. Minh chứng là ngày 14/10/2020, Công ty VWS vinh dự đón nhận 2 chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015 và chứng chỉ về hệ thống quản lý môi trường ISO 14001-2015. Điều này thể hiện sự chuyên nghiệp của ban lãnh đạo và tính ưu việt trong vận hành, quản lý môi trường của VWS.
Thế nhưng, ông David Dương vẫn còn những trăn trở về xử lý rác thải và môi trường: “Chỉ có 80% lượng rác thải sinh hoạt được xử lý, 20% còn lại đều đang bị trôi dạt, đây là chưa kể những rác thải khác. Vì vậy, trong việc thu gom rác thải, cần phải cải thiện hoàn toàn từ thiết bị cho đến tất cả các khâu”. Mới đây, ông cũng đề xuất với thành phố đề án thay đổi công nghệ xử lý rác, biến rác thải thành điện năng, phân bón lỏng, CNG, Compost, vật liệu xây dựng để giảm tỷ lệ chôn lấp tối đa, giảm lượng carbon thải ra môi trường, đồng thời mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Dù còn nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan, nhưng với sự đồng hành, nỗ lực của đội ngũ nhân viên, với cương vị là Tổng Giám đốc VWS, ông David Dương cam kết: “Sẽ cố gắng để nhân viên có đủ lương, thưởng và đón một mùa Xuân ấm no, đoàn viên”.
Hướng về Việt Nam từ bên kia bán cầu
Cách xa Việt Nam hơn nửa vòng trái đất, nhưng với tấm lòng hướng về quê hương, doanh nhân gốc Việt luôn trăn trở khi nhiều người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, miền Trung chịu “liên hoàn” thiên tai trong năm nay.
“Năm nay do COVID-19 nên việc gặp gỡ cũng bị hạn chế. Tôi và nhiều doanh nhân Việt kiều vẫn cố gắng kết nối, ủng hộ về tài chính và cùng thực hiện các dự án thiện nguyện hướng về quê hương”, ông David Dương chia sẻ.
Đau chung nỗi đau của đồng bào, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, VWS đã trao 200 triệu đồng ủng hộ phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Công ty CWS tài trợ 100.000 USD cho Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, hỗ trợ Quỹ phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Công nhân Chăm sóc Cây xanh VWS bên vườn ươm tại KLHXLCTĐP
Ông David Dương từ Mỹ cũng đã trao tặng 120.000 USD ủng hộ người miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cùng với sự ủng hộ từ Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ (VABA) 51.000 USD, tổng số tiền trong buổi lễ đã trao cho Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco là 171.000 USD. Được biết, ông David Dương cũng là một trong những doanh nhân Mỹ gốc Việt thành đạt trong kinh doanh và kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ tại Mỹ như: Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ (VABA); Ủy viên Hội Doanh thương quốc tế Thành phố Oakland; Ủy Viên Hiệp hội Thương mại Thung lũng Silicon; Thành viên Hiệp hội Thương mại Châu Á – Thái Bình Dương Sacramento, Hoa Kỳ; Ủy viên Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF).
Bên cạnh hoạt động thiện nguyện, hướng về những mảnh đời bất hạnh đang gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, ông David Dương cùng VWS cũng đang hướng đến các dự án cộng đồng cho quê hương. Là doanh nghiệp xử lý rác nên VWS luôn chú trọng đến hoạt động bảo vệ môi trường, bắt nguồn từ hành động nhỏ nhất là trồng cây xanh từ nhà ra phố, từ công ty ra khu vực và từ từng cá nhân lan toả đến cộng đồng.
“Khởi động” cho hành trình “phủ xanh”, tháng 6/2020, VWS tài trợ hoàn toàn kinh phí trồng 600 cây sưa, cây dầu cho xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Đặc biệt, vào tháng 10/2020, VWS đã trồng cây và hoa trên 3 km đường vào Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, với sự “góp mặt” của hơn 1.000 cây bằng lăng, 1.000 cây hoàng yến và hơn 10.000 giỏ hoa mười giờ. Cũng trong dịp này, VWS đã tài trợ hơn 200 cây khác như chuông vàng, dừa cạn, hoa lài… cho Hội Nông dân Ấp 3, xã Đa Phước.
Lan tỏa lối “sống xanh” xưa nay luôn là con đường không bằng phẳng, không phải chỉ cần “vặn ga” rồi “chạy thẳng” sẽ đến được đích mà là một hành trình bền bỉ với những hành động thiết thực.
Kết thúc năm 2020 nhiều biến động, ông David Dương cùng VWS mong muốn lan toả ý thức bảo vệ môi trường tới người dân. Mỗi người đều có không gian sống trong lành, sức khoẻ tốt để sẵn sàng chào đón năm 2021 tràn đầy năng lượng và hy vọng.