Video: Ông chủ 'sở thú lốp xe' và đam mê sáng tạo từ vật liệu tái chế.
Đầu năm 2023, trong một lần đọc được bài viết về chàng trai trẻ ở Bến Tre dùng hơn 200 chiếc lốp xe máy cũ đắp lên khung sắt tạo thành mô hình khỉ đột khổng lồ trong bộ phim King Kong, anh Toàn nghĩ bụng: “Người ta làm được, mình sao lại không?”
Năm 2022, khi vừa bước sang tuổi 50, anh Nguyễn Đức Toàn (phường Cao Thắng, TP Hạ Long, Quảng Ninh) được nghỉ hưu. Mấy tháng đầu mới nghỉ, anh chưa quen với quỹ thời gian rảnh rỗi.
“Cứ tầm 9 rưỡi, 10 giờ mọi người đi làm, đi học hết, ở nhà tôi cứ đi ra đi vào, ngồi lại đứng, đứng lại ngồi, chán lắm”. Những lúc ấy, anh Toàn đọc báo vừa để giải khuây, vừa tìm tòi những điều mới mẻ trong cuộc sống.
Nhận thấy lốp xe là vật liệu dễ tìm kiếm, giá thành không cao và phù hợp để sáng tạo, anh Toàn bắt tay ngay vào thực hiện mô hình tương tự.
Anh chia sẻ: “Ban đầu tôi nghĩ với con vật kích thước khổng lồ như vậy không thể làm được ngay nên sẽ xuất phát từ những con vật nhỏ trước”. Đại bàng là con vật đầu tiên người đàn ông hơn 50 tuổi này thử sức.
Anh Toàn tham khảo rất nhiều hình vẽ trên mạng để chọn một hình ưng ý nhất rồi in làm mẫu. Từ hình ảnh trên giấy, anh tưởng tượng ra hình ảnh 3D để tính toán tỷ lệ chiều cao, chiều dài mô hình. Các chi tiết khác như chân hay cánh của đại bàng đều do anh áng chừng.
Để có nguyên liệu cho tác phẩm, anh Toàn phải đi nhiều nơi thu thập lốp xe cũ. Anh đến các tiệm sửa xe lớn nhỏ thu mua lại với giá hữu nghị và nhờ thêm các chị đồng nát quanh khu hỗ trợ. Có thời gian anh Toàn trở thành khách quen của những người buôn bán sắt vụn bởi cứ có lốp xe cũ, ai cũng nhớ ngay tới “ông Toàn nhà gần cây xăng Cao Thắng”.
Sau khi tích luỹ đủ các chất liệu, từ lốp xe, ốc vít, thép,… người đàn ông đất Mỏ bắt tay ngay vào quá trình làm sản phẩm. Anh dùng chủ yếu loại sắt 6, sắt 8 uốn cong và hàn lại để tạo bộ khung chắc chắn cho đại bàng. Tiếp đến, anh bọc một lớp tôn lập là bọc xung quanh khối sắt đã tạo hình. Cuối cùng, anh cắt lốp xe thành các sợi cao su nhỏ và cố định lên bề mặt tôn bằng ốc vít.
Chỉ sau 2 tuần tự mày mò, anh Toàn đã hoàn thiện con đại bàng với gần 5kg sắt và hơn 100 lốp xe đạp các loại. Mỗi loại lốp xe có một cấu hình khác nhau, do đó việc cắt ra sao, loại da nào gắn vào đâu cũng được anh Toàn cân nhắc tỉ mỉ.
Phần thân đại bàng, anh cắt các sợi nhỏ, mảnh tạo độ xù xì nhưng với phần cánh, anh lại cắt thành các bản to xếp chồng tầng tầng lớp lớp để tạo hiệu ứng chân thật nhất.
Từ con vật tạo hình thành công đầu tiên, anh Toàn tiếp tục triển khai các mô hình lớn hơn. Đến nay, trên mảnh sân vườn chừng 30m2 anh mượn của hàng xóm để trưng bày sản phẩm đã được lấp đầy nào tê giác, king kong, voi mẹ con và cả chú khủng long khổng lồ. Nơi đây được anh đặt cho một cái tên thú vị - "Sở thú lốp xe".
Trong số những tác phẩm đã hoàn thiện, anh Toàn tâm đắc nhất với mô hình khủng long. Đây cũng là mô hình anh dành nhiều thời gian và công sức nhất.
“Khi có ý định làm thêm con khủng long, một anh hàng xóm đã nói tôi không thể làm được. Từ chính sự nghi ngờ ấy mà tôi có thêm động lực. Đến giờ nhìn lại thành quả của mình, tôi rất vui”, anh Toàn chia sẻ.
Video: Anh Toàn giới thiệu về mô hình khủng long khổng lồ.
Anh Hưng - người hàng xóm cạnh nhà anh Toàn chia sẻ: “Nếu không tận mắt chứng kiến anh Toàn cặm cụi gắn từng lớp cao su lên khung sắt, tôi không bao giờ tin một mình anh có thể làm được. Trước đó anh ấy chưa từng làm bao giờ, cũng chưa học qua bất cứ trường lớp nào về lĩnh vực này”.
Ngày còn đi học, anh Toàn yêu môn mỹ thuật, từng muốn thi vào trường Đại học Kiến trúc nhưng vì điều kiện không cho phép, anh đành gác ước mơ, ở lại Quảng Ninh làm việc.
Năm 1993, anh Toàn trở thành công nhân của mỏ than Hà Lầm. Dáng người nhỏ, sức khoẻ tốt, anh xung phong làm thợ xuống hầm lò. Đằng đẵng 30 năm, anh gắn bó với công việc tận sâu trong lòng đất.
“Nếu hỏi tôi tại sao làm được những con vật bằng lốp xe như hiện giờ, chính tôi cũng không trả lời được. Công việc chuyên môn của tôi là công nhân khai thác mỏ than. Hai lĩnh vực này không liên quan gì đến nhau”, anh Toàn nói.
Cho rằng công việc chuyên môn và thú vui hiện tại không có gì liên quan nhau, song, anh Toàn cũng thừa nhận bản thân có niềm yêu thích đặc biệt với sáng tạo nghệ thuật. Và có lẽ, phần nào đó, những năm làm công nhân mỏ cũng tôi rèn cho anh đức tính tỉ mỉ, nhẫn nại để anh có thể miệt mài với công việc này.
Có một điều thú vị mà anh Toàn nhận ra là xung quanh mình, nếu chịu khó, rất nhiều vật liệu bỏ đi có thể trở thành nguyên liệu cho các tác phẩm nghệ thuật.
Tháng 9/2023, sau khi hoàn thành "sở thú" có một không hai, anh Nguyễn Đức Toàn nhận ra giá trị của việc tái chế vật liệu cũ để tạo nên những tác phẩm có ích. Từ đó người thợ mỏ về hưu quyết tâm tìm tòi làm thêm sản phẩm tái chế khác.
Hiện nay trong gian phòng khách nhà anh Toàn đang trưng bày hơn 20 bức tranh lớn nhỏ làm từ kính cường lực vỡ. Hình ảnh các vị lãnh tụ, người nổi tiếng hay chính bạn bè, người thân đều trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo, là nhân vật trong những bức tranh của anh.
Anh Toàn mong muốn, các sản phẩm tái chế của anh không chỉ mang giá trị tinh thần, thẩm mỹ mà còn hướng tới thông điệp bảo vệ môi trường ý nghĩa.
“Sắp tới tôi sẽ nghiên cứu làm thêm nhiều sản phẩm tái chế khác, vừa để thoả mãn đam mê, vừa làm đẹp cho nơi tôi sống", anh Toàn tâm sự.
Là người chia ngọt sẻ bùi hơn 20 năm với anh Toàn, chị Vương Minh Nguyệt rất xúc động khi ngắm nhìn những tác phẩm chồng sáng tạo.
“Chỉ đến khi anh làm xong các sản phẩm tôi mới phát hiện hoá ra chồng mình cũng rất có khiếu nghệ thuật. Anh cứ cặm cụi, lặng lẽ làm một mình. Chưa bao giờ tôi thấy anh than phiền hay bỏ cuộc, anh cứ làm đi làm lại cho đến khi ưng ý nhất mới nghỉ”, chị Nguyệt nói.