Gói hỗ trợ này bao gồm 415 tỷ USD chống lại đại dịch, 350 tỷ USD giúp chính quyền tiểu bang và các địa phương khắc phục tình trạng thiếu hụt ngân sách, 440 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp và cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch. Nó cũng tăng các khoản trợ cấp cho người lao động và các gia đình, bao gồm khoản thanh toán trực tiếp trị giá 1.400 USD, tăng trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần của liên bang lên 400 USD và kéo dài đến cuối tháng 9.
Các quan chức thuộc nhóm Biden cho biết thông tin về gói hỗ trợ này sẽ được ông Biden đưa ra trong bài phát biểu về "Kế hoạch giải cứu Mỹ" vào 19h15 ngày 14/1 (giờ Mỹ). Kế hoạch này được Tổng thống đắc cử và nhóm kinh tế của mình soạn thảo trong nhiều tuần.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)
Hiện không rõ kế hoạch đầy tham vọng và tốn kém trên sẽ qua ải lưỡng viện Mỹ thế nào. Hai gói cứu trợ kinh tế trước đó phải rất khó khăn mới đạt được sự đồng thuận ở cả Thượng viện và Hạ viện.
Việc công bố gói kích thích mới của Biden diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang vật lộn trước dịch bệnh. Quốc gia này hiện là điểm nóng COVID-19 lớn nhất thế giới với hơn 379.000 ca thiệt mạng. Trong khi đó, số người chết vì dịch trong một ngày cũng tăng cao kỷ lục, hơn 4.200 ca cùng với sự gia tăng đột biến số ca mắc mới và nhập viện.
Sư phục hồi kinh tế sau cuộc suy thoái đại dịch cũng đang có dấu hiệu đảo ngược khi virus lây lan nhanh hơn trong mùa đông và các thành phố và tiểu bang đưa ra các hạn chế chống dịch mới.
Trong báo cáo đưa ra mới đây, Bộ Lao động Mỹ cho biết 1,15 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin thất nghiệp mới trong tuần đầu tiên của năm mới, tăng 25% so với tuần trước.
Các trợ lý của ông Biden cho biết tính cấp bách của thời điểm này đã thúc đẩy tổng thống đắc cử đề xuất một gói hỗ trợ kinh tế đáng kể hơn so với những gì chính quyền Obama thúc đẩy khi nhậm chức ở thời điểm suy thoái năm 2009.
Nó cũng nhấn mạnh thách thức mà nền kinh tế và hệ thống y tế mà Mỹ đang phải đối mặt.