"Cả Mỹ và NATO đều không có tên lửa ở Ukraine. Chúng tôi cũng không có kế hoạch đặt chúng ở đó", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.
"Chúng tôi không nhắm vào người dân Nga. Chúng tôi không tìm cách gây bất ổn cho nước Nga", ông Biden cho biết thêm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP)
Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh, Mỹ "không muốn đối đầu trực tiếp với Nga" nhưng tuyên bố "sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ" nếu Moskva tấn công người Mỹ ở Ukraine. Ông Biden cảnh báo Nga sẽ phải trả giá đắt về kinh tế nếu tấn công Ukraine.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 13/2, Tổng thống Biden cam kết bao vệ Ukraine, cảnh báo sẽ đáp trả “nhanh chóng và dứt khoát” trước hành động quân sự của Nga.
Ông Biden từng cho biết Washington không có ý định triển khai quân tới Ukraine bất chấp việc Mỹ và các nước phương Tây lo ngại Nga sẽ tấn công quốc gia láng giềng. Thời gian qua, Mỹ và một số đồng minh NATO tiếp tục bán và viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Mỹ và NATO hôm 26/1 gửi văn bản trả lời về các yêu cầu đảm bảo an ninh của Nga. Phía Mỹ yêu cầu không công khai các tài liệu này. Theo tuyên bố từ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, phương Tây đã không nhượng bộ trước các đòi hỏi của Nga song vẫn hy vọng vào các cuộc đàm phán tiếp theo.
Hôm 14/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov về phản hồi của Mỹ và NATO đối với các đề xuất mang tính ràng buộc pháp lý lâu dài của Moskva. Ngoại trưởng Lavrov đã thông báo với ông Putin về những hồi đáp này.
Ông Lavrov nhấn mạnh, Moskva không thể hài lòng với câu trả lời của Mỹ và NATO. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng một số phản hồi có tính xây dựng. Đây là những biện pháp cụ thể liên quan đến tên lửa tầm ngắn và tầm trung cùng một loạt đề xuất về giảm thiểu rủi ro quân sự, xây dựng lòng tin và sự minh bạch trong các hoạt động quân sự.