Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ông Bạch Ngọc Chiến: Có vào, có ra, có lên, có xuống mới tạo ra bộ máy hiệu quả

(VTC News) -

Ông Bạch Ngọc Chiến cho rằng, thực hiện tinh gọn bộ máy phải "có vào, có ra, có lên, có xuống" thì mới thực sự có bộ máy chuyên nghiệp và nhân sự hiệu quả.

PV Báo điện tử VTC News có cuộc trò chuyện với ông Bạch Ngọc Chiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, người từng xin thôi công việc Nhà nước để chuyển ra làm cho doanh nghiệp tư nhân.

Ông Bạch Ngọc Chiến.

- Từng công tác ở rất nhiều vị trí quan trọng trong cơ quan Nhà nước, khi chuyển sang khu vực tư nhân, ông thấy sự khác biệt lớn nhất giữa hai khu vực này là gì?

Khi chuyển từ công tác tại các đơn vị Nhà nước sang khu vực tư nhân, điều khác biệt tôi nhận thấy rõ nhất là tính sòng phẳng.

Ở khu vực tư nhân, nếu anh làm tốt, anh sẽ được trọng dụng. Nếu không đáp ứng được công việc, ra đi là tất yếu. Lương nhân viên là khoản chi lớn trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp nên việc tuyển dụng và sa thải nhân sự được quyết định bởi năng lực và hiệu quả của nhân sự.

Tôi nghĩ dù là cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân thì các nguyên tắc cơ bản về quản trị nhân sự vẫn áp dụng như nhau.

Trước hết là phải xác định chính xác chức năng, nhiệm vụ của tổ chức để từ đó xác định ra các vị trí công việc. Mỗi vị trí phải có khung năng lực cụ thể để làm căn cứ tuyển dụng nhân sự phù hợp.

Ở khối tư nhân, làm được việc thì được trọng dụng, không được việc thì hoặc là xin nghỉ hoặc là nhận quyết định cho nghỉ việc. Đó là chuyện rất sòng phẳng và thú vị.

- Những ngày đầu từ môi trường Nhà nước chuyển sang môi trường tư nhân, ông gặp những khó khăn gì?

Một số người khen tôi thích ứng nhanh trong môi trường tư nhân. Thực ra không phải tôi thích ứng tốt mà tôi đã có sự chuẩn bị tốt. Sự chuẩn bị lớn nhất của tôi chính là tự trang bị kiến thức và kỹ năng mới.

bach ngoc chien.png

"Có vào, có ra, có lên, có xuống" thì mới thực sự có bộ máy chuyên nghiệp và nhân sự hiệu quả.

Ông Bạch Ngọc Chiến

Khi còn làm việc ở Nam Định, tôi theo học luật văn bằng hai (học buổi tối và cuối tuần). Khi chuyển về Hà Nội năm 2019, tôi theo học chương trình MBA của Đại học Hawaii.

Chính nhờ việc học thật này mà khi vào việc mới, tôi bắt nhịp được ngay, thậm chí còn khiến nhiều đồng nghiệp kính nể.

Từ khi bắt đầu đi làm, tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải luôn đổi mới, sáng tạo. Thứ hai là không giấu dốt, phải cầu thị học hỏi từ mọi người. Cuối cùng là phải chăm chỉ, sẵn sàng nhận thêm việc, không nề hà bất cứ việc gì được giao.

Nhờ các nguyên tắc này mà tôi tiến bộ nhanh chóng ở các môi trường công việc mà tôi đã qua. Cũng nhờ đó mà tôi đã làm được nhiều công việc khác nhau.

Tôi chuyển từ lĩnh vực ngoại giao sang truyền hình, từ truyền hình sang làm lãnh đạo địa phương, từ lãnh đạo tổ chức phi Chính phủ chuyển sang giáo dục và bây giờ là võ thuật.

Tôi hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam và là giám đốc điều hành công ty Vovinam Digital. Tôi được giao các trọng trách này không phải vì tôi là võ sư mà vì tôi có tư duy tổ chức và có kế hoạch kinh doanh cho Vovinam.

Sắp tới, nhiều người sẽ phải rời khỏi bộ máy Nhà nước, nếu không có sự chuẩn bị hoặc tự học kỹ năng mới họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Cuộc chơi trong kinh tế tư nhân khắc nghiệt hơn nhiều và cú sốc khi chuyển đổi còn lớn hơn việc bị loại khỏi bộ máy Nhà nước.

- Khi tinh gọn bộ máy kèm theo tinh giản biên chế, chắc chắn sẽ gặp không ít lực cản, thưa ông?

Điều quan trọng nhất khi sáp nhập bộ máy này sang bộ máy khác là phải xác định rõ lý do tồn tại, các chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận. Cần có các quy định rõ ràng về khung năng lực và yêu cầu cho từng vị trí công tác, để mỗi người biết rõ mình phù hợp với vị trí nào.

Đây là kinh nghiệm được áp dụng trong quản trị doanh nghiệp, nơi người ta rất chú trọng đến việc xác định vai trò và trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân.

Phải chấp nhận một cuộc chơi sòng phẳng với những tiêu chí rõ ràng: Ai đáp ứng yêu cầu thì ở lại, ai không đáp ứng được phải ra đi. Tất nhiên, sẽ có các biện pháp hỗ trợ, như trợ cấp hoặc giúp tìm việc mới.

Cũng giống như trong một gia đình, dù yêu thương con đến đâu cũng đến lúc cha mẹ phải cho con tự lập, sống riêng. Không thể tiếp tục bao bọc con mãi, vì điều đó sẽ ngăn cản sự phát triển của cả gia đình.

Cuộc chơi sòng phẳng mà tôi vừa nhắc đến nhằm tạo ra động lực mới cho sự phát triển xã hội. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội, mà còn cho chính những người có thể bị loại bỏ khỏi bộ máy Nhà nước.

Không vì lo lắng đến lợi ích của những người bị rớt ra khỏi bộ máy này mà nao núng chủ trương đúng đắn và không làm đến nơi đến chốn. Mục đích cuối cùng của chúng ta là phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng nguồn lực.

Người nào cảm thấy không phù hợp với môi trường Nhà nước thì nhân dịp này nên ra ngoài cuộc sống để "vật lộn", tự khẳng định mình. 

- Trong các phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc tới sự gương mẫu, chủ động và hy sinh của người lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy trong tinh gọn bộ máy. Vậy, tính hy sinh của người đứng đầu nên được hiểu thế nào, thưa ông?

Đó là hy sinh quyền lợi cá nhân và của người thân với mình vì lợi ích lớn hơn của tổ chức. Có khi phải cho nghỉ việc chính người thân thiết ủng hộ mình để dành chỗ cho người phù hợp và có khả năng hơn.

Trong chính trị, sự thân thiết và lòng trung thành là những phẩm chất quan trọng. Nhưng tài năng và hiệu quả còn quan trọng hơn.

Lịch sử nước ta đã ghi lại chuyện Thái sư Tô Hiến Thành tiến cử người hiền tài thay mình chứ không tiến cử người thân thiết vẫn hay chăm sóc, phục vụ mình. Hay chuyện Thái sư Trần Thủ Độ kiên quyết không giao quyền chức cho người nhà không có đủ năng lực. 

- Ông có niềm tin thế nào vào công cuộc tinh giản tổ chức bộ máy mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm thực hiện?

Tôi hoàn toàn ủng hộ chương trình nghị sự này. Tôi tin là khi thực hiện thành công, chương trình này sẽ giúp tạo ra tính chuyên nghiệp cả cho bộ máy chính trị lẫn nhân sự làm chính trị, phù hợp với các thực tiễn phổ biến trên thế giới.

Nước ta thời phong kiến đã có thực tế là nhiều quan lại thấy không phù hợp với thời cuộc thì xin cáo quan về ở ẩn hoặc dạy học, đến khi thấy đắc thời hoặc được trọng dụng thì lại "tái xuất" tham chính.

Trong công tác nhân sự, người ta thường nhắc đến chủ trương "có vào, có ra, có lên, có xuống". Nhưng thực tế là đa số là "lên" chứ ít khi thấy "xuống", đã "ra" thì không "vào" được, và đã "vào" thì không "ra". Điều đó vừa làm mất nhiều nguồn lực tốt vừa tạo ra tâm lý “bám ghế đến cùng”.

"Có vào, có ra, có lên, có xuống" thực sự thì mới thực sự có bộ máy chuyên nghiệp và nhân sự hiệu quả.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Đức - Anh Văn

Tin mới