Lê Phương Nhung, học sinh trường THPT Hồng Quang (Hải Dương) cho biết em dành đến 15 tiếng mỗi ngày để ôn tập. Phương Nhung thường thức học xuyên đêm từ 19h đến 3h sáng hôm sau. Tiếp đó, em nghỉ ngơi khoảng 4 tiếng rồi lại tiếp tục học bài với cường độ cao.
“Cả ngày, em chỉ quanh quẩn trong phòng để giải đề và học Văn. Lúc nào, em cũng cảm thấy lo lắng và bất an”, nữ sinh cho biết thêm vì áp lực thi đại học, em sụt tận 4 kg.
Mỗi khi cảm thấy áp lực, Phương Nhung tạm dừng học và đi dạo ở công viên. Nhung nói quan sát mọi người ở công việc tận hưởng cuộc sống khiến em thoải mái hơn và có nhiều năng lượng tích cực. (Ảnh: NVCC)
Phương Nhung đặt mục tiêu đạt 26 điểm và dự kiến đăng ký nguyện vọng Đại học Hà Nội và Học viện Ngân hàng.
Khác với Phương Nhung, em Nhữ Quỳnh Trang, học sinh trường THPT Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình), điều chỉnh thời gian ôn tập vào sáng sớm thay vì thức khuya vào những tuần “chạy nước rút”.
Cách đây khoảng 2 tháng, Trang học vào buổi sáng, thức thâu đêm và ngủ bù vào buổi chiều. Nhưng 2 tuần trở lại đây, Quỳnh Trang cho biết em học từ 20h đến 1h sáng hôm sau. Nữ sinh thức dậy vào khoảng 3-4h sáng để học bài. Thời gian ngủ không được đảm bảo nên nữ sinh thường mất ngủ, đau đầu trong giai đoạn ôn thi.
Quỳnh Trang đăng một số video ôn thi trên mạng xã hội và được nhiều bạn đồng trang lứa quan tâm. Trang và các bạn lập một nhóm ôn thi và gọi nhau dậy học bài vào mỗi buổi sáng. (Ảnh: NVCC)
“Khi căng thẳng, em thường rủ bạn thân đi chơi, đi mua đồ rồi đi dạo. Vì tụi em đều ôn thi và áp lực như nhau, cùng đi dạo, kể chuyện tâm sự với nhau nên sẽ đỡ mệt mỏi hơn”, Trang chia sẻ.
Quỳnh Trang mong đạt 26 điểm và đỗ Đại học Thương mại hoặc Đại học Văn hóa Hà Nội.
Tương tự, càng đến gần ngày thi tốt nghiệp THPT, áp lực lại càng đè nặng lên Hồ Văn Thanh Bắc, học sinh trường THPT Tân Phú Trung (Đồng Tháp).
Dù đã chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này từ khi nghỉ hè năm lớp 11, do phân bố thời gian học không hợp lý, một môn trong tổ hợp xét tuyển của thí sinh Hồ Văn Thanh Bắc vẫn còn yếu. Trong thời gian vài tuần cuối tuần, Thanh Bắc cố gắng ôn tập chắc kiến thức của môn Hóa.
Mặc dù luyện đề từ sớm, kết quả thi thử của Thanh Bắc không được khả quan. Em nhận thấy kiến thức của mình bị hỏng nhiều chỗ và gấp rút ôn tập mỗi ngày hơn mười tiếng. (Ảnh: NVCC)
Nam sinh đặt mục tiêu thi đạt hơn 23 điểm để đăng ký xét tuyển ngành Kỹ thuật xây dựng, Đại học Kiến trúc TP.HCM. Trước khi vào giai đoạn ôn tập cuối cùng, quỹ thời gian thoải mái, Thanh Bắc thường đi đá bóng để giải tỏa căng thẳng. Nhưng hiện tại, mỗi khi bị áp lực, em sẽ rời bàn học hoặc mở một bài hát yêu thích để thư giãn.
Trong khi đó, em Trần Nguyễn Ngọc Châu, học sinh lớp 12 trường THPT Gia Định (TP.HCM), tìm cách vượt qua áp lực thi cử để “dễ thở” hơn vào những ngày ôn thi cuối cùng. Em chia sẻ mình suy nghĩ theo kiểu “lướt ván”.
“Cuộc đời luôn có nhiều cơn sóng. Tùy theo cách nhìn nhận, mỗi người thấy thử thách, chông gai mình đang gặp phải là cơn sóng nhỏ hay cơn sóng lớn. Đối với em, thi đại học là cơn sóng nhỏ và em sẽ 'lướt ván' qua cơn sóng đó”, Ngọc Châu giải thích.
Suy nghĩ tích cực, lạc quan này giúp Ngọc Châu giải tỏa nhiều áp lực, căng thẳng và chuẩn bị tinh thần thoải mái trước khi bước vào kỳ thi đại học.