Kỳ thi vào lớp 10 THPT đang đến rất gần và tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch học tập và ôn luyện của các thí sinh. Trong giai đoạn ôn thi nước rút quan trọng này, cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI hệ thống những nội dung cần lưu ý giúp học sinh chinh phục bài thi Ngữ văn vào lớp 10 với điểm số cao nhất.
Cấu trúc đề thi
Cô Đỗ Khánh Phượng cho rằng, để ôn thi giai đoạn nước rút hiệu quả thì trước hết các em học sinh phải nắm được cấu trúc đề thi của các tỉnh, thành phố.
Với Hà Nội, cấu trúc đề thi gồm 2 ngữ liệu: văn bản thơ và văn bản truyện hoặc văn bản nghị luận. Từ 2 ngữ liệu trên, đề bài phần lớn sẽ xuất hiện 4 dạng câu hỏi.
Câu hỏi 1, nhận diện văn bản: Tên tác phẩm, tác giả, hoàn cảnh sáng tác, hỏi về nhân vật được nói đến trong đoạn văn, yêu cầu chép lại đoạn thơ…Đây là dạng câu hỏi tái hiện giúp các em dễ dàng điểm nhất (2 điểm).
Câu 2, đọc - hiểu: Xác định nội dung đoạn văn bản hoặc đoạn trích thơ, những đặc điểm nghệ thuật ngữ liệu của đề thi đưa ra, các kiến thức thuộc phần Tiếng Việt (3 điểm).
Câu 3, nghị luận xã hội: Đề bài thường là về 1 vấn đề được đặt ra từ văn bản trích dẫn (2 điểm).
Câu 4, nghị luận văn học: Bên cạnh yếu tố nghị luận thường đính kèm thêm yêu cầu khác. Đề thi của Thành phố Hà Nội sẽ yêu cầu học sinh viết thành đoạn văn và lồng ghép thêm câu hỏi về kiến thức Tiếng Việt (3 điểm).
Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.
Khác với đề của thành phố Hà Nội, cấu trúc đề thi của TP.HCM gồm 3 câu hỏi (cùng cấu trúc đề với các tỉnh/thành phố như: Hải Dương, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ và một số trường thi chuyên Văn). Cụ thể cấu trúc đề như sau:
Câu 1, đọc - hiểu văn bản. Câu này thường yêu cầu về kiến thức Tiếng Việt, xác định nội dung nghệ thuật, nêu quan điểm của vấn đề, nêu suy nghĩ về vấn đề được đặt ra trong văn bản (2-3 điểm).
Câu 2, nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý hoặc hiện tượng đời sống. Điểm khác biệt của đề này so với đề của Hà Nội là yêu cầu học sinh viết thành bài văn ngắn không quá 1 trang giấy thi và có nội dung gắn kết với phần Đọc - hiểu (2-3 điểm).
Câu 3, nghị luận văn học. Phần này có thể yêu cầu học sinh nghị luận về 1 đoạn thơ/đoạn truyện; nghị luận về một ý kiến, nhận định bàn về đặc điểm nội dung hoặc nghệ thuật hay nghị luận về một vấn đề thuộc lí luận văn học, so sánh văn học (4-6 điểm).
Nội dung quan trọng
Theo cô Đỗ Khánh Phượng, dù là cấu trúc đề nào thì học sinh cũng cần tập trung vào 3 nội dung là phần Đọc - hiểu văn bản, phần Nghị luận xã hội và phần Nghị luận văn học.
Để làm tốt phần Đọc - hiểu, học sinh cần nắm chắc 3 phần kiến thức. Thứ nhất là phần Văn, các em cần nắm chắc kiến thức như thông tin của tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, phương thức biểu đạt, thể thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp, nắm được nội dung của đoạn văn bản và biết cách giải thích ý nghĩa nhan đề.
Thứ hai là phần Tiếng Việt, học sinh cần nắm cách nhận diện từ loại, kiểu câu, thành phần câu, biện pháp tu từ, các phương châm hội thoại. Và cuối cùng là phần Tập làm văn, các em cần nắm được kiến thức về hình thức đoạn, các phép liên kết và vận dụng các kiến thức của phần văn bản để giải quyết một vấn đề hoặc tình huống đặt ra ở phần đọc - hiểu.
Học sinh tham gia thi THPT. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Đối với phần Nghị luận xã hội, có 2 dạng chính là nghị luận về một tư tưởng đạo lí hoặc về một hiện tượng đời sống.
“Với đề nghị luận về tư tưởng đạo lý, các em cần lưu ý rằng những tư tưởng nghị luận trong chương trình Ngữ văn lớp 9 thường là tư tưởng tích cực như lòng dũng cảm, tình yêu thương, sự khoan dung, khiêm tốn, ý chí, nghị lực. Bên cạnh đó, đề thi cũng có thể là tư tưởng tiêu cực, tư tưởng về quan hệ gia đình, tư tưởng về quan hệ xã hội hoặc đôi khi là nghị luận về các mặt đối lập”, cô Phượng phân tích.
Theo đó, những tư tưởng đạo lí có thể xuất hiện dưới dạng một nhận định, một câu châm ngôn, một câu ca dao tục ngữ, một bài thơ hoặc xuất phát từ những ngữ liệu trong chương trình Ngữ văn 9. Ví dụ như bài "Nói với con" cho ta tư tưởng về tình cảm gia đình, bài "Ánh trăng" khơi gợi tư tưởng về lòng biết ơn, bài "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" khơi gợi tư tưởng về tình yêu đất nước, tình đồng đội...
Với đề nghị luận về một hiện tượng đời sống, học sinh cần lưu ý rằng hiện tượng được chọn thường thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ví dụ như: vệ sinh môi trường, bạo lực học đường, bạo hành gia đình,...”Dù là hiện tượng tốt hay xấu, đáng khen hay đáng chê thì các em cần ghi nhớ rằng, từ hiện tượng đời sống đó người viết phải phân tích ra ý nghĩa xã hội về tư tưởng đạo đức để bàn bạc, đánh giá”, cô Phượng nhắc nhở học sinh.
Với phần Nghị luận văn học, cô Phượng chỉ ra 5 dạng đề có thể xuất hiện: Cảm nhận về một đoạn thơ/bài thơ; phân tích về một hình tượng nhân vật trong truyện/trong thơ hoặc phân tích một chi tiết trong truyện/trong thơ để làm rõ nội dung tác phẩm; nhận định về một tác giả hoặc tác phẩm và yêu cầu làm sáng tỏ nhận định đó; phân tích nghệ thuật, tình huống truyện, cốt truyện; phân tích giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Phần Nghị luận văn học có dạng đề rất phong phú. Vì vậy, muốn làm chủ phần nội dung kiến thức này, trước tiên học sinh phải nắm được những kiến thức cơ bản nhất về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác. Điều này giúp các em hiểu rõ về tác phẩm và có thể đưa ra những phân tích, đánh giá sâu sắc trong quá trình làm bài nghị luận về tác phẩm đó.
Cùng với đó, cô Phượng đưa ra một số nội dung cần chú ý khi ôn luyện phần nghị luận văn học. Với phần thơ, các em học sinh cần lưu ý phải thuộc thơ và nắm vững được nội dung chính của từng bài, điểm chung và điểm khác biệt của một số bài cùng chủ đề, đề tài. Với phần văn xuôi, các em học sinh cần đọc tác phẩm nhiều lần để nhớ đến từng chi tiết và nắm được nội dung, nghệ thuật của từng tác phẩm. Ở mỗi một tác phẩm, các em lưu ý tìm hiểu kĩ về các nhân vật, tâm lí nhân vật và tính huống truyện.
“Trong quá trình ôn luyện, các em nên liệt kê ra những chi tiết, sự việc tiêu biểu trong bài để nắm thật chắc và học thuộc một vai câu văn độc đáo để làm dẫn chứng khi viết bài”, cô Phượng nhấn mạnh.
Mặc dù quá trình ôn thi nước rút khiến các em học sinh áp lực về thời gian và khối lượng kiến thức, tuy nhiên cô Khánh Phượng khuyên các em với những tác phẩm chưa học kĩ, vẫn nên dành thời gian học lại thêm một lần để hiểu cặn kẽ, nắm thật vững kiến thức.