Hồi tháng 6/2021, khi biến chủng Delta chưa tấn công, Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho 80-85% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.
Nhưng khái niệm này gần như đã không còn được nhắc tới khi Delta và mới đây nhất là biến chủng Omicron xuất hiện.
Omicron lây lan hơn đáng kể so với Delta được xem là tác nhân buộc Trung Quốc phải tính toán lại chiến lược tiêm chủng hiện tại của mình.
Tính tới thời điểm hiện tại, hơn 85% dân số Trung Quốc đã được tiêm ít nhất 2 liều vaccine và đang tiếp tục triển khai chích ngừa mũi tăng cường. Quốc gia tỷ dân tới nay chỉ sử dụng vaccine "nội".
Tuy nhiên, khả năng vô hiệu hóa vaccine bất hoạt của Trung Quốc trước biến chủng Omicron vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.
Tranh cãi về hiệu quả
Một nhân viên đang kiểm tra các lọ vaccine COVID-19 trên dây chuyền đóng gói của Sinovac tại Bắc Kinh. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Một số nghiên cứu ban đầu tại Trung Quốc cho thấy khả năng bảo vệ cơ thể trước biến chủng mới của các loại vaccine Trung Quốc được cải thiện nhờ mũi tiêm tăng cường.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế toàn cầu tại Đại học Seton Hall ở bang New Jersey (Mỹ), Huang Yanzhong khẳng định với mũi tiêm tăng cường, mức kháng thể do vaccine bất hoạt sản sinh vẫn thấp hơn so với kháng thể do vaccine được sản xuất bằng công nghệ mRNA tạo ra.
Hồi tháng 12, Công ty Sinovac của Trung Quốc khẳng định mũi vaccine tăng cường của họ có thể giúp chống lại Omicron. Hãng dược Trung Quốc không nêu rõ chi tiết về mức độ các kháng thể chống virus được tạo ra, nhưng cho biết 45 trong tổng số 58 người tiêm 3 mũi vaccine CoronaVac do Sinovac phát triển (tương đương 94%) tạo ra kháng thể có thể phát hiện và chống lại Omicron. Tỷ lệ này với 20 người được tiêm 2 mũi CoronaVac chỉ là 35%.
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi các nhà khoa học tới từ Đại học Hong Kong công bố nghiên cứu cho thấy 2 mũi vaccine COVID-19 của Sinovac đều không tạo đủ kháng thể chống biến thể Omicron.
Một nghiên cứu do các nhà khoa học của Đại học Giao thông Thượng Hải và một phòng thí nghiệm có trụ sở tại Thượng Hải cho biết mũi tiêm tăng cường vaccine COVID-19 do Sinopharm phát triển có hoạt tính trung hòa "thấp hơn đáng kể" đối với chủng Omicron. Họ nói thêm rằng hiệu quả của vaccine này kháng lại Omicron vẫn chưa rõ ràng.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh hoạt tính của vaccine tăng cường của Sinopharm với một chủng COVID-19 cũ có nguồn gốc từ Vũ Hán. Theo đó, hoạt tính kháng thể trung hòa của vaccine Sinopharm chống lại Omicron giảm 20,1 lần so với hoạt tính chống lại chủng virus Vũ Hán trước đây.
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Đại học Washington và công ty trị liệu kháng thể Thụy Sĩ Humabs BioMed cũng cho thấy mức độ kháng thể của những người tiêm vaccine của Sinopharm chống lại Omicron giảm đáng kể so với các chủng cũ.
Cụ thể, trong tổng số người 13 tham gia nghiên cứu, chỉ có 3 người có thể tạo ra kháng thể đủ để phát hiện và ngăn chặn Omicron xâm nhập vào tế bào.
Vaccine đặc hiệu
Trong tuyên bố đưa ra hồi đầu tháng 1, WHO cho biết cả vaccine của Sinopharm và Sinovac đều có thể giúp tránh nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong vì Omicron.
"Các loại vaccine này có mức độ phòng tránh nguy cơ nhiễm khác nhau, nhưng chúng tôi biết rõ chúng đều ngăn ngừa nguy cơ tử vong. Chúng tôi dự đoán khả năng ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong sẽ được duy trì", Abdi Mahamud, người phụ trách sự cố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 4/1 cho biết.
Omicron buộc Trung Quốc phải tính lại chiến lược tiêm chủng. (Ảnh: Reuters)
Các chuyên gia Trung Quốc vẫn tỏ ra tự tin rằng, các mũi tiêm tăng cường sẽ đóng vai trò trong việc tăng nồng độ kháng thể chống lại nCoV, ngay cả với Omicron.
Nhưng vấn đề tới đây là Trung Quốc sẽ tiêm mũi tăng cường thế nào. Nước này chưa phê chuẩn vaccine mRNA nào của nước ngoài và vẫn chưa thể cho ra mắt vaccine mRNA "nội địa".
Một nghiên cứu được Đại học Yale công bố vài ngày trước đó cho thấy 2 liều vaccine Sinovac và một mũi Pfizer không đủ để ngăn nguy cơ nhiễm Omicron.
Trong bối cảnh các biến chủng mới liên tục xuất hiện, Tao Lina - chuyên gia vaccine tại Thượng Hải cho biết Trung Quốc có thể sẽ phát triển loại vaccine có thể đối phó với nhiều loại biến thể. "Về mặt này, Trung Quốc có đủ khả năng phát triển các loại vaccine như vậy trong ít nhất 2 tháng", Tao cho biết.