BA.2 hay còn gọi là Omicron tàng hình đầu tiên được phát hiện trong số các mẫu gene nCoV thu thập tại Nam Phi, Australia và Canada hồi tháng 12/2021.
Phiên bản tàng hình của Omicron có nhiều đột biến tương đồng với biến thể Omicron tiêu chuẩn, nhưng lại thiếu một thay đổi di truyền cụ thể vốn giúp phát hiện virus bằng xét nghiệm PCR.
Các nghiên cứu mới đây cho thấy BA.2 có lợi thế tăng trưởng hơn BA.1. Một số nước cũng ghi nhận một số trường hợp tái nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1. Nghiên cứu giữa tháng 2 của các nhà khoa học Nhật Bản chỉ ra rằng, BA.2 có khả năng trốn tránh miễn dịch do vaccine tạo ra. Tuy nhiên, mũi tiêm tăng cường có thể làm giảm 74% nguy cơ chuyển nặng với các trường hợp nhiễm biến thể này.
(Ảnh minh họa: Getty Images)
BA.2 được cho có khả năng lây lan nhanh gấp 1,5 lần BA.1 và đang có dấu hiệu áp đảo phiên bản gốc của Omicron ở một số khu vực tại châu Âu và châu Á.
Hồi giữa tháng 2, giới chức Nam Phi tuyên bố BA.2 trở thành chủng trội tại quốc gia này. Các quan chức Philippines đưa ra tuyên bố tương tự không lâu sau đó.
Cuối tháng 2, BA.2, vượt qua BA.1 trở thành biến thể thống trị tại Anh.
Số liệu thống kê do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 8/3 cho thấy số ca nhiễm BA.2 tại Mỹ tăng gấp đôi sau mỗi tuần trong tháng vừa qua.
Cụ thể, trong tuần kết thúc vào ngày 5/2, số ca nhiễm BA.2 chỉ chiếm 1% số trường hợp mắc mới COVID-19 tại Mỹ, nhưng tỷ lệ này tăng lên 2,2% trong tuần kết thúc vào ngày 12/2, tiếp đó là 3,8% trong tuần kết thúc vào ngày 19/2 và 6,6% trong tuần kết thúc vào ngày 26/2.
CDC ước tính "Omicron tàng hình" là nguyên nhân gây ra 11,6% số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 5/3 vừa qua. Các chuyên gia nhận định BA.2 lây lan với tốc độ "chậm nhưng đều đặn" dù số ca nhiễm Omicron tiếp tục giảm tại Mỹ.
Hôm 22/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết BA.2 không gây bệnh nặng hơn so với chủng Omicron gốc. Nhưng theo Tân Hoa xã, các nghiên cứu mới thực hiện trong phòng thí nghiệm và trên động vật cho thấy BA.2 có khả năng gây bệnh nặng hơn so BA.1.
Trong nghiên cứu mới đây của Đại học Tokyo, nhà khoa học Kei Sato và các cộng sự kết luận BA.2 khác biệt đến mức nó nên được phân loại là biến thể mới chính thức. "Dựa trên những phát hiện của mình, chúng tôi đề xuất BA.2 nên được công nhận là một biến thể đáng lo ngại và biến thể SARS-CoV-2 này nên được theo dõi chuyên sâu", ông Sato cho hay.
Theo Tiến sĩ William Schaffner tới từ trung tâm y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), ngoài mức độ lây lan, khả năng gây bệnh nặng, một vấn đề khác cần được quan tâm là vaccine và các phương pháp điều trị kháng đơn dòng hiện tại hiệu quả ra sao trong việc chống lại BA.2.