"Ngay cả khi mức độ nghiêm trọng của biến thể này chỉ tương đương hoặc thấp hơn so với Delta, dự kiến số ca nhập viện sẽ tăng lên nếu nhiều người bị nhiễm bệnh hơn và sẽ có một khoảng thời gian chênh lệch kể từ khi tỷ lệ mắc bệnh tăng tới khi tỷ lệ tử vong tăng", Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo.
Omicron lây lan gần 60 quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Reuters)
Dù vậy, trong báo cáo dịch tễ học hàng tuần, WHO cho biết cần có thêm dữ liệu để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể Omicron gây ra và liệu các đột biến của nó có thể làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine hay không, bao gồm tác dụng của các liều vaccine tăng cường.
Ngày 26/11, WHO đã tuyên bố Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở miền Nam châu Phi, là một biến thể đáng lo ngại. Đây là chủng SARS-CoV-2 thứ 5 được phân loại ở mức độ này.
Theo WHO, số ca COVID-19 được báo cáo ở Nam Phi đã tăng gấp đôi trong tuần tính đến ngày 5/12, lên hơn 62.000 ca và tỷ lệ mắc tăng rất lớn ở cả Eswatini, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Lesotho.
Tổ chức này nói thêm rằng sự lan rộng của Omicron, cùng với việc xét nghiệm tăng cường và tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể đã đóng một vai trò nào đó.
Đề cập đến nguy cơ tái nhiễm, WHO nhận định: "Phân tích sơ bộ cho thấy các đột biến có trong biến thể Omicron có thể làm giảm hoạt động trung hòa của các kháng thể, dẫn đến giảm khả năng bảo vệ của miễn dịch tự nhiên".