Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Oliver Stone biến điều không thể thành có thể

Oliver Stone là một trong số ít những nghệ sĩ chân chính trong giới điện ảnh đương đại sáng tác vì nghệ thuật chân chính thay vì lợi ích kinh tế...

Oliver Stone là một trong số ít những nghệ sĩ chân chính trong giới điện ảnh đương đại sáng tác vì nghệ thuật chân chính thay vì lợi ích kinh tế. Ông đã viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất những tác phẩm kinh điển, đầy gai góc, trong đó có thể kể đến như bộ ba phim về chiến tranh Việt Nam: – Trung đội (1986), Sinh ngày mùng 4 tháng 7 (1989), Trời và Đất (1993); những phim về buôn bán ma túy như Chuyến tàu tốc hành lúc nửa đêm; hay thậm chí là bộ phim dựng lại về cái chết của tổng thống John F. Kenedy – JFK... Song song với ba giải Oscar cùng rất nhiều giải thưởng danh giá khác, Oliver Stone cũng đồng thời phải hứng chịu vô số những lời chỉ trích vì những bộ phim được cho là chủ quan duy ý chí, mang đậm tính bạo lực, phân biệt chủng tộc và xuyên tạc hình ảnh những nhân vật kiểu mẫu của công chúng... Bất chấp những thành công lẫn vô vàn thất bại trong cuộc sống, Oliver Stone vẫn tiếp tục sáng tác với con mắt nhìn đời rất riêng. Giấc mơ của ông là biến những điều không thể thành có thể.

 

 

Thất bại và đen đủi – Mảnh đất gieo trồng nên Oliver Stone

 

Cuộc đời Oliver Stone đầy những trúc trắc và trục trặc, điều này cũng chính là nhân tố ảnh hưởng tới những tác phẩm của ông. Là một thiên tài từ nhỏ nhưng chẳng được ai công nhận, ngay từ lúc 5 tuổi, ông đã sáng tác kịch bản cho những chú rối và lúc lên 9 thì ông đã viết được một cuốn sách dài 900 trang nói về gia đình mình cũng như về cuộc sống nói chung.

Gia đình Oliver Stone rất khá giả cho đến một ngày cha ông bị phá sản và không đủ điều kiện cho ông đi học đại học. Cha mẹ ông ly hôn. Oliver phải tự kiếm sống. Ông học đại học Yale 1 năm thì bỏ học và quyết định sang Việt Nam dạy tiếng Anh, toán và lịch sử cho người Việt và người Trung Quốc tại Sài Gòn. Sau 6 tháng, Oliver sang Mexico và bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết Giấc mơ đêm của một đứa trẻ (A Child’s Night Dream) dựa trên những trải nghiệm của ông về Đông Nam Á. Ông quay lại Yale để học nhưng vì dành quá nhiều thời gian và tâm huyết cho quyển sách nên một lần nữa ông bị đuổi khỏi trường. Quyển sách cũng không được bất cứ nhà xuất bản nào chấp nhận. Quá thất vọng, Oliver quăng nửa bản thảo xuống dòng sông Đông. Và năm 1976 được coi là bước ngoặt định mệnh khi ông quyết định thay đổi số phận mình bằng cách tham gia quân đội Mỹ tại Việt Nam, trực tiếp chiến đấu ở biên giới Campuchia.

Ra đi với khao khát được phục vụ cho tổ quốc và bảo vệ quyền con người, sau 15 tháng trên chiến trường, Oliver mới nhận ra rằng tham gia chiến tranh là điều ngu xuẩn nhất. Không ai ở đó muốn chiến đấu, họ chỉ muốn sống sót để trở về. Rất nhiều ngôi làng tươi đẹp bị thiêu rụi chỉ trong nháy mắt; vô vàn người bị giết chết một cách phi lý. Oliver, sau khi trở về với cả thương tích và chiến tích, đã vô cùng ân hận, nuối tiếc về những gì mình và nước Mỹ đã gây ra. Ông quyết định làm lại cuộc đời và bắt đầu viết kịch bản phim từ những hồi ức về chiến tranh Việt Nam.

 

Platoon – Điểm đầu của một tam giác “Vàng”

 

Platoon là tác phẩm tâm huyết nhất của Oliver. Kịch bản là lời kể lại của một trung đội lính Mỹ đóng quân tại biên giới Việt Nam – Campuchia thông qua những dòng nhật ký của anh chàng binh nhì Chris Taylor. Từ lý tưởng ban đầu là cống hiến cho tổ quốc chống lại kẻ thù, Chris đã dần dần thấy rõ mặt trái của cuộc chiến thông qua những xung đột nội bộ âm ỉ đến vỡ tung trong trung đội của anh. Có những cái chết không đáng chết; có những cái chết do mũi súng quân địch; có những cái chết do quân ta bắn nhầm quân ta; và thậm chí có cả những cái chết do chính chủ tâm của đồng đội. Trung sĩ Barnes đã lạnh lùng bắn hạ trung sĩ Elias chỉ vì mâu thuẫn trong quan điểm: “tàn sát dân thường” hay “không tàn sát”. Trung đội lính Mỹ trong phim như đang lạc vào một mê cung không lối thoát do chính họ bày ra và trong cơn tuyệt vọng, họ buộc phải giết chết lẫn nhau. Nói về một trung đội nhưng thực chất Oliver muốn ám chỉ cả cuộc chiến mà nước Mỹ đã gây ra trên mảnh đất Việt Nam, cho người Việt Nam và cho chính những người con của nước Mỹ.

Là một tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc nhưng Platoon đã phải nằm xó trong suốt 10 năm vì không ai muốn cấp kinh phí để thực hiện. Oliver đã phải chạy vạy rất nhiều nhà sản xuất, chấp thuận viết kịch bản những bộ phim khác để dựa vào sự thành công của những bộ phim đó mà các nhà sản xuất này sẽ quyết định xem có hỗ trợ kinh phí cho Platoon hay không. Thế nhưng số phận Oliver đen đủi, hẩm hiu một cách kỳ lạ. Các tác phẩm ông viết cho họ một là được giới phê bình đánh giá cao trong khi công chúng chẳng mảy may đoái hoài; hai là được lòng cả hai giới nhưng lại gặp khó khăn trong việc phân phối phim; và ba là thất bại nặng nề về mọi mặt. Oliver đã hai lần phải thế chấp nhà để có tiền tự sản xuất phim nhưng cũng không thành.

Cuối cùng, vận may hiếm hoi cũng đến với ông khi hãng sản xuất phim Hemdale cùng nhà phân phối Metro Goldwyn Mayer Orion Pictures quyết định cấp 6,5 triệu USD để thực hiện Platoon. Bộ phim quay trong 54 ngày ở Philippines để tiết kiệm chi phí. Đến giờ chót, Bộ quốc phòng Mỹ từ chối hợp tác thực hiện Platoon; may thay, quân đội Philippines lại đồng ý hỗ trợ cung cấp những khí tài quân sự. Và thế là tháng 12/1986, Platoon chính thức được ra rạp.

6,5 triệu USD quả là một số tiền quá ít ỏi cho một bộ phim đề tài chiến tranh; tuy nhiên, kết quả vượt cả sự mong đợi khi Platoon ngay lập tức được cả giới phê bình lẫn công chúng ca ngợi hết lời, đồng thời nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá, trong đó phải kể đến như: 4 giải Oscar, 8 giải Hàn Lâm cho bộ phim và đạo diễn tuyệt vời nhất năm 1986. Doanh thu 136 triệu USD mà Platoon thu về đã đưa nó lên vị trí một trong những bộ phim chiến tranh ăn khách nhất mọi thời đại. Hơn nữa, kênh truyền hình Channel 4 của Anh còn xếp Platoon vào vị trí thứ sáu trong 100 phim chiến tranh vĩ đại nhất.

Sau Platoon, Oliver Stone nhanh chóng trở thành nhà làm phim tầm cỡ. Từ đó ông tiếp tục viết và đạo diễn hàng loạt những phim khác, tập trung vào khía cạnh người Mỹ đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi chiến tranh Việt Nam khi làm thêm Born on the Fourth of July (Sinh ngày mùng 4 tháng 7), và Heaven & Earth (Trời & Đất) để tạo nên một bộ ba về đề tài này.

Sinh ngày mùng 4 tháng 7 nói về sự khủng hoảng của người cựu binh Mỹ khi trở về quê hương. Bộ phim này cũng đoạt giải 2 Oscar cùng nhiều giải thưởng khác. Trong khi đó, Trời và Đất lại dựa trên câu chuyện có thật của Le Ly Hayslip, một người phụ nữ Việt Nam có cuộc đời bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến. Tuy bộ phim thứ ba không đem về cho Oliver Stone thêm một giải Oscar nữa, thậm chí nó chỉ thu về chưa đến 6 triệu USD và được coi là bộ phim khép lại chủ đề chiến tranh Việt Nam của Oliver, thế nhưng sự gặp gỡ với Le Ly lại mang tới cho Oliver một cơ duyên mới – đó là cơ duyên với nhà Phật.

Triết lý của Oliver Stone

Cha của Oliver Stone là người Mỹ gốc Do thái còn mẹ ông là người Pháp theo đạo Thiên chúa giáo. Khi còn nhỏ, ông được nuôi dạy trong môi trường Tân giáo nhưng luôn nghĩ mình theo đạo Tin lành. Phải tới lúc đến Việt Nam, thấy cảnh người người đi lễ chùa, gặp gỡ với Le Ly, và sau đó là thực hiện bộ phim Trời và Đất tại Thái Lan, giờ đây Oliver Stone mới tự nhận mình là một tín đồ của Phật giáo Tây Tạng.

“Vẻ đẹp của một người phụ nữ, Le Ly, là một câu chuyện có thật. Cô ấy có thể tha thứ cho những người từng là kẻ thù để vượt qua nỗi đau của mình. Tôi nghĩ đó là một kết cục tuyệt vời” – Oliver Stone nói.

“Tôi đã thấy chùa chiền ở Việt Nam từ khi tôi 19 tuổi. Khi sang Thái Lan làm phim, tôi thấy hàng ngàn nhà sư đi khất thực vào mỗi sáng và tất cả mọi người đều chia sẻ thức ăn cho họ như thể các nhà sư là một phần cuộc sống của họ. Tôi cảm nhận được sự hòa thuận và cao quý trong xã hội ấy. Đó không giống như những gì ở Mỹ. Tôi nghĩ chúng ta sống với nhiều lớp và lớp quan trọng nhất là linh hồn; tuy nhiên, chúng ta đã để những lo toan tầm thường của cuộc sống che mờ mắt”.

“Tôi đã trải qua nhiều bất hạnh, đen đủi lẫn may mắn, thất bại lẫn thành công và luôn nghĩ mình kém cỏi hơn người khác. Tuy nhiên, giờ đây tôi đã có thể lùi xa bể khổ. Tôi có thể chấp nhận tất cả những điều ấy cùng tồn tại song song. Việc này giúp tôi ít bị trăn trở, dằn vặt bởi cái gọi là sự may rủi của số phận... Tôi không còn cảm thấy cần thiết phải lấy công việc để làm thước đo của cuộc đời mình nữa. Nếu lúc nào cũng so sánh với người khác thì sẽ không bao giờ có sự thanh thản trong tâm hồn. Tôi hướng sự tập trung vào linh hồn thay vì thể xác. Trên thực tế, lần đầu tiên trong đời, giờ đây tôi không cảm thấy mình buộc phải sáng tác như ngày trước nữa mặc dù tôi vẫn có thể làm nếu như tôi muốn. Tôi hy vọng rằng những bộ phim tôi thực hiện sẽ phản ánh những gì tôi trải nghiệm trong cuộc sống. Khi tôi trưởng thành hơn trong nhận thức, những bộ phim ấy cũng trưởng thành theo, trở nên tinh túy hơn và sâu lắng hơn”.

 

 Tổng thống Venuezuela Hugo Chavez và Oliver Stone

Những chủ đề gai góc gây tranh cãi của Oliver Stone

 

Các bộ phim của Stone thường xuyên bị chỉ trích vì ủng hộ các giả thuyết lịch sử gây nhiều tranh cãi. Một ví dụ điển hình là bộ phim JFK đã lật lại vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy khi đặt ra giả thuyết về sự can dự của rất nhiều viên chức chính phủ cấp cao của Hoa Kỳ vào vụ ám sát. Bên cạnh đó, bộ phim Nixon do Stone thực hiện năm 1995 cũng bị chỉ trích về cách mô tả tổng thống Mỹ Richard M. Nixon thiếu sát thực và mang nặng ý chí chủ quan. Oliver Stone một lần nữa bị phản đối nặng nề vì đã dựng nên chân dung vị hoàng đế Hy Lạp vĩ đại Alexander năm 2004 như một người đồng tính luyến ái. Ngoài những tranh cãi xung quanh các bộ phim về đề tài lịch sử, Stone còn bị chỉ trích vì đã thực hiện bộ phim Sát nhân bẩm sinh (Natural Born Killers) mang đậm tính bạo lực.

Bất chấp những chỉ trích xung quanh những bộ phim của ông, thực tế cho thấy là Oliver Stone nhận được sự đồng thuận của nhiều tổng thống để làm phim về họ cũng như các vấn đề chính trị nóng bỏng. Đơn cử như vào năm 2003, ông đã phỏng vấn Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong ba ngày để thực hiện hai cuốn phim tài liệu, Persona Non Grata về cuộc Xung đột Israel-Palestine và Comandante về Chủ tịch Fidel Castro. Năm 2007, Oliver Stone cũng đã nhận được sự đồng ý của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad để làm một bộ phim tài liệu về vị tổng thống này. Năm 2009 Oliver hoàn thành bộ phim tài liệu về vị Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela mang tên Biên giới phía Bắc. Ông hy vọng bộ phim sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về một vị lãnh đạo có ý chí thép đáng ngưỡng mộ nhưng lại bị nhạo báng một cách sai lệch như một tên hề. Nhân tiện đó, ông cũng lên tiếng chỉ trích hệ thống điều hành dưới quyền của Tổng thống Barack Obama rằng họ đã không làm gì để cải thiện quan hệ giữa Mỹ với Chavez cùng các nước đồng minh Mỹ Latinh. Vào tháng 5/2010, Oliver Stone hành trình tới Mỹ Latinh để quay những thức phim về Ecuador, Brazil, Bolivia, Paraguay, và Argentina. Bộ phim tài liệu này vừa được ra mắt tại một vài thành phố của Mỹ và Châu Âu.

 Hồng Đào

Nguồn:

Tin mới