Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ô tô mất phanh khi đang di chuyển, cần làm những gì?

(VTC News) -

Nếu chẳng may ô tô bị mất phanh, tài xế cần rất sức bình tĩnh sử dụng phanh tay hoặc phanh số, trường hợp khẩn cấp hãy tìm một điểm va chạm để dừng xe.

Nếu nắm được kỹ năng xử lý nhanh khi ô tô bị mất phanh sẽ giúp người lái giải quyết tình huống hiệu quả.

Các dấu hiệu ô tô mất phanh

Để kịp thời khắc phục tình trạng ô tô bị mất phanh, tài xế cần lưu ý các dấu hiệu nhận biết cơ bản sau:

Đạp phanh bị hẫng: trong trường hợp lái xe có cảm giác hẫng chân khi đạp chân phanh, đó chính là hiện tượng bị mất áp suất dầu phanh.

Đạp phanh không nhả (bó phanh): Dấu hiệu này cho thấy lò xo kéo hoặc lò xo hồi vị các má phanh bị hỏng, kẹt xi lanh bánh xe, xi lanh tổng phanh bị hỏng, hoặc ô tô mất phanh do các thao tác sai của tài xế như phanh tay điều chỉnh sai, hành trình của chân phanh không đúng…

Đạp phanh thấy nặng: Hệ thống phanh trên các dòng ô tô hiện đại thường dùng trợ lực chân không để giảm vất vả cho người lái khi đạp chân phanh. Do đó, nguyên nhân gây đạp phanh thấy nặng có thể do trợ lực phanh bị hỏng.

Đạp phanh hết cỡ nhưng xe không dừng: Trường hợp này thường xảy ra với các dòng ô tô trang bị phanh tang trống. Tình trạng này thường do cần đẩy piston xi lanh chính bị cong, thiếu dầu hoặc má phanh quá mòn.

Đạp phanh có tiếng kêu ken két: Tài xế khi đạp phanh thường xuyên nghe thấy tiếng kêu có thể là dấu hiệu cho thấy má phanh bị mòn, cần thay thế.

Cách xử lý ô tô bị mất manh là phải hết sức bình tĩnh. (Ảnh minh họa: Vietnamnet).

Cách xử lý nhanh khi ô tô mất phanh

Giữ bình tĩnh: Khi gặp tình huống ô tô mất phanh, giữ bình tĩnh là yếu tố quan trọng tiên quyết. Sự hoảng loạn, luống cuống khi phát hiện xe ô tô bị mất phanh chỉ khiến lái xe không thể xử lý mọi chuyện một cách chính xác. Chỉ cần người lái giữ sự chủ động thì cơ hội cho người xung quanh đã cao hơn rất nhiều.

Tuyệt đối không tắt máy: Khi ô tô bị mất phanh tuyệt đối không tắt máy xe bởi điều này đồng nghĩa tắt trợ lực vô lăng. Lúc này, người lái không thể điều khiển xe trong khi đang di chuyển ở tốc độ cao dẫn tới mất kiểm soát, xe sẽ rơi vào trạng thái chạy tự do theo quán tính, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Quan sát và bật đèn cảnh báo khẩn cấp: Ngay khi nhận thấy ô tô mất phanh, tài xế cần bật đèn cảnh báo đồng thời quan sát diễn biến phía trước và sau xe để tránh gây va chạm. Trong trường hợp trên xe có người ngồi ghế phụ hoặc ghế sau thì nên báo hiệu cho các phương tiện khác bằng cách hét to, vẫy khăn...

Thử phanh khẩn cấp: Nếu xe được trang bị hệ thống phanh khẩn cấp, tài xế hãy sử dụng để xử lý ô tô bị mất phanh. Lưu ý tài xế nên kéo phanh khẩn cấp nhẹ nhàng, từ từ nhưng đủ lực. Việc kéo phanh khẩn cấp quá mạnh, quá nhanh có thể làm khóa bánh, gây hiện tượng trượt, mất lái.

Thử đạp phanh liên tục: Dù xe ô tô bị mất phanh, nhưng tài xế vẫn nên thử đạp phanh liên tục vì có thể xe chỉ bị mất áp suất dầu phanh tạm thời. Nếu đạp phanh liên tục có thể giúp lấy lại được áp suất dầu phanh.

Ngoài ra, nếu đạp phanh mà bàn đạp bị cứng, không thể đạp hết hay đạp sâu thì nguyên nhân ô tô mất phanh có thể do vật cản như chai nước, vỏ hộp rơi vào phần bàn đạp, hoặc vướng thảm sàn. Khi đó, tài xế chỉ cần dùng chân đá vật cản ra và xe trở lại bình thường.

Sử dụng phanh tay: Ngoài phanh chân, ô tô còn được trang bị hệ thống phanh tay. Phanh tay được thiết kế để sử dụng khi xe dừng hẳn, nhưng trong trường hợp khẩn cấp vẫn có thể dùng phanh tay để tạo lực hãm.

Tuy nhiên, nếu tài xế sử dụng phanh tay để xử lý nhanh khi ô tô mất phanh cần lưu ý chỉ áp dụng khi xe đang chạy ở tốc độ rất thấp. Sử dụng phanh tay khi xe đang chạy ở tốc độ cao có thể khiến xe bị khóa bánh, mất độ bám, bị trượt dài trên đường, dẫn tới các tình huống nguy hiểm như mất lái, xe bị văng. 

Bên cạnh đó khi kéo phanh tay, lái xe nên chú ý dùng đủ lực, không được quá nhanh hay quá mạnh, kết hợp phanh theo ngưỡng, vừa phanh vừa thả và chú ý nếu thấy xe có dấu hiệu mất lái thì nên nhả phanh tay ra ngay.

Chuyển về số thấp khi xe ô tô bị mất phanh: Một cách xử lý khác khi ô tô bị mất phanh hiệu quả là tận dụng phanh động cơ bằng việc chuyển xe về số thấp. Đối với xe hộp số tự động, người lái chỉ cần chuyển sang chế độ bán tự động, chế độ số thấp hoặc chuyển số qua lẫy chuyển số trên vô lăng. Với xe hộp số sàn, người lái chỉ cần chuyển cần số về số 1 hoặc 2.

Tuy nhiên, nếu xe đang chạy tốc độ cao đột ngột bị ép về số thấp có thể khiến xe bị vỡ máy, làm phá hủy hệ thống truyền động. Do đó, lái xe không nên cho xe về số thấp ngay từ đầu. Thay vào đó, lái xe nên chuyển số theo từng cấp hoặc 2 cấp, chẳng hạn xe đang ở số 5 thì có thể về số 4 hoặc 3, khi xe ổn định hơn thì tiếp tục về số 2 hoặc số 1.

Đánh võng nếu có thể: Nếu có khoảng trống đủ an toàn, hãy cho xe lượn từ trái sang phải và ngược lại để tăng lực cản và nhờ đó giảm tốc. Tuy nhiên không nên làm ở tốc độ cao bởi có thể lật xe.

Dùng vật cản giảm tốc: Hãy cân nhắc kỹ tốc độ trước khi quyết định dùng phương án nào, đặc biệt ở tốc độ cao. Dùng dốc để hãm tốc độ cần chú ý đỉnh dốc và sẵn sàng sử dụng phanh tay. Có thể dùng con lươn giữa đường hoặc dải phân cách. Nếu xuống dốc hãy lái sang hướng ta-luy dương để sẵn sàng đâm khi có thể.

Chủ động va chạm để xử lý ô tô bị mất phanh: Khi xe ô tô bị mất phanh, người lái nên cố gắng đưa xe vào các con đường vắng, đường gồ ghề, nhiều sỏi đá… để xe giảm tốc hoặc kết hợp dùng cách đánh võng.

Trong trường hợp bất khả kháng, tài xế có thể lựa chọn cách xử lý cuối cùng là đâm xe vào vật cản để xe dừng lại, chú ý quan sát chọn các vật cản như bụi cây, vũng nước, dải phân cách, cho xe lao xuống ruộng…tránh các khu dân cư đông đúc, nhà cửa.

PHẠM DUY (tổng hợp)

Tin mới