Khoản 1 Điều 72 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định việc vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô phải chấp hành một số quy định sau:
- Hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng và chằng buộc chắc chắn;
- Khi vận chuyển hàng rời phải che đậy, không để rơi vãi.
Theo đó, việc xe chở vật liệu không che chắn và làm rơi vãi vật liệu ra đường là hành vi vi phạm quy định trong việc vận chuyển hàng hóa bằng ô tô.
Điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô:
- Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy;
- Hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi.
CSGT Công an TP Hà Nội trong một lần ra quân xử lý xe chở vật liệu xây dựng không che đậy, làm rơi vãi ra đường. (Ảnh: Ngô Nhung)
Theo quy định trên, người điều khiển ô tô chở vật liệu dù có mui hoặc bạt che đậy hay không thì vẫn bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi người đó chở vật liệu làm rơi vãi ra đường.
Lưu ý: Đối với hành vi vi phạm làm rơi vãi vật liệu ra đường, người điều khiển xe ô tô chở vật liệu không bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe. Tuy nhiên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh việc bị phạt tiền, người điều khiển xe chở vật liệu còn bị áp dụng dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 6 Điều 20 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
- Buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
- Nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.