Khi nói về việc "ông chủ" Flappy Bird Nguyễn Hà Đông phải nộp thêm thuế, theo luật sư Nguyễn Danh Huế (công ty luật Bắc Nam, Đoàn luật sư TP Hà Nội), ở Việt Nam mức thuế thu nhập áp dụng cao nhất là 35%, còn ở Đan Mạch thuế suất cao nhất gần 57%.
Trước đó, cộng đồng xôn xao về việc Tổng cục Thuế đã có công văn hướng dẫn Cục thuế Hà Nội về việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Hà Đông. Theo nhiều người, số thuế mà ông Nguyễn Hà Đông sẽ phải nộp sẽ cao hơn số tiền đã nộp trước đó.
Trong cộng đồng cũng có những ý kiến trái chiều về việc này, có người cho rằng Nguyễn Hà Đông là một người có tài cần khuyến khích, nhưng cũng có quan điểm cho rằng việc có thu nhập cao đóng thuế cũng là thế hiện trách nhiệm công dân với đất nước và đảm bảo công bằng trong xã hội.
|
Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của Flappy Bird từng kiếm "bộn" tiền. |
Để bạn đọc hiểu hơn về sự việc này cũng như hiểu hơn về chính sách thuế của các nước, PV có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Danh Huế, người có kinh nghiệm tư vấn đầu tư.
- Thưa luật sư, câu chuyện về Nguyễn Hà Đông, người đã có thu nhập khủng từ lập trình ứng dụng game trên điện thoại đã gây bão dư luận cách đây không lâu. Giờ lại nóng trở lại với việc đóng thuế thu nhập cá nhân. Luật sư có chia sẻ gì quanh chuyện này?Dư luận đang rất quan tâm đến việc nộp thuế của Nguyễn Hà Đông, tuy nhiên nếu nhìn vào bản chất của vấn đề thì có sự nhầm lẫn trong kê khai số liệu cho các khoản thu nhập của Nguyễn Hà Đông nên cơ quan thuế tiến hành tính lại thuế cho đúng với thực tế thu nhập chứ không phải là thu thêm. Đây là một việc rất bình thường để đảm bảo sự công bằng trong việc tính thuế cho các cá nhân nộp thuế
Có nhiều ý kiến bạn trẻ tỏ ra bênh vực Nguyễn Hà Đông, có những luồng dư luận cho là Nguyễn Hà Đông bị thiệt thòi. Từ góc nhìn pháp luật, quan điểm của luật sư như thế nào?
Có thể nói thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế tiến bộ mang tính nhân văn và đem lại nguồn thu lớn cho Nhà nước, người có thu nhập càng lớn thì mức đóng thuế càng cao. Thông qua loại thuế này thì khoảng cách giàu nghèo sẽ được giảm bớt đồng thời tạo ra sự công bằng hơn trong
xã hội. Chính vì thế việc Nguyễn Hà Đông có mức thu nhập cao và phải nộp thuế nhiều cũng nên được nhìn nhận là một điều hợp lý và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
- Được biết luật sư làm về lĩnh vực tư vấn đầu tư, luật sư có thể chia sẻ ở những nước phát triển họ đánh thuế và thu thuế nghiêm ngặt thế nào?Thuế thu nhập cá nhân là khoản thu rất lớn đóng góp vào nguồn thu của các nước trên thế giới. Ở Mỹ đây cũng là nguồn thu chính cho ngân sách và mọi công dân Mỹ đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Ở Đức thuế thu nhập cá nhân cũng chiếm đến 1/3 nguồn thu của Nhà nước, càng ở những nước phát triển thì mức thuế suất thu càng cao như Thụy Điển có mức thuế suất cao nhất lên đến 56,6%, Đan Mạch 55,38%, Anh và Hà Lan là 52%, Bỉ, Áo và Nhật Bản là 50%.
Tuy nhiên khi áp dụng cách tính thuế ở mỗi nước họ đều rất linh hoạt và rất nhân văn như xem xét đến gia cảnh cụ thể của người nộp thuế, cùng một mức thu nhập như nhau nhưng căn cứ vào hoàn cảnh của mỗi người sẽ tính thuế khác nhau, ví dụ như vợ chồng chưa có con sẽ phải nộp thuế thu nhập cao hơn vợ chồng đang nuôi con nhỏ...
|
Ls Nguyễn Danh Huế, (công ty luật Bắc Nam, Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
- Trở lại với câu chuyện Nguyễn Hà Đông, theo luật sư, việc tính thế sẽ tính thế nào mới phù hợp?Việc tính thuế thu nhập cá nhân của Nguyễn Hà Đông theo tôi được biết Tổng cục thuế đã có văn bản hướng dẫn Cục thuế Hà Nội, mức thu thuế cụ thể sẽ được xem xét dựa trên mức thu nhập thực tế của Nguyễn Hà Đông sau khi đã khấu trừ gia cảnh và trừ đi các chi phí hợp lý theo quy định của pháp luật. Với quy định về thuế thu nhập cá nhân năm 2015 thì người có thu nhập từ 960 triệu đồng một năm hoặc từ 80 triệu đồng một tháng thì mức thuế phải nộp có thể lên đến 35%.
- Theo luật sư, cần phải thay đổi nhận thức thế nào để mọi người dân nên coi nộp thuế là quyền lợi, sự tự hào, tự giác?Chúng ta ai cũng biết thuế gần như là nguồn thu duy nhất của Nhà nước nên để duy trì hoạt động của bộ máy Nhà nước, để xây dựng và bảo vệ tổ quốc thì mọi cá nhân, tổ chức đều phải nộp thuế. Để người dân tự giác và coi việc nộp thuế là quyền lợi và để họ tự hào khi nộp thuế thì các cơ quan Nhà nước cần phụng sự tốt nhân dân, phúc lợi xã hội phải được đảm bảo và không ngừng nâng cao, chi tiêu ngân sách phải hợp lý, minh bạch và người dân được tham gia vào việc giám sát chi tiêu ngân sách Nhà nước.
Nói cụ thể hơn là phải để người dân nhìn thấy được lợi ích thiết thực của họ từ việc nộp thuế. Ở các nước phát triển công dân của họ rất tự giác và tự hào khi nộp thuế cũng xuất phát từ việc chi tiêu ngân sách hợp lý và minh bạch, các vấn đề về giao thông, y tế,
giáo dục cũng như phúc lợi xã hội và chăm sóc người dân được đảm bảo rất tốt.
- Xin cảm ơn luật sư!Nguồn:
Infonet