Video: Hà Nội ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới, bầu trời mịt mù từ sáng tới trưa.
Từ tháng 11/2023 đến nay, rất nhiều ngày, tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội và các tỉnh miền Bắc ở mức xấu, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sức khoẻ người dân. Một lớp sương mù trắng đục và bụi mịn liên tục bao phủ Thủ đô.
Sáng 3/12, ứng dụng IQ Air liên tục xếp Hà Nội trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Có thời điểm ứng dụng này xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới.
Lúc 8h30 ngày 3/12, ứng dụng IQAir ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội cao thứ 3 thế giới với chỉ số ở mức 182, không tốt cho người nhạy cảm.
Lúc 11h cùng ngày, điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hiển thị chỉ số chất lượng không khí AQI là 160, mức không khí xấu. Từ 7h đến 12h, chỉ số này liên tục dao động ở mức xấu, cụ thể lúc 7h là 151, 8h hiển thị 162, 9h là 167, 10h là 165.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cảnh báo, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.
Theo ứng dụng PAM Air, lúc 12h30, AQI tại Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đo được là 186, tại Thư viện xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) là 198, có hại cho sức khoẻ. Đây là những điểm có chỉ số AQI ở ngưỡng cao.
Những địa điểm có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao lúc trưa nay 3/12, theo ứng dụng PAM Air.
Vì sao Hà Nội ô nhiễm không khí nặng?
Trả lời PV VTC News, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là từ chính các hoạt động của con người và thời tiết, khí hậu có tính chất tác động.
Theo phân tích của TS Hoàng Dương Tùng, trong và ngoài TP Hà Nội, nhiều cơ sở tái chế như tái chế nhôm, chì... không có hệ thống xử lý khí thải theo quy định bảo vệ môi trường. Họ sản xuất nhưng không tuân thủ quy định dẫn tới tình trạng ô nhiễm.
Bên cạnh đó, các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy dùng xăng, dầu cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường... là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
"Rất nhiều thời gian, một loạt các công trình tại Hà Nội được xây dựng và sửa chữa như đường, cầu, cống rồi các công trình xây dựng nhà ở nhưng lại bị lơ là chuyện che bụi bẩn.
Tình trạng đốt rác cũng xảy ra rất nhiều, đặc biệt các huyện ngoại thành do chúng ta quản lý không tốt nên rác cứ đốt. Thêm nữa là một năm hai lần thu hoạch lúa, người dân lại đốt rơm rạ", Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nói.
Lúc 7h ngày 3/12, khu vực quận Tây Hồ (Hà Nội) chìm trong lớp sương mù dày, không khí đặc quánh. (Ảnh: Ngô Nhung)
Cũng theo TS Hoàng Dương Tùng, một nguyên nhân nữa là do khí hậu, thời tiết. Cũng nguồn phát thải như thế nhưng những tháng mùa hè, nhiều ngày không khí rất sạch. Mặc dù bụi mịn PM2.5 thải vào không khí nhiều nhưng bị rửa trôi nhờ các cơn mưa, bão hoặc phát tán lên cao, đi các vùng khác nhờ các cơn gió mạnh.
Mùa đông, trời ẩm thấp, gió rất lặng nên bụi mịn luẩn quẩn dưới tầng thấp. Đó là đặc điểm của các tỉnh miền Bắc, trong đó có Hà Nội nên trong thời tiết mùa đông, rất nhiều ngày không khí bị ô nhiễm nặng.
Thực tế được TS Hoàng Dương Tùng chỉ ra, nhiều nước trên thế giới đã hạn chế giao thông cá nhân và xây dựng hệ thống giao thông công cộng như xe bus, tàu điện trên cao... Vì coi là nguồn phát thải ô nhiễm nên nhiều thành phố trên thế giới hạn chế xe máy, ô tô dùng xăng, dùng dầu và khuyến khích dùng xe điện.
Trên thế giới từng có thành phố trước đây chỉ số AQI thường xuyên ở mức cao nhưng nhờ cố gắng của chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp, chỉ số cũng cải thiện rất nhiều, đó là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ở Hà Nội, mức độ ô nhiễm không khí nhiều ngày qua quan trắc ở mức cao, đó là điều rất đáng lo ngại.
Ông Tùng cho biết thêm, trước những ngày ô nhiễm như thế, nhiều người cảm thấy rất khó chịu, đặc biệt qua các khảo sát tại các bệnh viện, tỉ lệ bệnh nhân tới khám liên quan tới bệnh hô hấp rất nhiều.
"Người dân trước hết phải tự bảo vệ mình, phải theo dõi thường xuyên các trang web hoặc các app có chỉ số AQI để biết khu vực mình ở, mức độ ô nhiễm không khí.
Không khí ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ, người dân cần hạn chế đi ra ngoài đường. Khi ra đường phải bịt khẩu trang loại chống được bụi mịn PM 2.5, trong nhà đóng cửa, ra ngoài đường về cũng phải rửa mắt rửa, rửa mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế", TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo.
Kiểm soát hoạt động phát sinh khí thải, bụi
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường mới đây đã phát đi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Điều này nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực TP Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hiển thị chỉ số chất lượng không khí AQI từ 7h đến 12h tại liên tục dao động ở mức xấu.
Cụ thể, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nêu, ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt… trong không khí rất lớn cũng góp phần ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5.
Ngoài ra, tình trạng người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng (đốt mở và phân tán) vẫn diễn ra rất phổ biến, thường xuyên trong nhiều năm mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù cho khu vực đô thị, dân cư tập trung.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là nguồn từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, khu vực công trình xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp).
Các địa phương cần yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Cục cũng đề nghị các đơn vị khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với các nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, xã và các đơn vị chức năng, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường. Thường xuyên kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chăn kịp thời các hoạt động đốt mở trên địa bàn.
Đồng thời, các địa phương cần có các giải pháp triệt để, tận thu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đính khác, hạn chế tình trạng đốt tại ruộng gây ô nhiễm môi trường; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.
Các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình phá dỡ, công trình xây dựng…).