Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ồ ạt bổ sung dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương nói gì?

Việc bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm nguy cơ thiếu điện, giảm công suất điện chạy dầu giá cao…

Nội dung được lãnh đạo Bộ Công Thương trả lời VTC News ngày 17/12 liên quan đến việc bổ sung vào quy hoạch nhiều dự án điện mặt trời, với tổng quy mô vượt nhiều lần so với mục tiêu Quy hoạch phát triển điện VII điều chỉnh.

Theo đó, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 18/3/2016 đặt mục tiêu phát triển điện mặt trời ở mức 850 MW vào 2020, 4.000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.

Bộ Công Thương cho biết việc bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo cung cấp điện. 

Bộ Công Thương cho biết tại thời điểm lập và phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh (năm 2016) chưa tính đến kịch bản phát triển bùng nổ điện mặt trời trong giai đoạn đến năm 2020 do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời được ban hành vào tháng 4/2017.

Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh thu hút các nhà đầu tư đề xuất nhiều dự án điện mặt trời bổ sung quy hoạch. Cụ thể, đến cuối 2018, Bộ Công Thương nhận được các đề xuất bổ sung 360 dự án điện mặt trời với tổng quy mô công suất khoảng 24.000 MW, đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 135 dự án với tổng công suất khoảng 10.400 MW.

Tính đến cuối tháng 6 năm nay có khoảng gần 4.500 MW điện mặt trời đã phát điện. Đây là tín hiệu cho thấy tính tích cực và hiệu quả do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ.

Theo Bộ Công Thương, việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ công khai, minh bạch. Đảm bảo phù hợp với các quy hoạch của địa phương, quy hoạch phát triển điện lực và hiệu quả đầu tư dự án.

Theo đó, quy hoạch dự án năng lượng tái tạo được đánh giá trên một số tiêu chí như tiềm năng nguồn năng lượng tại khu vực dự án đề xuất bổ sung quy hoạch; tính phù hợp của dự án đề xuất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc tránh sử dụng đất rừng (nhất là rừng tự nhiên), khu vực khai thác và dự trữ khoáng sản (như titan).

Đặc biệt, hiệu quả sử dụng đất của dự án đề xuất; sự thuận lợi của phương án đấu nối với hệ thống điện quốc gia, khả năng giải tỏa công suất dự án và năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Quá trình thẩm định cũng cần có ý kiến của địa phương và các bộ ngành về sự phù hợp quy hoạch địa phương (như đất đai, quy hoạch hạ tầng…), ý kiến của các bộ, ngành về sự phù hợp với quy hoạch các ngành như môi trường, giao thông, khoáng sản….

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu bổ sung quy hoạch điện mặt trời đã vượt quá so với mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tuy nhiên cũng cần thực hiện theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và phù hợp với cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ.

“Với trách nhiệm đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương nhận thấy trong bối cảnh phụ tải điện tiếp tục tăng cao, các dự án nguồn điện lớn tiếp tục chậm tiến độ, thiếu nước cho phát nguồn thủy điện thì việc bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện, góp phần giảm nguy cơ thiếu điện, giảm công suất điện chạy dầu giá cao…”, nguồn tin Bộ Công Thương cho biết.

Trong quá trình thẩm định bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo về việc quy mô công suất quy hoạch điện mặt trời đã vượt quá mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, việc có cho phép tiếp tục quy hoạch điện mặt trời thực hiện theo cơ chế khuyến khích để đáp ứng mục tiêu của chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia.

“Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc việc dừng bổ sung đơn lẻ dự án để rà soát các đề xuất bổ sung quy hoạch, tính toán tổng thể trong Quy hoạch điện mặt trời quốc gia”, đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

Quá tải lưới điện vì điện mặt trời phát triển quá nóng

Trong quá trình bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương xem xét bổ sung cả các dự án đường dây truyền tải, cấp 110 - 220 - 500 kV. Quy hoạch phát triển các nhà máy điện mặt trời và quy hoạch lưới điện đấu nối, giải tỏa công suất các nhà máy được phê duyệt đồng bộ với nhau.

Tuy nhiên thực tế các dự án điện mặt trời triển khai rất nhanh trong thời gian qua để được hưởng mức giá 9,35 Uscent/kWh trước thời điểm 30/6/2019. Có dự án chỉ làm trong 6 tháng, thậm chí 4 tháng đã xong. Trong khi đó, các dự án đường dây thường mất lâu hơn. Đường dây 110 kV mất tầm 2 năm từ chuẩn bị đầu tư tới lúc hoàn thành, đường dây 220 kV mất từ 2 - 3 năm và đường dây 500 kV mất từ 3 - 5 năm, nên đã có chuyện không đồng bộ giữa đường dây truyền tải với các dự án điện mặt trời.

Do còn vướng mắc về quy định pháp luật về xã hội hoá lưới điện truyền tải nên chỉ nhà nước đầu tư lưới điện truyền tải mà chưa có điều kiện huy động nguồn vốn đầu tư từ xã hội (tư tư nhân, nước ngoài,..) nên tiến độ đầu tư lưới điện truyền tải còn chậm, chưa theo kịp tiến độ đầu tư nguồn điện. 

Việc không đồng bộ giữa nguồn và lưới dẫn đến tình trạng một số nhà máy điện mặt trời không phát được hết công suất do các công trình lưới điện đấu nối giải tỏa tương ứng chưa hoàn thành.

Hoàng Hưng

Tin mới