Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nuôi rắn thu tiền tỷ

Khoảng chục năm trở lại đây, người làng Bạch Xá (xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) nổi danh với nghề nuôi rắn.

Khoảng chục năm trở lại đây, người làng Bạch Xá (xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) nổi danh với nghề nuôi rắn. Rắn nuôi bán được quanh năm đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm giàu cho vùng quê vốn chỉ trông vào cây lúa nước.

Cách thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, làng Bạch Xá khá dễ tìm vì ngay gần đường quốc lộ. “Đường làng không còn lầy lội mỗi khi mưa xuống nữa vì bê tông hóa cả rồi, dân làng này bao lâu nay có tiếng là làm kinh tế giỏi” vừa dẫn phóng viên về làng, anh Tạ Văn Khung (Chủ tịch hội nông dân xã) vừa tâm sự. Nghề nuôi rắn đã trở thành mô hình trang trại của hơn 300 hộ dân trong xã, mỗi hộ có từ 50 đến 100 chuồng nuôi đủ loại rắn: hổ mang, rắn phì, cạp nong, cạp nia... Hàng năm mỗi hộ có thể thu lãi 15 triệu đồng cho một chuồng với đồng vốn chỉ bằng một phần ba. Anh Khung không khỏi tự hào khoe: “Nghề nuôi rắn trở thành nghề chủ lực của người dân Bạch Xá chúng tôi đấy”!


Nuôi thử thu lãi cao

Đến thăm nhà ông Nguyễn Khắc Thư một trong những người dân đầu tiên trong làng làm nghề nuôi rắn tính đến nay đã được 20 năm mới thấy công sức người nông dân bỏ ra không hề uổng phí. Ngoài một trang trại rộng lớn với 50 chuồng rắn đủ các loại ông còn kết hợp nuôi thêm hàng trăm con vịt để lấy mồi thừa cho rắn ăn và có thêm nguồn thu phụ.

Giá bán rắn khá cao so với các loại vật nuôi khác, rắn phì thu được 800 nghìn đồng/kg, rắn hổ trâu thu được 1 triệu đồng/ kg, giá trứng khoảng 50 đến 120 nghìn đồng/trứng, da rắn lột thường xuyên được các hiệu thuốc đông y hỏi mua với giá cao. Rắn có thể bán quanh năm nên trung bình một năm, mỗi hộ dân như gia đình ông Thư có thể thu được 500 triệu đồng tiền lãi, một khoản tiền lớn khó có được đối với nông dân nếu chỉ trông vào ruộng lúa, đàn gà.

Khi được hỏi con đường đến với nghề, ông Thư tâm sự: “Trước đây, làng này nhiều người làm nghề bắt rắn mang bán cho các nhà thuốc hoặc bán sang biên giới vì giá rắn rất cao. Ngày đấy rắn trong tự nhiên còn nhiều, bán không hết có khi thả đi hoặc để chết. Thấy uổng phí quá, một vài người làng trong đó có tôi thử nuôi vài con rắn để chờ bán”.

Mới đầu, ông Thư chỉ nuôi một vài con rắn hoang, sau thấy rắn dễ ăn, dễ lớn ông quyết định làm một đến hai chuồng thử nghiệm. Chuồng rắn làm cũng không quá khó với bốn bên tường gạch xây cao hơn đầu người bên trên bịt kín lưới sắt. Vào mùa đông có thêm lớp vải bạt phủ trên và lớp chăn bông lót ổ cho rắn, nguyên vật liệu chỉ mất khoảng 300 đến 500 nghìn đồng. Vậy là từ một vài con rắn “bán ế” đó ông Thư thu được chuồng rắn bán được cho lãi xuất gấp ba lần.

 
Song con giống trong tự nhiên ngày một ít đi. Ông cùng vài người dân trong xã tìm cách tự gây giống rắn bằng cách làm chuồng ấp nở cho rắn. Loài vật sống hoang dã không dễ như vật nuôi đã thuần hóa. Nhiều lần trứng hỏng hay rắn vừa nở đã chết, ông Thư biết cân bằng giữa nguồn nhiệt, độ ẩm là điều kiện đảm bảo tạo nên nguồn rắn giống. Từ sự kiên trì, chịu khó tìm tòi đến nay gia đình ông Thư đã có hai chuồng rắn giống phục vụ đủ cho nhu cầu chăn nuôi của gia đình cũng như kinh doanh thu lãi. Nuôi rắn đã trở thành nghề chính của gia đình ông Thư bên cạnh mô hình vườn ao chuồng quen thuộc.

Nuôi rắn dễ mà khó

“Nuôi rắn dễ thì rất dễ mà khó thì rất khó”, vừa dẫn phóng viên đi thăm chuồng rắn ông Thư vừa tâm sự. “Mới đầu tôi nuôi như rắn hoang một vài con thì thấy ổn nhưng khi đã thành chuồng trại mới nảy sinh nhiều vấn đề. Đầu tiên là bệnh tật, rắn sống trong chuồng tối nhưng phải khô và thoáng mát. Nếu quá ẩm hay bịt kín để hấp hơi rắn dễ bị ghẻ. Một con bị sẽ lây ra cả đàn lúc ấy rất khó chữa”. Rút kinh nghiệm từ những gia đình cùng làng xây chuồng bịt kín gạch tuy ấm về mùa đông nhưng ẩm ướt về mùa hè.

 
Ông Thư làm chuồng rắn hở, chỉ bịt lưới sắt và vải bạt vừa tiết kiệm nguyên vật liệu vừa phòng bệnh ghẻ cho rắn vào những ngày nóng bức. “Nhưng cũng có cái khó vì rắn rất sợ lạnh, lạnh quá là chết hàng loạt. Mùa đông tôi phải mua nhiều chăn bông trải dưới và đắp trên, vào ngày đại hàn phải úm bóng điện giữ ấm cho chúng”. Vừa làm vừa học hỏi trên sách báo, ti vi… ông Thư rút kinh nghiệm, từng lứa rắn ngày một nặng cân và ít con bệnh hơn.

Việc cho rắn ăn cũng không phải dễ, theo ông Thư cho biết rắn ăn ít, mồi cũng đơn giản thường là nhái, chuột… Tận dụng mồi từ đàn vịt nuôi như trứng hỏng, vịt con chết đều có thể nấu chín băm nhỏ cho rắn ăn. Tay thoăn thoắt băm mồi cho rắn, ông kể: “Nhưng giống rắn chăm cho ăn quá cũng chết, một tuần rắn chỉ ăn hai bữa. Trời ấm rắn ăn nhiều, nhanh tiêu, càng lạnh càng ăn ít. Xưa tôi thường bắt nhái, chuột làm mồi nhưng thấy mất thời gian nên nuôi vịt để tận dụng mồi thừa lại có thêm nguồn thu phụ”. Việc nuôi thêm đàn vịt cũng giúp ông bảo đảm nguồn thức ăn không sợ rắn mắc bệnh.

Bởi không giống nhiều loại vật nuôi khác, bệnh của rắn khó phát hiện và khó chữa. Muốn thăm bệnh chỉ có cách xem phân chuồng theo kinh nghiệm. Nếu phát hiện ra bệnh phải trộn thuốc vào thức ăn cho cả chuồng, có khi một con bệnh mà hàng chục con phải dùng thuốc. Không may rắn chết hàng loạt thì coi như đồng vốn cũng không thu lại được bởi giá con giống đang ngày một tăng. Vào những ngày mùa đông, công việc của gia đình ông Thư có nhàn hơn, không cho rắn ăn thường xuyên cũng hạn chế mở chuồng nhiều để giữ ấm cho rắn đến tiết Thanh Minh là vào mùa thu mua nhiều.

Từ một vài hộ nhỏ lẻ nuôi rắn hoang rồi hình thành trang trại và chế biến thành phẩm từ rắn. Ở đây có hàng trăm người khởi nghiệp từ nghề nuôi và sống chết với con rắn. Đời sống của người dân thôn Bạch Xá đang ngày ngày thay da, đổi thịt. Dân làng có người kiếm tiền tỉ mỗi năm nên không lúc nào thôn hết tiếng còi xe vào làng. Với họ, loài bò sát này không còn gây nguy hại nữa mà trở thành vật nuôi giúp người dân có cuộc sống sung túc hơn.

Tạ Văn Khung (Chủ tịch hội nông dân xã Hoàng Đông) cho biết:

Nuôi rắn là mô hình kinh tế phát triển rất tốt ở xã Hoàng Đông nói chung và thôn Bạch Xá nói riêng. Hội nông dân đã tạo mọi điều kiện cho các hộ nuôi rắn phát triển. Một số gia đình nuôi rắn như ông Thư, ông Sự… đã giúp nhiều gia đình khác trong thôn phát triển mô hình kinh tế này.


Đinh Nha Trang

 


 

Nguồn:

Tin mới