Gia đình anh Lê Minh Long (43 tuổi, Hà Nội) có 2 cô con gái nhưng hôn nhân không hạnh phúc nên quyết định ly hôn sau hơn 10 năm chung sống. Sau đổ vỡ, anh quen biết với cô gái khác, dù chưa sẵn sàng cho cuộc hôn nhân thứ 2 nhưng vì cô gái đã mang thai nên đám cưới nhanh chóng được diễn ra.
Vốn là người đa nghi và để chắc chắn cái thai là con của mình, trước ngày cưới anh Long bắt vợ đi làm xét nghiệm ADN bào thai. Lúc cô đưa ra tờ giấy xét nghiệm chứng minh quan hệ huyết thống cha con, anh mừng rỡ vì mong bao lâu cuối cùng cũng có được cậu con trai.
Đứa trẻ chào đời, vợ chồng anh dù không hợp tính cách song cả hai vẫn luôn tìm cách dung hoà để gia đình êm ấm. Bỗng một ngày, khi con trai vừa tròn 5 tuổi, anh nghe những người xung quanh xì xào về đứa trẻ, bản tính đa nghi một lần nữa lại trỗi dậy.
Nhân viên giám định ADN. (Ảnh minh hoạ: Gentis)
Anh lên mạng tìm hiểu và biết có chuyện làm giả giấy xét nghiệm ADN. Nếu không có chuyên môn thì rất khó nhận ra tờ giấy đó thật hay giả.
Anh Long âm thầm mang mẫu móng chân, tay của hai bố con đi làm xét nghiệm ADN. Cú sốc lớn khi kết quả giám định cho thấy anh và đứa trẻ không phải bố con ruột.
Lúc này, người vợ mới quỳ sụp dưới chân anh van xin tha thứ. Cô ấy thú nhận đã nhờ những mối quan hệ quen biết ngụy tạo kết quả xét nghiệm bào thai.
"Bản thân tôi cũng chưa từng đi làm xét nghiệm ADN nên chưa hình dung tờ giấy kết quả hình thù ra sao. Khi vợ đưa và thấy có dấu đỏ, tôi vội tin. Không ngờ, 5 năm qua, tôi nuôi con của người khác", anh Long cay đắng.
Dù đứa trẻ không phải con ruột nhưng bao năm nay anh Long vẫn chăm sóc nó bằng tất cả tình cảm bố con ruột thịt. Bây giờ, chỉ vì cái gọi là huyết thống mà rời xa đứa trẻ, anh không đành lòng. Nhưng khi nghĩ về chuyện vợ lừa dối mình nhiều năm qua, anh không dễ dàng chấp nhận.
Theo Đại tá Hà Quốc Khanh, Trung tâm xét nghiệm Quốc tế Gentis, trong nhiều năm trong nghề, ông gặp không ít trường hợp làm giả kết quả như trên. Thậm chí từng có trường hợp kết quả giả đó mang danh trung tâm nơi ông công tác, được đóng dấu đỏ nhưng khi tra trên hệ thống trung tâm lại không có.
Trung tâm không chỉ kiểm soát kết quả bằng bản cứng gửi tới người đề nghị xét nghiệm mà còn lưu trữ kết quả trong 5 năm để đảm bảo việc tra cứu lại dữ liệu. Việc bảo mật kết quả tại từng trung tâm xét nghiệm là khác nhau. Điều này được thể hiện thông qua các chi tiết trên tờ giấy trả kết quả.
Chuyên gia xét nghiệm di truyền cũng nhận định, có thể người đàn ông quá nôn nóng chuyện con cái nên dễ dàng tin vào tờ giấy xét nghiệm vợ đưa. Nếu người đàn ông đó đích thân đưa vợ đi xét nghiệm và nhận kết quả từ trung tâm thì mọi chuyện được làm sáng tỏ sớm hơn.