Thông tin ngày 27/6 của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, mực nước các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng nhanh, cao hơn mực nước chết từ 7 đến 20m. Cùng với đó, việc huy động các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện than được đảm bảo đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu điện ở miền Bắc.
Cụ thể, lưu lượng về các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng nhanh; Khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ tăng nhẹ; Khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ so với hôm qua, mực nước các hồ nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành.
Hiện mực nước của hồ/lưu lượng nước về như sau: Hồ Thủy điện Lai Châu 290,6/6553m; hồ thủy điện Sơn La 183,3/817m; hồ thủy điện Hòa Bình 102,2/512m; hồ thủy điện Tuyên Quang 102,6/524m; hồ thủy điện Bản Chát 445,2/176,6m; hồ thủy điện Ialy 502.2/98,6m và hồ thủy điện Trị An 53.7/543m.
Đáng chú ý, một số hồ vừa, nhỏ, tràn tự do đã phải điều tiết nước lũ.
Mực nước hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng, cao hơn mực nước chết từ 7m đến 20m (Ảnh minh họa).
Tuy mực nước tại các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ đã tăng nhưng các hồ chứa lớn vẫn hạn chế huy động phát điện để dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo. Trong khi đó, lượng nước về hồ thủy điện khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.
Mặc dù vậy, đến thời điểm này vẫn còn một số hồ có mực nước thấp, phát điện cầm chừng như Thác Bà, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, Thác Mơ.
Dự báo trong 24 giờ tới, tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ khu vực Bắc Bộ giảm nhẹ ở mức cao; Khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tăng nhẹ; Khu vực duyện hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ, ở mức thấp.
Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), phụ tải toàn hệ thống điện ngày 26/6 đạt 763 triệu kWh, tăng 86,4 triệu kWh so với ngày 25/6. Trong đó miền Bắc ước khoảng 16.687,3 triệu kWh, miền Trung khoảng 77,9 triệu kWh, miền Nam khoảng 337,8 triệu kWh.
Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) vào lúc 15h30 đạt 38.461,6 MW. Trong đó, công suất đỉnh ở miền Nam đạt 17.892,3 MW vào lúc 13h30; ở miền Bắc đạt 16.687,3 MW vào lúc 15h30, ở miền Trung đạt 4.211,9 MW lúc 14h.
Trong ngày 26/6, tổng sản lượng huy động từ thuỷ điện khoảng 191 triệu kWh, (miền Bắc là 91,3 triệu kWh); Nhiệt điện than huy động 392,6 triệu kWh (miền Bắc 239,3 triệu kWh); Tuabin khí huy động 75,8 triệu kWh; điện năng lượng tái tạo đạt 60,9 triệu kWh, trong đó điện gió là 9,8 triệu kWh, công suất cao nhất lúc 16h00 đạt 856 MW, điện mặt trời Farm huy động 51,1 triệu kWh, công suất cao nhất lúc 11h30 đạt 6.849,4 MW. Nguồn điện dầu không phải huy động.
Nhiên liệu than đủ cho sản xuất điện. (Ảnh: Báo Công Thương).
Nguồn nhiên liệu than đủ cho sản xuất điện. Hiện các tổ máy sự cố trước đó đã đi vào vận hành trở lại, trong chiều 26/6, tổ máy S2 Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 bị sự cố bục ống sinh hơi, dự kiến sẽ được xử lý và khắc phục trong vòng 2-3 ngày.
Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường các nguồn điện, vận hành linh hoạt hồ chứa trong bối cảnh các hồ thủy điện gặp khó khăn; đôn đốc các nhà máy nhiệt điện tập trung ưu tiên xử lý sự cố các tổ máy; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung các nguồn điện năng lượng tái tạo cho hệ thống; tăng cường vận hành an toàn hệ thống truyền tải Trung - Bắc; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về tiết kiệm điện.