Mấy ngày qua chính quyền địa phương và bà con nông dân các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn và Măng Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long tất bật triển khai các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn.
Hầu hết các kênh mương nội đồng đều được bảo vệ, không để nước mặn xâm nhập vào cánh đồng.
Khác với mấy năm trước, năm nay nước mặn đến sớm và bất ngờ nên công tác phòng chống gặp nhiều khó khăn.
Cũng như mỗi năm, năm nay chị Nguyễn Thị Đẹp xã Trung nghĩa, huyện Vũng Liêm làm đất xuống giống 1 ha lúa. Đến giai đoạn lúa phát triển chị Đẹp xả nước phèn trong ruộng ra, chuẩn bị lấy nước ngọt vào để chăm sóc lúa trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, sau khi xả nước ra chị nhận được thông báo từ ngành nông nghiệp địa phương: các cống ở ngoài đã được đóng lại không cho nước vào vì độ mặn trên sông đã vượt mức cho phép để lúa phát triển. Điều này có nghĩa là 1 ha lúa của chị sẽ thiếu nước trong thời gian tới.
“Tôi cũng bất ngờ vì đang cho nước ra để lấy nước vô để làm ngót nhưng ngoài cống Rạch Bàn báo rằng không cho nước vào nữa vì độ mặn cao quá...”, chị Đẹp than thở.
Các trạm đo độ mặn ở Vĩnh Long đặt tại khu vực nội đồng.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm, hiện tất các cống đập ngoài sông lớn và sông, rạch nội đồng có nguy cơ nước mặn xâm nhập ở huyện Vũng Liêm tiếp tục được đóng kín để giữ nước ngọt và ngăn không cho nước mặn tiếp tục xâm nhập.
Các xã tập trung đo độ mặn trong nội đồng để có những khuyến cáo phù hợp đến nông dân, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc lúa trong điều kiện thiếu nước, xâm nhiễm mặn. Độ mặn có chiều hướng tăng và tiếp tục đi sâu vào nội đồng theo nước triều đợt này.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp địa phương, độ mặn trên sông Cổ Chiên tại Vũng Liêm, độ mặn đo được từ 5,8- 8,2‰, đặc biệt tại vàm Mang Thít (giáp 2 huyện Vũng Liêm và Mang Thít) độ mặn xấp xỉ 5,8‰, vượt đỉnh mặn cao nhất 2016 là 0,3‰, trên sông Hậu tại vàm Tân Dinh (Tích Thiện- Trà Ôn) độ mặn 6,3‰, vượt đỉnh mặn 2016 là 1,4‰. Đây là những độ mặn sẽ gây chết lúa và hoa màu nếu để nước tràn vào nội đồng.
Nhằm hạn chế thiệt hại lúa và hoa màu, ngành nông nghiệp địa phương đã cho đóng tất cả các cống. Do vậy hầu hết các kênh mương nội đồng đều được bảo vệ, không để nước mặn xâm nhập vào cánh đồng.
“Năm nay, các mương tôi chuẩn bị đê bao riêng, các cống đã làm nấp đóng kính. Có những mương nhà nước làm có những cái là đê bao cá nhân. Mặc dù có đê bao nhà nước nhưng nếu có sự cố thì mình chết. Nên cần phải có đê bao cá nhân”, ông Trần Văn Của, một nông dân ở huyện Măng Thít cho biết.
Theo lãnh đạo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, 38 năm qua, chưa có năm nào tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn như những ngày qua. Theo quy luật nhiều năm, tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn từ tháng 2 đến tháng 5, cao điểm độ mặn cao nhất thường xuất hiện trong tháng 3, tháng 4.
Nước mặn đã về đến huyện Trà Ôn.
Nhưng trong những năm gần đây quy luật này biến đổi, mặn xâm nhập sớm hơn và độ mặn cao hơn. Cụ thể chưa có năm nào trong tháng 12 tại Cống Nàng Âm độ mặn cao 8,2‰, tại Vàm Vũng Liêm cao 6,6‰. Hiện nay, nông dân và các cấp chính quyền triển khai nhiều biện pháp phòng chống xâm nhập mặn để bảo vệ lúa và hoa màu.
“Hiện tình hình mặn đang diễn ra, nhưng bà con có biện pháp ngăn mặn tốt, xâng dựng cống đảm bảo. Đến thời điểm này tình trạng xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của bà con”, ông Ngô Minh Tấn, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm nói.
Ông Bùi Văn Nghiêm, Phó bí thư tỉnh Vĩnh Long cho biết, nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Long luôn công tác phòng chống xâm nhập mặn là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải kịp thời thông báo, chủ động tuyên truyền và phối hợp người dân khi sự cố xảy ra.
Trước mắt, rà soát tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch sản xuất thích ứng các tình huống kịch bản xảy ra. Bảo đảm nước cho người dân, ưu tiên sử dụng các giải pháp và kinh nghiệm của người dân. Tuyên truyền cho người dân sử dụng nước tiết kiệm, trữ nước và phải bảo vệ môi trường.
“Chúng ta nên rà soát, bổ sung kế hoạch xâm nhập mặn của tỉnh, từng địa phương đơn vị phải có kế hoạch riêng. Làm tốt công tác thông tin dự báo dài hạn và ngắn hạn để cập nhật thông tin, đặc biệt việc xây dựng kế hoạch sản xuất chuyển đổi mùa vụ sau cho nó phù hợp với tình hình hiện nay. Trước mắt các huyện đang bị ảnh hưởng như Vũng Liêm, Tam Bình, Trà ôn Măng Thít để chúng ta có kế hoạch đảm bảo…”, ông Bùi Văn Nghiêm nói.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo người dân dự trữ nước ngọt và tưới nước tiết kiệm cho cây trồng. Trong đó phát huy tối đa các túi chứa nước ngọt; tận dụng hệ thống ao, mương vườn trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất… Tỉnh Vĩnh Long cũng đang tập trung thực hiện và hoàn thành 83 công trình thủy lợi ứng phó hạn, xâm nhập mặn.
Đặc biệt, ngành chuyên môn tiếp tục theo dõi độ mặn xâm nhập tại các cửa sông để cập nhật thông báo kịp thời đến các địa phương, người dân chủ động ứng phó.