Nước dừa là loại nước uống thanh mát rất phổ biến, đặc biệt là trong mùa hè. Tuy mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nước dừa có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn với một số người. Dưới đây là những người không nên uống nước dừa.
Những người không nên uống nước dừa
Người bị bệnh tiểu đường
Nước dừa thường được sử dụng để thay thế cho các loại nước trái cây khác bởi nó chứa hàm lượng đường thấp. Một cốc nước dừa chứa 6,26 gam đường. Ngoài ra, loại nước giải khát này cũng cung cấp lượng calo khá lớn cho cơ thể, do vậy, những người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế tiêu thụ nước dừa.
Người bị bệnh huyết áp thấp
Nước dừa tác dụng làm giảm huyết áp rất tốt bởi nó bổ sung kali cho cơ thể, từ đó tăng cường quá trình đào thải muối (ion natri) qua hệ tiết niệu. Natri bị đào thải sẽ kéo theo nước, làm giảm thể tích tuần hoàn, huyết áp từ đó cũng sẽ giảm xuống một cách từ từ.
Tuy nhiên, với những người mắc bệnh huyết áp thấp, uống quá nhiều nước dừa có thể làm giảm huyết áp một cách đột ngột.
Nước dừa tốt nhưng không phải ai cũng uống được.
Người thận yếu
Nếu là người thận yếu thì tốt nhất nên kiêng món nước dừa vì đồ uống này rất lợi tiểu. Tiêu thụ nước dừa quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt giảm chất lượng giấc ngủ.
Người có tính âm và hàn
Trong Đông y, người có thể trạng âm hàn, chân tay hay bị lạnh nên tránh sử dụng nước dừa. Thức uống này có tính hàn, nếu uống nhiều sẽ dẫn đến mất cân bằng “âm dương”, ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất, làm đuối sức hoặc suy nhược cơ thể.
Bà bầu 3 tháng đầu
Nước dừa vốn là thức uống tốt cho bà bầu vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên bà bầu trong 3 tháng đầu không nên uống nước dừa bởi dễ khiến tử cung co bóp dẫn đến sảy thai.
Những người dễ mắc các bệnh dị ứng
Đối với một số người dễ bị dị ứng thực phẩm, nước dừa có thể gây ra những phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Ngoài ra, một số loại thực phẩm khi kết hợp với nước dừa sẽ gây nên nhiều tác dụng phụ có hại cho sức khỏe, như chocolate hoặc các loại hải sản.
Ngoài ra, sử dụng đá lạnh khi uống nước dừa cũng là một thói quen xấu. Bởi đá lạnh và nước dừa đều có tính hàn, khi kết hợp chung với nhau sẽ khiến cơ thể bị lạnh, dẫn đến tình trạng đau bụng, khó tiêu hoặc sốt nhẹ.
Người bị hội chứng ruột kích thích
Nước dừa cũng chứa nhiều carbohydrate có thể gây ra hoặc làm trầm trọng các triệu chứng tiêu hóa ở những người bị hội chứng ruột kích thích.
Người bị xơ nang
Theo các chuyên gia, xơ nang là bệnh di truyền gây tổn thương nghiêm trọng đến phổi, hệ tiêu hóa và các cơ quan khác trong cơ thể.
Xơ nang có thể làm giảm nồng độ muối trong cơ thể. Một số người bị xơ nang cần uống nước hoặc thuốc để tăng lượng muối (natri). Nước dừa chứa lượng natri còn thấp hơn nước lọc, nhưng lại chứa quá nhiều kali có thể làm giảm hơn nữa lượng muối vốn đã rất thiếu ở người bị xơ nang, theo chuyên trang y tế
Uống nước dừa vào thời điểm nào thì tốt?
Dừa và những loại quả nhiều nước đều có tính làm mát, nên việc sử dụng nước dừa tươi bất cứ lúc nào trong ngày đều tốt, nhưng uống đúng thời điểm sẽ tăng thêm lợi ích sức khỏe.
Thời điểm tốt nhất để uống nước dừa được khuyến cáo vào buổi sáng hoặc trưa sẽ tránh được tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Uống vào thời điểm này cũng tận dụng tối đa lượng vitamin và khoáng chất có trong nước dừa.
Uống trước và sau khi luyện tập thể thao, lao động nặng nhọc 30 phút. Trước khi luyện tập thể thao hay lao động nặng nên uống một ly nước dừa trước khoảng 30 phút. Bằng cách này sẽ giúp cơ thể dẻo dai, bền sức hơn. Sau khi tập luyện khoảng 30 phút, cũng nên nhâm nhi nước dừa bằng cách uống từng ngụm nhỏ. Lúc này nước dừa giúp bổ sung các chất điện giải bị mất trong buổi tập căng thẳng.
Tuy nhiên, cả những người khỏe mạnh cũng chỉ nên uống 3-4 trái/tuần, không nên uống liên tục trong nhiều ngày. Uống nước dừa không nên pha thêm đường, đá và các hóa chất khác. Khi vừa đi nắng về cần tránh uống nước dừa vì có thể bị say.
Trên đây là những người không nên uống nước dừa. Hãy uống nước dừa đúng cách để mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhé.