Chúng tôi theo chân các nữ lao công lúc nửa đêm về sáng, khi mà vụ việc xe ô tô "điên” tông chết nữ công nhân dọn rác trong lúc làm việc vẫn còn đang gây rúng động dư luận. Cái chết bi thảm của nữ công nhân xấu số này khiến nhiều người liên tưởng đến phận đời nhọc nhằn của những người lao công quét rác đêm khuya.
Nhiều rủi ro trong đêm đen
Công nhân dọn rác, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng ẩn chứa trong đó biết bao sự nhọc nhằn, vất vả. Tối muộn, không khó để bắt gặp hình ảnh những nữ công nhân nhỏ bé, tay cầm chổi cần mẫn làm việc khi phía sau lưng là những đoàn xe đang lao vun vút.
Để từng con đường, ngõ hẻm được sạch sẽ những người lao công phải vất vả ngày đêm. (Ảnh: Thy Huệ).
Nửa đêm, dọc theo các tuyến đường như Phú Lâm (quận 6), Quang Trung (quận 12), Xa lộ Hà Nội (quận 2), Điện Biên Phủ (quận 3)..., không khó để bắt gặp những người đang khoác trên mình bộ đồng phục của công nhân vệ sinh môi trường.
Chúng tôi theo chân chị Nguyễn Thị Mỹ Lan (50 tuổi, ngụ quận 12) - người phụ nữ đang cặm cụi một mình hốt từng đống rác. Dù đêm gió lạnh nhưng mồ hôi vẫn thấm rịn qua tấm lưng áo đã ngả màu. Thỉnh thoảng, chị lại ngồi bệt xuống đường nghỉ ngơi, uống vội ngụm nước rồi tiếp tục với công việc của mình.
“Tôi gắn bó với nghề này cũng được 27 năm. Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 22 giờ khuya là tôi bắt đầu công việc đến tận 4 giờ sáng. Cực nhọc nhất là vào những ngày lễ, lượng rác xả ra nhiều lắm. Nhiều khi vừa quét đằng trước thì phía sau người ta lại xả rác ra”, chị Lan kể.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung gắn bó với nghề dọn rác gần 3 năm. Mức lương 7 triệu đồng/tháng đủ để chị lo cho 3 đứa con học hành. (Ảnh: Thy Huệ).
Sau một ngày thành phố oằn mình với những hoạt động của con người, rác cũng dồn ứ và la liệt khắp nơi. Nhiều nữ lao công nhoẻn miệng cười nhẹ tênh nói rằng, nghề nào cũng có vất vả riêng. Nhưng cùng xuống đường với các chị chúng tôi mới cảm nhận được đằng sau nụ cười ấy là những vất vả, hiểm nguy trong đêm đen...
Tai nạn xảy ra như cơm bữa
“Nhiều khi thấy tôi đi tới, không biết vô tình hay cố ý, một số người còn quẳng cả túi rác vô người. Tôi quay sang nhắc nhở nhưng thậm chí còn bị người ta chửi lại.
Sau khi nghe về thông tin của một cô lao công quét rác ở Hà Nội bị xe tông chết thì tôi lại cảm thấy sợ, cứ nghe đến là nổi da gà. Cách đây một tháng, bạn cùng làm với tôi cũng bị xe đâm phải và qua đời, để lại vợ cùng đứa con thơ đang còn học dang dở”, chị Lan nghẹn ngào kể lại.
Chị Lan từng trải qua hai vụ tai nạn “thập tử nhất sinh”. Lần thứ nhất, chị bị nứt gót chân bên phải, gãy xương sườn số 7 và phải nghỉ hơn 1 tháng để điều trị.
Lần thứ hai, vào thời điểm cuối năm 2018, khi đang quét dọn trên đường, chị bị một chiếc xe lao từ phía sau tông tới, làm gãy đốt sống lưng số 2 khiến công việc của chị Lan bị trì hoãn trong thời gian khá dài.
Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ Tân Bình) tâm sự: “Tôi từng suýt chết dưới bánh xe tải cách đây 2 tháng. Lúc đó khoảng gần 24h, đang cúi lượm rác ở Xa lộ Hà Nội thì có một chiếc xe tải bất ngờ lao tới, rất may tôi thấy và kịp thời tránh được. Người tôi chỉ cách bánh xe tầm nửa mét. Sau vụ đấy, lúc nào tôi đi làm cũng phải dè chừng hơn”.
Làm nghề dọn rác, ai cũng từng vài lần trải qua cảnh "chết đi sống lại" dưới bánh xe. (Ảnh: Thy Huệ).
Có hôm, khi đang làm việc, chị Hiền gặp bị những kẻ hút chích ma túy đuổi theo xin tiền.
Chia sẻ về thu nhập từ nghề nghề quét dọn, chị Nguyễn Thị Thùy Dung (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Tiền lương mỗi tháng của tôi tầm 7 triệu. Trong đó, tôi dành ra 4 triệu để nuôi 3 đứa con ăn học. Hằng ngày, tôi đi làm từ 20h30 đến 4h. Công việc cũng nguy hiểm lắm, nhiều lúc xe chạy ẩu tôi phải né chứ người ta đâu tránh mình đâu”.
Tại các con hẻm vắng, những ống kiêm tiêm bị vứt bừa bãi lẫn với rác và tiềm ẩn mối nguy hiểm không nhỏ. Không ngần ngại, chị Dung nhặt những ống kim tiêm bỏ vào túi đựng riêng rồi tiếp tục với công việc của mình.
Đối với những người công nhân dọn rác đêm khuya, việc bị "xe điên" tông trúng trong lúc làm việc là chuyện "cơm bữa", không lạ lẫm gì. (Ảnh: Thy Huệ).
Tai nạn giao thông vẫn là mối lo thường trực đối với những người công nhân môi trường, ấy nhưng họ vẫn lặng lẽ với công cuộc mưu sinh của mình.
Dù đối mặt với nguy hiểm, khó khăn nhưng vì chén cơm, manh áo, họ luôn cố gắng chấp nhận, thích nghi để tiếp tục công việc thầm lặng mà cao cả là làm sạch đường phố.