Một “cụ” không đợi được đến ngày ghi kỷ lục
Vừa rồi một “cụ nghiến” qua đời bởi đá lăn khiến cho cái xóm Lấp nhỏ bé nằm ở giữa rừng già như cũng nhuốm màu tang tóc. Ai cũng tiếc thương cây như thể chính một người thân mới qua đời.
Tôi theo đội tuần tra bảo vệ rừng của xóm lên thăm quần thể 20 cây nghiến ngàn tuổi. Tuy chỉ phân bố ở độ cao từ 280-420m nhưng với độ dốc cực lớn 32% nên mặt người đi sau áp gót chân người đi trước, cứ thế vạch dây leo, bới lá cây mà nhích lên từng bước. Đến cây số 1 thì tôi đã có triệu chứng bị kiệt sức. Lỗ mũi, lỗ miệng, lỗ tai thi nhau thở, chân căng cứng, thân mềm nhũn. Đến cây số 2 rồi cây số 3 thì mắt tôi chợt hoa lên, miệng nôn nao, đất trời như xoay mòng mòng.
Ở phía trước, “nữ tướng” Hà Thị Hồng vẫn bình thản bước tiếp những bước chân rắn rỏi dù đã vào cái tuổi U60. Đã từ hàng chục năm nay, hành trình của tổ tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng của xóm Lấp do bà làm tổ trưởng đã nện hàng vạn, hàng triệu bước chân bào mòn cả đá núi. Trời mưa vắt nhiều như thể nong tằm, trời nắng muỗi nhiều như thể tổ ong cũng không làm cho họ chùn bước.
Dãy Hang Dơi được kết thành bởi một loại đá dễ phong hóa. Trời nắng, đá giãn nở để rồi gặp nước mưa thì nứt bở ra. Những tảng đá to như cái nhà, cái giường, cái tủ cứ thế lăn lông lốc, xô vào nhau, xô vào cây rừng, va đập vang động như thể sấm ngày hạ. Mùa mưa nào ở đây cũng có những trận mưa đá như vậy khiến cho những kẻ yếu bóng vía khiếp sợ không dám bén mảng dù là chỉ đến bìa rừng.
Đá xô có thể lăn nát nhừ người đã đành núi Hang Dơi còn không thiếu những tảng đá không chân luôn phục sẵn trong các bụi cây, trảng cỏ. Ngụy trang bằng vẻ ngoài lành hiền nhưng chỉ cần sơ ý đạp chân vào là hòn đá bỗng cục cựa, động đậy rồi cứ thế trượt đi, kéo băng băng nạn nhân phía sau xuống khe, xuống vực. Nhẹ thì thương tật mà nặng thì mất mạng như chơi. Trong một lần dẫm phải một hòn đá không chân như vậy bà Hồng bị chấn thương phải ở nhà cả tháng để bó thuốc.
Đoàn cứ mải miết đi. Thỉnh thoảng trên đường họ lại cúi xuống để nhặt những vỏ chai, túi nylon cho sạch sẽ rừng già hay hò nhau đẩy những cây đổ đi cho gọn lối. Chợt anh Đào Văn Thông - Trưởng Phòng hợp tác Quốc tế của Vườn Quốc gia Xuân Sơn dừng lại bên một gốc nghiến, lấy tay gõ nhẹ vào thân cây rồi dỏng tai nghe, mỉm cười với tôi: “Sức khỏe của “cụ” này vẫn tốt. Tiếng gõ còn đanh lắm chứ không bồm bộp bởi rỗng ruột bên trong”.
Cũng theo anh Thông, trong 4.300 ha rừng núi đá của Vườn đều có nghiến phân bố nhưng chỉ quần thể 20 cây của bản Lấp được vinh danh là cây di sản bởi tập trung nhất, ưu thế nhất và già nhất.
Nghiến chỉ phân bố trên núi đá nên có thời gian sinh trưởng chậm vào hàng kỷ lục so với “tứ thiết”. Từ lúc nảy mầm cho đến 5 tuổi mỗi năm cây thay vỏ 2 lần rồi sau đó là mỗi năm 1 lần. Đường kính của một cây nghiến dăm ba chục tuổi chỉ khoảng 10cm nên những thân nghiến có đường kính từ 1-1,8m như ở bản Lấp phải có tuổi đời trên dưới ngàn năm. Chúng có vô số u bướu ở trên thân. Mỗi đoạn ấy là một nơi tích chất dinh dưỡng giúp nghiến làm lành vết thương bởi cây trên núi thường xuyên chịu cảnh đá lở.
Một đời làm bạn với cỏ cây.
Chồng mất sớm, các con đi làm ăn xa nên suốt ngày bà Hồng thui thủi làm bạn với rừng cây, núi đá. Xóm bà được giao quản lý, bảo vệ 962,8 ha rừng tự nhiên trên núi đá. Trung bình 1 tuần đội bảo vệ rừng của xóm đi tuần 1 lần. Xa thì mất trọn ngày, gần thì mất trọn buổi, họ chia thành những tốp từ 5-10 người, dao cầm tay, nước và cơm nắm dắt lưng để tiện luồn rừng. Thành phần đội nam có, nữ có, trẻ có, già có (trưởng lão nhất là bà Hồng, năm nay 56 tuổi) do 53 hộ của xóm lần lượt cắt cử.
Tổ tuần tra khi về sẽ báo cáo lại với tổ trưởng để bà Hồng thông báo lại tình hình cho Vườn. 3 năm làm tổ phó, 2 năm làm tổ trưởng, chưa bao giờ bà Hồng cùng tổ bảo vệ của mình để mất một cây gỗ trong rừng.
Năm 2013 khi bà Hồng hãy còn là tổ phó, được cử đi tuần tra ở bản Suối Gà xã Mường Bang nơi có một xóm người Dao nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Thọ và Sơn La bỗng nghe tiếng cưa máy nổ lé xé trên núi. Tiếng cưa rất nhỏ nhưng cũng không thể lọt qua được đôi tai thính nhạy của những người chuyên đi rừng. Như những con báo, họ âm thầm lần trườn để tiếp cận mục tiêu. Mất hai tiếng vừa đi, vừa bò cuối cùng cả tổ đã phục kích được hai cha con nọ đang đốn gỗ bằng cưa lốc. Bị bất ngờ họ chỉ còn nước chấp nhận giơ tay chịu trói, đầu hàng.
Cả tổ quyết định đi đêm xuyên rừng áp giải lâm tặc trong ánh đèn leo lét từ điện thoại về đến xóm. Đại ngàn tối đen khiến cho những bước chân cứ vấp ngã dúi dụi. Cả tổ dựa vào nhau để mà đi. Về đến nơi, lâm tặc được tháo dây trói, được cho đồ ăn, cho chỗ nghỉ khiến họ vô cùng hối lỗi. Sau vụ đó, nhiều lâm tặc hễ nghe thấy cái tên đội bảo vệ rừng xóm Lấp là chợn.
Thù lao dành cho công việc bảo vệ rừng nào có nhiều nhặn gì, mỗi 1 ha một năm chỉ nhận được 95.000đ. Cả năm quản lý 962,8 ha rừng được 91 triệu đồng sớt đều cho cả xóm. Số để chấm công công cho người đi tuần, số để chia cho từng hộ. Cuối năm Tết đến nhờ tiền bảo vệ đám trẻ trong xóm có thêm manh áo mới, người già trong xóm có thêm lọ thuốc ho, hộp cao sao vàng. Vậy thôi…
Những thân nghiến đại thụ đứng sừng sững giữa rừng như những cột chống trời, có cây lớn đường kính lên tới 1,6-1,8m. Chúng giống như các cây ATM đặt giữa rừng già với những buộc tiền 500.000đ nhét chật trong két thế mà hàng chục năm nay không bị mất đi dù chỉ là một cái lá xanh, không sứt sẹo dù chỉ là vết dao đi nương bập vào. Trong các tổ bảo vệ rừng cộng đồng ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn có ba tổ do ba “nữ tướng” cầm đầu, ngoài bà Hồng ở xóm Lấp còn bà Tuyết ở xóm Lạng, bà Ước ở xóm Thang đều là những tổ xuất sắc. Với 1.500 thành viên, họ là những tai mắt, vệ tinh đang ngày đêm bảo vệ rừng.
Trưa ấy, chúng tôi dùng bữa giữa những tiếng mối mọt nghiến trèo trẹo trên vì kèo, khung cửa của nhà bà Hồng. Tiếng là sống giữa rừng, xung quanh toàn gỗ quý nhưng mấy mươi năm nay nhà bà cũng như mọi nhà dân trong bản chỉ toàn gỗ tạp. Tôi hỏi, sao không cải tạo nhà bằng gỗ tốt? Bà bảo rằng tấm lòng mình thẳng như cây nghiến trên rừng, không nghĩ được cong.
Rừng giữ cho con suối con khe đầy nước, rừng giữ cho những hòn đá không chân không lở xuống xóm làng, rừng giữ cho không khí mát lành, mùa màng có thu thì cớ gì con người không hết lòng bảo vệ?
Chợt tôi ngó ra ngoài hiên nhà, mấy chú sóc đang nhảy nhót bên rào, mấy con chim đang sà trên bậu cửa. Ngoài kia, sương mù đã bắt đầu kéo từ chân núi xuống, ùn ùn như những đụn mây.
Nguồn: Bình Nguyên (Nông nghiệp VN)