Tháng 6/2022, Lê Ngọc Nam Phương (sinh năm 2003) nhận bằng cử nhân của đại học Central Washington University khi vừa tròn 19 tuổi. Phương còn là chủ nhân của huy chương vàng medallion (điểm cao nhất khoa) với điểm GPA tuyệt đối 4.0. Đây cũng là điểm GPA mà em duy trì xuyên suốt bậc THPT và bậc đại học.
Nam Phương tốt nghiệp trường Central Washington University với điểm GPA 4.0. (Ảnh: NVCC)
Năm 2019, sau khi hoàn thành chương trình lớp 10 tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, Nam Phương sang Mỹ du học. Em học tại trường Seattle Central College và hoàn thành chương trình lớp 11, 12 trong một năm.
“Dù có nền tảng tiếng Anh ở mức tốt nhưng em vẫn bị sốc trong khoảng thời gian đầu sang Mỹ. Em từng phải ghi âm lại toàn bộ bài giảng của thầy cô để về nghe lại. Khi chưa quen, em thường hỏi giáo viên và đối chiếu bài ghi chép của mình với những người khác để bổ sung những điều chưa ghi kịp lúc cuối giờ. Tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá, làm quen với nhiều bạn bản xứ cũng là cách em trau dồi thêm tiếng Anh của bản thân”, Nam Phương kể lại.
Sau đó, Nam Phương tiếp tục đỗ 8 trường đại học tại Mỹ và theo học Central Washington University với mức học bổng 50% học phí vào đầu năm 2021. Ngoài việc lên kế hoạch học tập để hoàn thành chương trình học sớm nhất có thể, Nam Phương cũng phải ứng biến linh hoạt giữa việc học trực tiếp - trực tuyến khi dịch COVID-19 bùng phát.
Trước mỗi giờ học, Nam Phương đều đọc kỹ giáo trình và làm bài tập thực hành để nắm rõ kiến thức và kỹ năng làm bài. Em chọn ngồi bàn đầu để việc học và ghi chép thuận tiện nhất. Nam Phương luôn cố gắng ghi chép đầy đủ và đặc biệt chú ý những phần thầy cô mở rộng thêm bên ngoài để đạt điểm cao trong các bài thi. Bởi theo kinh nghiệm của 10x, đề thi thường rơi vào những phần kiến thức này. Giảng viên luôn đánh giá cao sự tập trung, ghi nhớ và cập nhật theo dòng thông tin mới.
Em cũng chủ động gặp giảng viên sau giờ học, hỏi điều em còn khúc mắc. Ngay cả khi học online, em cũng không bao giờ vắng mặt trong các phòng học ảo để học hỏi và mở rộng mối quan hệ. Nhờ thành tích học tập tốt, Nam Phương được các bạn học kém hơn nhờ kèm học. Đó đồng thời là cơ hội giúp em củng cố lại bài và ghi nhớ chắc các kiến thức đã học.
“Với du học sinh, điều khó nhất để đạt điểm số cao là hoà nhập vào môi trường mới. Nó bao gồm cả sự giao tiếp với bạn bè, thầy cô, tính tự lập và khả năng trau dồi thông tin, bắt kịp người bản địa. Đôi khi cách sống truyền thống của mình cũng là rào cản trong việc thích nghi với lối sống cởi mở của phương Tây”, nữ sinh nói.
Do tình hình dịch bệnh, 10x không có nhiều cơ hội tham gia hoạt động ngoại khoá tại trường đại học. Câu lạc bộ duy nhất em tham gia thời sinh viên là International Student Ambassador. Tại đây, em hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm cho các bạn mới vào trường cũng như tham gia tổ chức sự kiện cho du học sinh. Nam Phương thích nhất hoạt động này vì có cơ hội làm quen với các bạn quốc tế và hiểu thêm nền văn hoá của họ.
Học ở xứ người, việc căng thẳng vì lịch học dày đặc hay khi gặp phải bài tập khó là không thể tránh khỏi. Động lực từ anh trai đã giúp nữ sinh vượt qua tất cả. “Anh trai em sở hữu 3 bằng thạc sĩ Mỹ của The Johns Hopkins University, Harvard University và City University of Seattle. Ngoài ra, anh cũng sắp hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Mỹ. Mỗi lần nản chí, em lại nhìn vào anh để cố gắng. Aanh luôn là người hướng dẫn và động viên em”, 10x nói.
Nam Phương nhận huy chương vàng điểm cao nhất khoa. (Ảnh: NVCC)
Nam Phương cùng gia đình trong buổi lễ tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)
Việc đạt GPA 4.0 sớm là điều kiện đủ giúp Nam Phương theo học thạc sĩ những trường danh giá và cần thiết cho quá trình học tiến sĩ sau này. Qua điểm GPA, trường có thể đánh giá sức học, kỹ năng và các mối quan hệ của sinh viên để xét đầu vào. Ngoài ra, khi đi thực tập tại các công ty, GPA cao là lợi thế giúp nữ sinh vượt qua vòng tuyển dụng.
Sau khi tốt nghiệp trường Central Washington University, Nam Phương sẽ đi làm tại công ty về dữ liệu. Song song với đó, em sẽ theo học thạc sĩ tại Ivy League và lên kế hoạch chinh phục bằng tiến sĩ trong thời gian sớm nhất.