Thúy chính là nữ sinh duy nhất được Bộ GD&ĐT triệu tập tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Quốc tế Tin học liên tục trong 3 năm gần đây.
Hàng loạt trường ở Mỹ cấp học bổng
Thúy vừa trúng tuyển vào Đại học Cornell (Top 8 đại học tốt nhất nước Mỹ, top 5 khoa học máy tính trong nhiều năm liền) với mức học bổng 72.500 USD/ năm, trong đó có 100% học phí (60.000 USD) và một phần ăn ở.
Bên cạnh Đại học Cornell, Thúy cũng trúng tuyển nhiều đại học trong top 50 và 100 của Mỹ, như Union College (học bổng 50.000 USD/ năm), Lehigh University (học bổng 43.000 USD/ năm), Centre College (học bổng 34.000 USD/ năm), Worcester Polytechnic Institute (học bổng 34.000 USD/ năm), University of Minnesota - Twin Cities (học bổng 25.000 USD/ năm), University of Massachusetts - Amherst (học bổng 16.000 USD/ năm), Northeastern University (học bổng 16.000 USD/ năm), University of Georgia (học bổng 10.000 USD/ năm), và Arizona State University (học bổng 15.000 USD/ năm).
Phạm Phương Thúy - Học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Thúy chia sẻ rằng điểm yếu trong hồ sơ của mình là điểm SAT-1 và IELTS, vì nằm dưới mặt bằng chung của các trường top.
Năm lớp 11 của Thúy rơi vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, các kỳ thi SAT bị hủy 3 lần liên tiếp. Mãi đến tháng 9/2020, tức là cách đợt nộp hồ sơ sớm 1 tháng, Thúy mới có cơ hội được thi cả SAT 1 và IELTS lần đầu tiên.
Tuy nhiên, với nền tảng được bồi dưỡng xuyên suốt trong nhiều năm giúp nữ sinh này đạt điểm thi tạm ổn là IELTS 7.5, 1460/1600 điểm SAT-1, 800/800 điểm SAT-2 ở cả 3 môn Math Level 2, Physics, và Chemistry.
Với điểm số này, Thúy vẫn khá e ngại khi nộp vào các trường Top 20, đặc biệt là nhóm các trường Ivy League. Cho rằng hồ sơ nghiêng hẳn về các môn tự nhiên song đây cũng chính điểm mạnh của Thúy với hàng loạt giải thưởng và dự án về lập trình.
Thúy từng tham gia như các dự án khoa học kĩ thuật như “Máy lọc không khí thông qua cơ chế quang hợp của vi tảo” và là trợ lý nghiên cứu của trường Đại học Texas - Austin về Học máy…
Thúy và các bạn tham gia dự án “Máy lọc không khí thông qua cơ chế quang hợp của vi tảo”
Trong một bài luận về “Underrepresented group”, Thúy nói về chính bản thân mình - một “Girl In STEM”.
Khi quyết định theo chuyên Tin, Thúy đã “được” rất nhiều người đã khuyên nên xem xét lại, bởi “công nghệ thông tin không phù hợp cho con gái”. Thúy cũng đã từng tự hỏi bản thân liệu có phù hợp hay không. Và chính sở thích tạo ra game online – sở thích đã nhen nhóm từ những năm học tiểu học đã thôi thúc Thúy cho mình một lần thử.
“Em không dám khẳng định công nghệ thông tin là con đường cuối cùng của em, nhưng hiện tại em vui với nó, thế là đủ. Nếu không cho mình bất cứ cơ hội nào để thử, em nghĩ bản thân sẽ hối hận suốt đời. Và hơn hết, mình còn trẻ, thời gian còn dài, ngại gì sai” – Thúy bày tỏ.
Hãy làm mọi thứ vì đam mê
Chia sẻ thêm về việc mình là một trong số ít "Girl in STEM", Thúy cho biết khi chọn con đường chuyên Tin, là thành viên nữ duy nhất trong đội tuyển trường, rồi lên tới đội tuyển quốc gia, đôi lúc cô cảm thấy cô đơn và không thể hòa nhập vào cộng đồng "Boy in STEM" vì không cùng sở thích.
"Khi đặt chân vào đấu trường mang tầm cỡ quốc tế, thậm chí có lần ban tổ chức hay bác bảo vệ còn phải cảm thán vì chưa bao giờ thấy một bạn nữ như em tham dự. Việc làm tâm điểm của đám đông là động lực để cho em phấn đấu và tiến xa hơn, chứng tỏ bản thân không phải là một "hiện tượng lạ", mà là một gương mặt thân quen ở nơi này", Thúy khẳng định.
"Ít ai biết, những lập trình viên đầu tiên trên thế giới lại là nữ, vì họ có bộ óc và phong cách làm việc tỉ mỉ, phù hợp với ngành nghề cần tính chính xác cao như lập trình, và em tin em cũng có trong mình tính cách phù hợp đó".
Đạt 7.5 IELTS, nhưng Thúy cho biết tiếng Anh từng là điểm yếu khi còn học cấp hai ở Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM). "Em không có điều kiện được tiếp xúc với Tiếng Anh chuyên sâu từ sớm, nên hồi cấp 2, em cực kỳ tự ti với vốn Tiếng Anh, nhất là trong môi trường trường chuyên".
Có lần, lớp Thúy tổ chức biểu diễn bài hát Tiếng Anh, cô bị các bạn liên tục sửa lỗi phát âm nên càng hiếm khi dám nói Tiếng Anh trong lớp.
Điều này đã thôi thúc Thúy “cày” phát âm bằng từ điển Cambridge, học cách phát âm đúng từng chữ, học cách nhấn nhá âm điệu như người bản xứ. Thêm vào đó, việc luyện IELTS từ năm lớp 9 cũng làm khả năng ngoại ngữ của Thúy tăng lên đáng kể.
“Girl In STEM” cũng hết sức dịu dàng
Thúy nhìn nhận bước ngoặt của của em là lựa chọn chuyên Tin vào năm lớp 9, thay vì chuyên Toán đã theo đuổi được 4 năm.
Bắt đầu đổi hướng và học lại từ đầu các khái niệm lập trình cơ bản, nhưng Thúy đã tìm được thế mạnh giúp mình bật lên so với các bạn cùng lứa về lĩnh vực lập trình.
Điều Thúy muốn chia sẻ với các bạn khóa dưới là tinh thần chủ động tìm kiếm cơ hội cho bản thân mình thông qua cải thiện kĩ năng/ networking, sẵn sàng bắt lấy bất kì cơ hội nào phía trước.
"Bên cạnh đó, các em không nên tham dự các cuộc thi, dự án hay hoạt động ngoại khóa vì mục đích tạo dựng hồ sơ. Hãy bắt đầu vì chính đam mê của các em thì mới có thể phát huy khả năng của mình một cách tốt nhất và gắn bó lâu dài", nữ sinh chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thúy cho rằng cũng không có gì là đáng sợ nếu Tiếng Anh hay mảng nào khác có hơi hụt chân so với các bạn khác.
Thuý tâm sự: "Hồ sơ của các bạn được xem xét một cách toàn diện, từ học thuật, hoạt động ngoại khóa, đến các bài luận cá nhân. Quan điểm của em là không chia đều thế mạnh của mình ở tất cả các lĩnh vực, bởi không có ai là hoàn hảo để trở thành "con nhà người ta" toàn diện. Thay vào đó, cứ tập trung vào mũi nhọn cá nhân để làm cho bản thân trở thành "Top của Top" trong lĩnh vực đấy, như vậy thì còn sợ gì ai, "một nghề cho chín còn hơn chín nghề" cơ mà!".
Một số thành tích nổi bật của Phạm Phương Thúy:
- Giải nhất vòng Việt Nam của cuộc thi ICPC (International Collegiate Programming Contest) - kỳ thi lập trình quy mô quốc tế dành cho sinh viên.
- Giải nhì kỳ thi Học sinh giỏi Quốc Gia năm 2020 môn Tin Học.
- Là 1 trong 32 người dự kỳ thi tuyển đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Tin học Quốc tế, và là nữ sinh duy nhất được triệu tập trong 3 năm liên tiếp.