Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nữ sinh làm podcast tư vấn ngành nghề sau cú sốc khi du học

(VTC News) -

Cứ hai tuần, Gia Nghi lại cho “ra lò” một số podcast cung cấp thông tin về ngành nghề giúp những ai đang hoang mang trong quá trình chọn ngành, chọn trường.

“Đây là đài tiếng nói người dân, mỗi ‘dân’ một ‘ngành’, phát thanh từ nơi cách Nhà hát Con Sò 15 cây số. Xin mời nghe để biết mình dân ngành nào” - đoạn âm thanh mở đầu cho podcast “Dân trong ngành” của Quách Trần Gia Nghi (sinh năm 1997, quê TPHCM) chỉ vỏn vẹn 2 câu nhưng cũng đủ khiến thính giả cảm thấy thú vị xen lẫn tò mò. 

Quách Trần Gia Nghi làm podcast cung cấp thông tin về ngành nghề cho những du học sinh. (Ảnh: NVCC)

“Dân trong ngành” lên sóng số đầu tiên vào tháng 11/2020 – 2 năm sau khi Gia Nghi nhận bằng cử nhân truyền thông, trường Đại học Công nghệ Sydney (Úc). Khi đó, 9x đang làm công việc trái ngành tại một công ty du học với vai trò là người trò chuyện và tư vấn cho các bạn sinh viên về các chương trình du học tại Úc.

Với đặc thù công việc của một tư vấn viên, Gia Nghi luôn chủ động lên mạng tìm kiếm các thông tin để giải đáp được mọi thắc mắc của khách hàng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào tìm hiểu, Gia Nghi nhận ra trên mạng không có nhiều thông tin cụ thể về các ngành học, tất cả chỉ chung chung.

“Khi tìm kiếm thông tin, những thứ tôi đọc được chỉ là: Học y tá có cơ hội làm việc cao, học kỹ sư có mức lương đáng mơ ước,... chứ không cụ thể. Những thông tin hiển nhiên như vậy sẽ không giúp tôi làm tròn trách nhiệm của một tư vấn viên”, Gia Nghi nói.

Gia Nghi bắt đầu “cầu cứu” những bạn du học sinh Việt khác. Cô trò chuyện để tìm hiểu sâu về ngành mà các bạn học, về cách chọn trường, cơ hội việc làm cũng như môi trường làm việc sau khi ra trường. Từ đó, cô có thêm nhiều nguồn kiến thức phục vụ công việc.

Thế nhưng, Gia Nghi luôn tự hỏi, những bạn không có cơ hội tiếp xúc với nguồn thông tin liệu xuất hiện tâm lý hoang mang, bơ vơ khi đi du học – như Gia Nghi đã từng.

Năm 2014, khi đặt chân đến Sydney, Gia Nghi trải qua nhiều “cú sốc”. "Đi du học thông qua công ty du học, họ nói sao thì nghe vậy. Khi đó, dù chọn đúng ngành học phù hợp nhưng tôi lại không chọn đúng trường có thế mạnh trong việc giảng dạy ngành này. Thay vì chọn trường chuyên về truyền thông thì tôi lại chọn trường về công nghệ để học truyền thông. Và tôi trải qua cú sốc tuổi 17”, 9x tâm sự.

Năm 2018, trước thời điểm tốt nghiệp, Gia Nghi lại nghe nhiều người nói về việc “du học sinh châu Á học truyền thông ở Úc sẽ khó tìm được việc”. Tân cử nhân bước ra “trường đời” với niềm tin bản thân sẽ phải làm việc trái ngành và cô đã trải qua những công việc như làm phục vụ, gia sư,....

“Phần do thiếu kiến thức, phần do không có nhiều nguồn thông tin chính thống để tìm hiểu nên tôi phải trải qua khoảng thời gian khó khăn. Tôi không muốn các bạn du học sinh giống tôi. Ý tưởng làm podcast cung cấp thông tin về ngành nghề cho du học sinh xuất phát từ đó”, Gia Nghi nói.

Kênh podcast của "Dân trong ngành" trên nền tảng Spotify. (Ảnh chụp màn hình)

Với mỗi số podcast “Dân trong ngành”, Gia Nghi sẽ tìm khách mời và trao đổi nội dung với khách mời. Tiếp đó, cô lên danh sách những câu hỏi chính thức và thu âm.

Thông thường, một buổi nói chuyện với khách mời gồm 2 phần. Tại phần 1 MC sẽ đặt những câu hỏi liên quan đến việc học và làm trong ngành nghề đó. Những câu hỏi phần lớn xoay quanh việc học thế nào, tại sao chọn trường đó mà không phải những nước khác, công việc hiện tại là gì, làm gì trong công việc đó, khó khăn là gì, cơ hội việc làm tại nước này...

Phần 2 thú vị hơn, khách mời sẽ có cơ hội trải lòng về ngành, về những trăn trở của mình khi "đặt công việc đằng sau cánh cửa", và giải đáp những câu hỏi nghi vấn liên quan đến ngành nghề.

Chỉnh sửa file âm thanh, viết nội dung và thiết kế ảnh là những bước cuối cùng để cho ra đời 1 sản phẩm podcast. Sau đó, podcast sẽ được đăng tải lên các nền tảng: Youtube, Spotify, Apple Podcast, Google Podcast,...

Các bước trên được Gia Nghi thực hiện cùng 2 thành viên khác là Trịnh Thế Dân (tốt nghiệp Master of Creative Industries tại Macquarie University) và Nguyễn Thị Xuân Tâm (tốt nghiệp Bachelor of Medical Science tại Western Sydney University).

Các thành viên của "Dân trong ngành". (Ảnh: NVCC)

Một số khách mời từng xuất hiện trong podcast "Dân trong ngành". (Ảnh: NVCC)

Việc làm podcast giúp Gia Nghi có cái nhìn đa chiều hơn về các ngành nghề và được tiếp thêm động lực từ các khách mời. “Trước đây tôi thấy ngành của mình vô cùng tuyệt vời với nhiều điều lấp lánh. Nhưng khi bắt tay vào làm podcast, tôi mới nhận ra những điều mình biết quá đỗi nhỏ bé. Tôi biết rằng mỗi ngành nghề đều đáng trân quý và tất cả những nhân vật của tôi, ai cũng có khát khao, muốn làm những điều khác biệt trong từng lĩnh vực”, nữ du học sinh tâm sự.

Trong 31 số podcast đã lên sóng, Gia Nghi đặc biệt ấn tượng câu chuyện của một bạn du học sinh ngành marketing khi ra trường do gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc nên đã quyết định làm lại từ đầu – đăng ký học ngành IT. Hiện bạn này không chỉ thành công trong ngành IT mà còn mở lớp học “tay ngang” cho “dân IT”. 

“Tôi ngưỡng mộ những người dám vượt qua giới hạn của mình, làm những điều khác biệt so với trước đây”, Gia Nghi nói.

Ngoài những kiến thức, nguồn động lực từ các vị khách mời, “Dân trong ngành” còn mang đến cơ hội việc làm mới cho cô. Sau 1 năm làm podcast, cô tìm được công việc đúng chuyên ngành, cũng là công việc hiện tại - quản lý chiến dịch quảng cáo của một công ty truyền thông tại Úc.

“Tôi từng nghĩ, giá như có một ai đó làm podcast với nội dung như vậy từ 2014 thì tôi đã có định hướng, lộ trình sớm hơn. Nhưng chính podcast mang lại cho tôi công việc đúng ngành học. Tôi được nhà tuyển dụng đánh giá cao và nhận vào làm vì họ biết tôi triển khai làm “Dân trong ngành” - công việc phi lợi nhuận nhưng với thái độ nghiêm túc và chỉn chu”, Gia Nghi kể.  

HOÀI ANH

Tin mới